MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo điểm nghẽn visa để khách đến Việt Nam

Nhiều khó khăn của ngành du lịch có thể tháo gỡ ngay mà không tốn tiền.

Nhóm công tác du lịch thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) vừa kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ba điểm nghẽn để tạo đà đột phá cho ngành du lịch phát triển.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề trên, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký VPSF, người có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành du lịch, nói: “Nhóm chọn ba vấn đề là quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia, chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam và cải thiện môi trường du lịch. Đây là ba điểm nghẽn của du lịch Việt cần phải tháo gỡ”.

Làm ngay mà không tốn kém

. Phóng viên: Thưa ông, hiện tại ngành du lịch có nhiều bất cập. Vì sao chỉ chọn ba vấn đề trên?

+ Ông Hoàng Nhân Chính: Đúng là du lịch Việt Nam còn nhiều vấn đề khác nhưng ba vấn đề trên có thể làm nhanh trong năm nay mà không tốn kém nhiều tiền và không phải là vấn đề quá lớn không thể thực hiện được.

Thực tế khi chúng ta quảng bá, du khách cảm thấy hấp dẫn nên muốn đi du lịch Việt Nam. Nhưng khi đến nước ta, họ gặp điểm nghẽn về chính sách thị thực (visa). Thế nên nhiều khách không trở lại nữa. Do đó môi trường du lịch cần phải được cải thiện, đảm bảo an toàn, thân thiện… để tăng sự hài lòng của du khách. Lúc đó chúng ta mới thu hút được khách chất lượng cao, chi tiêu cao, khách đến và quay lại Việt Nam sẽ nhiều hơn.

. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại nếu miễn visa sẽ gây thất thu ngân sách. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

+ Việc miễn visa không ảnh hưởng gì đến thất thu ngoại tệ, thậm chí còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế. Một nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đối với năm nước Tây Âu mà Việt Nam đã miễn thị thực cho thấy tỉ lệ khách đến nước ta tăng 10,1%, cao hơn cả mức tăng chung ở các nước ASEAN khác.

Cụ thể, riêng năm 2016 tổng lượng khách từ năm quốc gia Tây Âu đạt gần 781.000 khách, tăng khoảng 124.000 khách, tương ứng tăng 19% so với năm trước đó. Mỗi khách chi tiêu ở Việt Nam trên 1.300 USD thì tổng số tiền thu được từ 124.000 khách tăng thêm trên 160.000 USD. Trong khi số tiền giảm thu từ phí visa của 781.000 khách này là chưa đến 20.000 USD.

Điều này có nghĩa nguồn thu tăng thêm từ việc miễn thị thực cao hơn so với việc giảm thu phí visa 25 USD/khách.

Đặc biệt, miễn thị thực không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn mang lại lợi ích cho xã hội. Theo tính toán, miễn thị thực tăng thêm 1,6%-3,1% số việc làm trực tiếp cho ngành du lịch và các ngành khác đều hưởng lợi. Không chỉ vậy, miễn thị thực cho các quốc gia phát triển sẽ khiến thương gia những nước này có thể tiếp cận được thị trường Việt Nam thông qua con đường du lịch. Vì vậy chính sách miễn visa của chúng ta nên cởi mở hơn.

. Còn lo ngại về vấn đề an ninh khi miễn visa thì sao, thưa ông?

+ Nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho các nước đã phát triển nhằm thu hút khách du lịch và đầu tư. Thực tế đã chứng minh du khách các nước phát triển không sang Việt Nam để ở lại hoặc tìm kiếm việc làm bất hợp pháp nên chúng ta không nên lo ngại. Nói cách khác, đó là những nước giàu, khách du lịch tiêu tiền nhiều, không bộc lộ nguy cơ về an ninh, sao chúng ta lại không miễn thị thực cho họ?

Bên cạnh đó, hãy nhìn vào bản chất vấn đề. Các nước sử dụng visa có khi là để kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn ngừa những phần tử mà quốc gia đó không muốn cho vào. Ví dụ những phần tử đó có nguy cơ về lưu trú bất hợp pháp, tìm việc làm bất hợp pháp hoặc có nguy hại về an ninh. Có điều cho đến nay tất cả các nước dù miễn visa nhưng bất cứ ai cũng có thể bị từ chối cho nhập cảnh ngay tại cửa khẩu nếu họ không muốn cho người đó nhập cảnh.

Ví dụ, Singapore miễn visa cho Việt Nam nhưng không phải 100% người Việt đều được vào mà vẫn có những người bị từ chối nhập cảnh ngay từ cửa khẩu. Việt Nam cũng có thể làm như vậy. Không thể nói mở cửa visa gây nguy cơ vì chúng ta có quyền từ chối những đối tượng mà chúng ta không muốn.

Bỏ quy định bất hợp lý

. Thưa ông, vì sao lâu nay chính sách visa đã được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng kêu ca rất nhiều nhưng không cải thiện bao nhiêu?

+ Lâu nay ngành du lịch đã phản ánh về vấn đề này nhiều nhưng lại chưa nêu được những số liệu chứng minh cụ thể cái lợi của việc miễn visa hoặc chưa nêu bức tranh tổng thể nên Chính phủ chưa nhìn thấy rõ. Hoặc do hạn chế về mặt kỹ thuật nên vấn đề này chưa được làm ngay.

. Vậy nhóm có những kiến nghị cụ thể nào lên Chính phủ để giải quyết rốt ráo vấn đề trên, thưa ông?

+ Chúng tôi đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, Việt Nam đang miễn thị thực cho 23 quốc gia, dù được xem là “kỳ tích” nhưng chưa thấm vào đâu so với các nước ASEAN. Mặt khác, thời hạn miễn thị thực 15 ngày là chưa đủ vì khách từ các nước đến du lịch Việt Nam có thời gian lưu trú trung bình trên 15 ngày. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị tăng số ngày miễn thị thực lên 30 ngày cho các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.

Thứ hai, chúng tôi kiến nghị Chính phủ chính sách miễn thị thực cần kéo dài lên năm năm thay vì một năm như hiện nay. Đồng thời, thông báo miễn thị thực trước ít nhất sáu tháng để các công ty du lịch có kế hoạch dài hơi quảng bá xúc tiến du lịch.

Ngoài ra, trong Luật Xuất nhập cảnh ban hành năm 2014 có quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày. Chẳng hạn, khách quốc tế đến Hà Nội du lịch rồi bay qua Lào, Campuchia rồi trở về TP.HCM để tiếp tục du lịch Việt Nam, nếu họ mới cách lần xuất cảnh đầu tiên chỉ 15 ngày sẽ không vào được Việt Nam nữa. Quy định như vậy rất vô lý, làm hạn chế khách đến du lịch Việt Nam nên cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Đó là chưa kể Việt Nam chỉ cấp thị thực điện tử cho 40 nước trong khi các nước khác cấp thị thực điện tử cho trên 70 quốc gia. Việt Nam hạn chế cả cấp visa điện tử nên gây khó cho khách du lịch.

. Ông có kỳ vọng gì vào những kiến nghị của nhóm?

+ Chúng tôi tin tưởng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để giải quyết những điểm nghẽn này, qua đó giúp ngành du lịch phát triển có chất lượng và bền vững.

. Xin cám ơn ông.

Không nhớ nổi

Thực tế cho thấy tỉ lệ khách khai báo làm thị thực điện tử tại trang web xuất nhập cảnh rất ít. Lý do là tốc độ truy cập kém. Ngoài ra, tên miền xuatnhapcanh.com.vn khiến khách nước ngoài không nhớ nổi.

Do đó, cần nâng cấp trang web và đổi tên miền “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” để khách dễ tìm kiếm. Đồng thời, thiết lập sớm hệ thống tra cứu điện tử về xuất nhập cảnh nhanh và chính xác. Có như vậy việc quản lý chính sách visa mới được ổn định.

Ông HOÀNG NHÂN CHÍNH, Tổng Thư ký VPSF

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên