MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý nhiều vi phạm trong ngành thuế

Công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước...

Ngày 28/2, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh một số kết quả đạt được, cả 3 cơ quan trên đều tồn tại không ít những thiếu sót, khuyết điểm trong các năm từ 2012 – 2014. Trong đó là điển hình là những khuyết điểm, vi phạm trong xây dựng kế hoạch, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch, thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Để vi phạm về hóa đơn xảy ra trên diện rộng

Cụ thể là ngành thuế xây dựng kế hoạch thanh tra nhưng chưa phù hợp, không đúng trọng tâm trọng điểm. Việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch thanh tra của Tổng cục Thuế và cục thuế các địa phương cũng không có căn cứ, thiếu cơ sở. Có một số doanh nghiệp đưa vào kế hoạch thanh tra nhiều năm nhưng không thực hiện hoặc điều chỉnh nhiều lần nên đến nay vẫn chưa được thanh tra.

Một số cuộc thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế Hà Nội thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật, cùng một hành vi vi phạm nhưng lại kiến nghị xử lý khác nhau tạo nên sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp…

Hay tại Cục Thuế Tp.HCM (thuộc Tổng cục Thuế) đã thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm của 4 công ty dầu khí dẫn đến khi có quyết định xử lý thì đã hết thời hiệu xử lý, gây khiếu kiện kéo dài và nhà nước không thể truy thu thuế do hết hiệu lực xử lý.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực thuế chưa kịp thời, thiếu cụ thể và thậm chí là không đúng quy định.

Cùng với đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã chậm trễ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Cục thuế trong công tác quản lý nợ thuế; hoàn thuế dẫn đến nợ đọng thuế ngày càng tăng; một số Cục thuế có vi phạm trong quản lý thuế.

Ví dụ được Thanh tra Chính phủ dẫn ra, tại thời điểm tháng 6/2014, có 769 đối tượng nợ thuế trên 90 ngày, nhưng trong đó có 466 doanh nghiệp hoạt động bình thường và có lãi. Tuy nhiên, cơ quan thuế không áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp chây ì, nợ thuế trên 90 ngày.

Thanh tra Chính phủ kết luận, chính những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã dẫn đến nợ thuế toàn ngành ngày càng tăng.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2012 nợ thuế toàn ngành là 55.056.561 triệu đồng, nhưng đến cuối năm 2013 đã lên tới trên 61.160.000 triệu đồng và đến 30/6/2014 tăng vọt lên trên 68.000.000 triệu đồng.

Bộ Tài chính và ngành thuế cũng đã không theo dõi được nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp. Do đó, chỉ tính riêng số tiền tính phạt chậm nộp tiền sử dụng đất của ngành thuế, các cục thuế tính thiếu tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 669.424 triệu đồng.

Riêng đối với Cục Thuế Hà Nội, trong giai đoạn trên đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và thu hồi nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, thiếu kiên quyết…dẫn tới số tiền nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất tăng cao.

Cùng với đó, công tác phối hợp với lực lượng công an chưa chặt chẽ, chưa quy định thời gian cụ thể giải quyết các vụ việc phối hợp dẫn đến tồn đọng nhiều vụ việc, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, còn có không ít khuyết điểm, vi phạm tại một số địa phương, doanh nghiệp liên quan đến thu nộp ngân sách. Trong đó nổi lên là việc Bộ Tài chính đã không hướng dẫn, chỉ đạo toàn ngành thuế thực hiện nghiêm, đầy đủ việc xử lý doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra trên diện rộng và phức tạp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

UBND thành phố Hà Nội cũng có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn tới việc có nhiều nhà đầu tư sử dụng đất nhà nước trong nhiều năm nhưng không nộp tiền sử dụng đất.

Có một số dự án nhà ở tại thời điểm thanh tra chưa được cấp phép, chưa được giao đất, phê duyệt dự án, chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn khởi công xây dựng.

Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc

Với những thiếu sót, vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý, tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành đối với các cơ quan thuộc Bộ, nhất là cơ quan thuế đã để xảy ra các tồn tại nêu trên.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hủy bỏ các văn bản đã ban hành trái quy định, khẩn trương ban hành, sửa đổi các văn bản phù hợp với thực tế.

Chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai trên địa bàn, dẫn đến nhiều sai phạm của các chủ đầu tư.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành xử lý, kỷ luật các đơn vị, cá nhân có sai phạm nêu trong kết luận. Trong đó có việc kiểm điểm trách nhiệm của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội và Tp.HCM.

Đối với xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế truy thu của các doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm về thuế với số tiền là 792. 426 triệu đồng; rà soát, truy thu tiền chậm nộp và xử phạt 12 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc, trong đó có vụ 21 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm 20 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Apa Green có tổng giá trị là 822.890 triệu đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra vụ việc tại dự án xây dựng công trình nhà ở Đại Thanh tại Thanh Trì, Hà Nội, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội cùng các bên tham gia đầu tư dự án.

Theo Nguyên Hà

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên