MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh long rớt giá thảm, người trồng, nhà kho lao đao

06-02-2020 - 15:18 PM | Thị trường

Dịch bệnh Corona đã khiến con đường tiêu thụ trái thanh long của Việt Nam tắc nghẽn, giá thanh long tại các tỉnh miền Tây đã rớt “chạm đáy”, trong khi các thương nhân Trung Quốc đang nợ các nhà kho cả trăm tỷ đồng…

Tiền Giang và Long An là hai địa phương trồng nhiều thanh long nhất miền Tây, nhưng nông dân trồng thanh long cũng như các nhà kho đang điêu đứng vì đại dịch corona khiến con đường tiêu thụ thanh long sang Trung Quốc bế tắc. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ đến 90% lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam hằng năm.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán, các nhà kho đặt cọc mua của nông dân với giá 30-32.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá chỉ còn 4-5.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Nghiêm (Quản lý kho Công ty TNHH Nông sản Rạng Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho biết, trước Tết Nguyên đán, các nhà kho đặt cọc mua thanh long của nông dân với giá từ 30-32.000 đồng/kg. Một vuờn từ 1-2 tấn, cty đặt cọc từ 5-10 triệu đồng, nhưng do tình trạng tiêu thụ sang Trung Quốc gặp khó nên giá giảm rất nhiều.

Thanh long rớt giá thảm, người trồng, nhà kho lao đao - Ảnh 1.

Người trồng thanh long ở miền Tây đang lao đao vì giá rớt thảm. Ảnh: N.H

“Trong khi nhà vườn yêu cầu phải thu mua đúng với giá ban đầu hoặc chỉ chấp nhận giảm 50%. Tuy nhiên, các nhà kho chỉ thực hiện hỗ trợ thu mua 5.000 đồng/kg cho nông dân, nếu nông dân nào thông cảm và hiểu được thì mừng. Với giá này doanh nghiệp sẽ lỗ nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận lấy hàng về, nếu như bỏ cọc thì số thanh long nhà vườn đem đi đâu” - ông Nghiêm nói.

Với 3.000m2 trồng thanh long, ông Võ Ngọc Diệp (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho hay, mấy năm trước, sau Tết giá thanh long luôn ở mức 30.000 đồng/kg. “Cứ nghĩ giá năm nay vẫn vậy nên tôi không nhận tiền cọc. Khi hay tin thanh long rớt giá, gia đình như ngồi trên đóng lửa. Với giá thu mua trước Tết, tôi có thể thu về trên 100 triệu đồng nhưng với tình cảnh hiện nay thì lỗ nặng hoặc có nguy cơ mất trắng” - ông Diệp lo lắng.

Theo ông Nguyễn Văn Thuần (người trồng thanh long ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thì ngày 5/2, giá thanh long loại 1 với mỗi trái từ 400 gam trở lên được thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn 4.000 đồng/kg, còn loại “dạt” (còn lại sau khi chọn lấy loại 1) chỉ còn 1.000 đồng/kg. Với khoảng 3 tấn thanh long bán cho thương lái, nếu giá như thời điểm trước Tết thì sẽ thu được khoảng 80 triệu đồng, còn hiện chỉ được khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Khách hàng nợ cả trăm tỷ đồng

Thông tin từ hội nghị tìm giải pháp tiêu thụ thanh long Long An được tổ chức hôm qua (5/2) ở tỉnh này cho biết, các khách hàng là thương nhân Trung Quốc hiện còn nợ các nhà kho, cơ sở sơ chế thanh long trên địa bàn tỉnh Long An khoảng 100 tỷ đồng.

Thanh long rớt giá thảm, người trồng, nhà kho lao đao - Ảnh 2.

Các nhà kho cũng điêu đứng, chấp nhận rủi ro tìm cách giải quyết tình thế. Ảnh: N.H

Theo quy trình thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh Long An, khách hàng phía Trung Quốc (kho, doanh nghiệp, pháp lý là người Việt Nam nhưng do người Trung Quốc điều hành) phát giá, đặt hàng với các nhà kho trong nước thông qua điện thoại, Vchat (ứng dụng chat trực tuyến). Sau đó, các nhà kho phát giá đến thương lái và thương lái theo đó đặt cọc thu mua của nhà vườn (nông dân). Tuy nhiên, việc thanh toán thì không có hợp đồng nên rủi ro rất lớn.

Báo cáo của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, khoảng 80% sản lượng thanh long của tỉnh này tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi thị trường này gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona, các khách hàng Trung Quốc đã hủy những đơn hàng đã phát giá đặt của các nhà kho, cơ sở sơ chế trước đó (giá 40.000-50.000 đồng/kg) với tổng số khoảng 500 container (tương đương 7.500 tấn)...

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch corona, để giải quyết hàng tồn kho, một trong những giải pháp tình thế được các DN lựa chọn là đẩy mạnh bán hàng nội địa hoặc ký gửi với khách hàng đối tác. Theo bà Huỳnh Kim Phụng (nhà kho thanh long Long Việt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), việc ký gửi cho đối tác bán sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng chỉ giải quyết tình huống, chứ không thể tiêu thụ được nhiều vì có nhiều thị trường không tiêu thụ thanh long ruột đỏ.

“Như Thái Lan chẳng hạn, thanh long ruột trắng họ ăn, dù giá ruột trắng cao hơn ruột đỏ, mình gửi bán ruột đỏ họ không nhận, nếu khách hàng nhận ký gửi bán thử mà bán không được thì phải chấp nhận hủy bỏ” – bà dẫn chứng và cho biết, nếu đối tác bán không được thì coi như bị mất trắng vì DN đã phải chịu chi phí lưu kho lạnh, phí vận chuyển, thuế… nên rủi ro rất lớn. Tuy vậy, DN vẫn phải chấp nhận để giải quyết hàng tồn kho. Còn nếu trữ trong kho lạnh chờ qua giai đoạn khó khăn, thì với mặt hàng thanh long cũng chỉ được khoảng 10 ngày, nhưng trái thanh long sẽ bị mất nước, chất lượng giảm đi…

Xem thêm các bài viết ghi lại tất cả những gì diễn ra trong dịch virus corona tại thư mục Nhật ký mùa dịch trên trang Lá chắn virus Corona để cập nhật những thông tin hữu ích và đáng tin cậy nhất.

.#ICT_ANTI_NCOV

Theo Nhật Huy - Cảnh Kỳ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên