MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh Hóa: 3 huyện, 178 xã công bố hết dịch

12-08-2019 - 14:06 PM | Thị trường

Là tỉnh thứ tư trên cả nước xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, chịu nhiều áp lực về phòng chống dịch nhưng Thanh Hóa đã từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Đến nay, toàn tỉnh có 3 huyện, 178 xã công bố hết dịch.

Từ ngày 23/2/2019 đến đầu tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.644 hộ thuộc 1.377 thôn, 384/635 xã của 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Cơ quan chức năng tiêu hủy 64.681 con lợn, trọng lượng 4.487.915,9 kg. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại sau những ngày hoành hành trên diện rộng.

Tính đến đầu tháng 8/2019, toàn tỉnh đã có 3 huyện Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc với 178 xã dịch đã được khống chế và công bố hết dịch. Tính đến ngày 7/8/2019, trên địa bàn tỉnh còn 934 thôn, 206 xã của 24 huyện đang còn dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, qua 7 tháng buộc "sống chung" với dịch tả lợn châu Phi, địa phương này đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch.

Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này đã tạo ra một hệ thống phòng chống dịch gồm nhiều lớp. Khi có thông tin dịch bệnh, ngay lập tức ngành thú y đến ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành tiêu hủy nhanh giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Từ cuối tháng 2/2019 đến nay, toàn tỉnh đã lấy 832 mẫu chẩn đoán, giám sát dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 506 mẫu dương tính. Phần lớn các ổ dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy nhanh, gọn trong vòng 24 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm.

Địa phương cũng hết sức quan tâm đến công tác hỗ trợ tiêu thụ lợn và thịt lợn cho người dân trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, tiêu thụ. Toàn tỉnh đã lấy 1.673 mẫu giám sát dịch tả lợn châu Phi chứng minh sạch bệnh làm cơ sở chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển lợn cho người chăn nuôi.

Thanh Hóa: 3 huyện, 178 xã công bố hết dịch - Ảnh 1.

Các chốt kiểm dịch động vật đã bắt nhiều vụ vận chuyển lợn nhiễm dịch. Ảnh: Tiến Thành.


Các địa phương đều rất ý thức được công tác xử lý triệt để ổ dịch bằng cách vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng. Đặc biệt, việc xử lý các trang trại, hộ chăn nuôi bằng cách rải vôi bột mang lại hiệu quả rất cao trong việc ngăn chặn phát tán dịch bệnh tại các hộ có dịch. Tính đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng 163.642 lít hóa chất tiêu độc khử trùng.

Trong đó Trung ương và tỉnh cấp 89.494 lít; UBND các huyện tự huy động 75.148 lít; 783 tấn vôi bột (tỉnh cấp 228 tấn; UBND các huyện tự mua 555 tấn, ngoài ra các xã huy động khoảng 1.200 tấn vôi để xử lý các ổ dịch tại chỗ). Để đảm bảo An toàn sinh học cho các trang trại, gia trại khỏi nguy cơ dịch bệnh, ngoài việc UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 4.344 lít thuốc diệt côn trùng, người chăn nuôi còn “mắc màn” cho lợn bằng cách giăng lưới quanh khu chuồng trại ngăn côn trùng xâm nhập.

Công tác kiểm soát vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn, sản phẩm lợn từ vùng dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm thông qua các trạm, chốt kiểm soát, tổ kiểm dịch lưu động, các lực lượng chức năng, quản lý thị trường... Đến nay Thanh Hóa đã thành lập 7 trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông thực hiện trực 24/24 giờ trong ngày.

Từ 28/2/2019 đến đầu tháng 8/2019, 7 trạm, chốt đã kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng được 24.855 lượt xe chở động vật, phát hiện xử lý 11 xe vận chuyển lợn tiêu hủy 726 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, 120 kg sản phẩm lợn nhập vào địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: 3 huyện, 178 xã công bố hết dịch - Ảnh 2.

Tuyên truyền để người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Tiến Thành.

Các huyện, thị xã, thành phố thành lập 609 chốt kiểm (55 chốt trên đường quốc lộ) và 50 tổ kiểm soát lưu động để kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh để ngăn chặn dịch động vật. Lực lượng chức năng đã xử lý 52 trường hợp vi phạm vận chuyển lợn, xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy 872 con lợn nhiễm bệnh, 620 kg sản phẩm lợn.

Tính đến nay, Thanh Hóa đã cấp ứng hơn 100 tỷ đồng cho 27 huyện, TP, thị xã phục vụ công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và hỗ trợ người chăn nuôi. Các huyện hiện đã triển khai thống kê, rà soát để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Tỉnh cũng đã đề xuất Trung ương cấp kinh phí để hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định của Nhà nước.

Theo Võ Dũng-Tiến Thành

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên