MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thanh khoản kém, trả cổ tức bằng tiền mặt khác nào lấy mỡ nó rán nó”

28-04-2016 - 16:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù đã đi qua quá nửa mùa ĐHĐCĐ, các ngân hàng vẫn đang đau đầu nhức óc để đưa ra phương án chi trả cổ tức cho đẹp lòng cổ đông mà vẫn vừa sức ngân hàng trong bối cảnh hiện tại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
293 bài viết

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh được công bố là tương đối “rực rỡ” trong năm qua, thì vấn đề đặt ra là: Tại sao ngân hàng báo lãi to mà vẫn nằng nặc đòi chia cổ tức bằng cổ phiếu?

Điệp khúc không cổ tức tiền mặt

Mới đây nhất, ĐHĐCĐ của 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nóng lên trong phiên chất vấn bởi câu hỏi của cổ đông về phương án chia cổ tức.

Theo đó, các cổ đông của BIDV tỏ ra bức xúc vô cùng khi tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông trong tài liệu là 8,5% không khớp với phương án ngân hàng đưa ra trước đó là 9%. Không những thế, dù báo lãi lớn nhưng ngân hàng vẫn đòi chia cổ tức năm 2015 hoàn toàn bằng cổ phiếu, mà không hề có một đồng tiền mặt. Những bức xúc này của cổ đông không phải không có lý khi cổ đông chưa kịp vui mừng vi ngân hàng làm ăn có lãi, đã lại hụt hẫng vì không được thỏa lòng với phương án chia cổ tức.

Không kém phần căng thẳng, trong ĐHĐCĐ SCB, khi ban lãnh đạo đưa phương án “xử lý” cổ tức, tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu, đã làm cho cổ đông tỏ ra hoài nghi về sự trung thực của HĐQT ngân hàng này. Theo đó, dù báo lãi nhưng cổ đông sẽ không nhận được phần trăm cổ tức nào bằng tiền mặt. Đây quả thực là một trong những tín hiệu đáng buồn của mùa ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay.

Vậy tại sao ngân hàng liên tục báo lãi mà vẫn không đưa phương án chia cổ tức bằng tiền mặt?

“Ngân hàng thanh khoản kém, trả cổ tức bằng tiền mặt khác nào lấy mỡ nó rán nó”!

Lý giải cho vấn đề trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Việc ngân hàng báo lãi lớn nhưng vẫn muốn giữ lại cổ tức làm vốn để hoạt động là một chuyện rất bình thường”. Điều đó có nghĩa là, các ngân hàng đưa phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chuyện dễ hiểu. Ngân hàng luôn muốn có thêm vốn để mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và nguồn vốn giữ lại được từ cổ tức là nguồn vốn tốt nhất. Như thế sẽ có lợi cho ngân hàng.

Ông Hiếu cho biết thêm: Trong câu chuyện chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, có bên được lợi thì sẽ có bên thiệt hại. Khi sử dụng “tiền tươi thóc thật”, ngân hàng sẽ phải rút ra một lượng lớn tiền mặt trong ngân hàng để trả cho cổ đông. Với những ngân hàng có thanh khoản tốt sẽ là không vấn đề gì. Nhưng với những ngân hàng có thanh khoản kém, đặc biệt những ngân hàng chỉ báo lãi “khống”, thì việc này sẽ rất khó khăn.

Ông Hiếu cũng nhận định: Riêng với những ngân hàng có tính thanh khoản kém, đặc biệt những ngân hàng báo lãi khống thì việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt chẳng khác nào “lấy mỡ nó rán nó”. Nghĩa là ngân hàng phải tự lấy vốn hoạt động của mình ra để trả cho cổ đông. Do đó chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là phương án an toàn nhất đối với những ngân hàng loại này.

Ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông?

Trước mong mỏi của các cổ đông ở nhiều ngân hàng là được chia cổ tức bằng tiền mặt chứ không mặn mà với cổ phiếu, đã dấy lên lo ngại về vấn đề lòng tin của cổ đông hiện nay vào năng lực và tương lai phát triển của ngân hàng.

Nhận định về vấn đề trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Mong muốn được trả cổ tức bằng tiền mặt của các cổ đông là điều hiển nhiên”. Tuy nhiên, khi cổ đông mong muốn được trả cổ tức bằng tiền mặt, không có nghĩa là họ không còn tin tưởng vào tương lai hoạt động của ngân hàng đó nữa. Ông Hiếu cũng cho biết thêm, ngân hàng rất mong có những cổ đông có tầm nhìn dài hạn. Với những ngân hàng đang gặp khó khăn thì cổ đông ủng hộ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu là điều rất có ý nghĩa và có lợi, để ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động và phát triển.

Tuy nhiên, để “động viên” cổ đông và khẳng định ngân hàng đang sống khỏe sau một thời gian ốm yếu, thì phương án khôn ngoan nhất, theo ông Hiếu là chia cổ tức 50-50, tức là 50% cổ tức bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu. Đây là một phương án tối ưu để có thể vừa làm vừa lòng các đại cổ đông, lại vừa có thể giữ lại vốn tiếp tục đầu tư kinh doanh.

Theo Nguyễn Thoan

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên