MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra Chính phủ kiến nghị làm rõ việc UBND Thành phố Hà Nội không bàn giao vốn nhà nước về SCIC

29-11-2016 - 14:24 PM | Doanh nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh đến nay chưa có tổng kết về việc thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc trên địa bàn.

Ngày 22/11/2016, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Đối với việc tiếp nhận, chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước của SCIC, Thanh tra chính phủ kết luận việc rà soát xây dựng danh mục các doanh nghiệp nhà nước đủ điều kiện bàn giao, doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng bàn giao nhưng chưa đủ điều kiện bàn giao cũng như lộ trình tiếp nhận theo từng bộ, ngành, địa phương của SCIC còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác.

Tại một số địa phương, công tác chỉ đạo Người đại diện vốn trong xác định đối tượng thuộc diện chuyển giao và hoàn thiện chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước còn nhiều tồn tại, vi phạm dẫn đến chậm chuyển giao theo quy định.

Một số bộ, ngành địa phương chậm xử lý các tồn tại về tài chính, lấy lý do doanh nghiệp chưa đủ điều kiện chuyển giao để trì hoãn việc chuyển giao nhằm giữ lại các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hoặc trực tiếp thực hiện việc thoái vốn.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh được thủ tướng chính phủ cho phép thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), trong đó thí điểm giao cho HFIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổng công ty và công ty nhà nước, công ty TNHH hai thành viên trở lên, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tổng kết về việc thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc trên địa bàn trong khi hiện nay theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ đều không có không có quy định về trường hợp đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khi thành lập đến nay, HFIC đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh bàn giao vốn nhà nước tại một loạt doanh nghiệp lớn với tổng số vốn lên đến trên 3.000 tỷ đồng gồm:

+ Công ty Xổ số kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh

+ Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà (HMTC)

+ Công ty Chiếu sáng công cộng

+ Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn (đã hoàn thành cổ phần hóa sau khi nhận bàn giao và giao dịch trên Upcom)

+ Công ty Công trình Cầu phà (đã cổ phần hóa)

+ Công ty Dệt may Gia Định – Giditex (đã cổ phần hóa)

+ Công ty XNK và Đầu tư Chợ Lớn – Cholimex (đã cổ phần hóa)

Một thông tin đáng chú ý được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ là UBND thành phố Hà Nội không chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định tại điều 7 Nghị định 151/2013/NĐ-CP.

Thống kê của CafeF cho thấy hiện UBND Thành phố Hà Nội vẫn trực tiếp nắm giữ vốn tại khá nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất cổ phần hóa như như Cơ điện Trần Phú, Nội thất Xuân Hòa, Kim khí Thăng Long, Điện cơ Thống Nhất, Giầy Thượng Đình…

Sau quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội báo cáo làm rõ nguyên nhân không chuyển giao đại diện sở hữu vốn nhà nước về SCIC, tổng kết việc thực hiện làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của UBND Thành phố Hà Nội đồng thời triển khai thực hiện chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về SCIC.

+ Chỉ đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết thực hiện mô hình thí điểm giao HFIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổng công ty và công ty nhà nước… trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151, trên cơ sở đó có chỉ đạo thống nhất trong việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Nghị định 151/2013/NĐ-CP

Điều 7. Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty (SCIC)

1. Tổng công ty thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp sau (không bao gồm các doanh nghiệp chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và các trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho các cơ quan khác):

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ các doanh nghiệp độc lập 100% vốn nhà nước hoặc mới thành lập trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu;

d) Công ty cổ phần được chuyển đổi từ các doanh nghiệp độc lập 100% vốn nhà nước hoặc mới thành lập trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước cho Tổng công ty được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tổng công ty có trách nhiệm phản ánh đầy đủ giá trị vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã nhận chuyển giao theo giá trị vốn được xác định tại Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước giữa các bên.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho Tổng công ty ngay sau khi các doanh nghiệp này hoàn thành cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về Tổng công ty.

Kinh Kha

Thanh tra Chính phủ

Trở lên trên