MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất thoát gần 800 triệu USD do thu hoạch và bảo quản lạc hậu

20-04-2016 - 14:13 PM | Thị trường

Thất thoát sau thu hoạch ở ĐBSCL lên tới 800 triệu USD/năm do tập quán canh tác còn mang tính nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ.

Vùng ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước với diện tích trồng hơn 3,8 triệu ha. Sản lượng lúa đạt 24 triệu tấn/năm, chiếm hơn hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Do khâu thu hoạch và bảo quản còn thủ công, lạc hậu nên mỗi năm toàn vùng thất thoát gần 800 triệu USD. Thông tin này vừa được công bố tại hội thảo Công nghệ chế biến và tồn trữ sau thu hoạch được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Theo các nhà khoa học, tùy theo mỗi vụ, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở ĐBSCL có thể từ 10 – 12%/ mùa vụ. Nguyên nhân là do tập quán canh tác còn mang tính nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ; việc ứng dụng các kỹ thuật trong sản suất chưa đồng bộ; công nghệ xử lý và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật nên chất lượng gạo thấp và dễ bị các côn trùng, sâu bọ phá hoại.

TS. Phạm Văn Tấn, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thất thoát sau thu hoạch ở ĐBSCL cao hơn các nước trong khu vực. Tỷ lệ thất thoát trong các khâu thu hoạch, vận chuyển, làm khô, xay xát và bảo quản chiếm hơn 12%, tương đương gần 800 triệu USD. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm được tỷ lệ thất thoát, sau thu hoạch là việc làm cấp bách.

“Các thiết bị tồn trữ lúa gạo trong thời gian qua phần nào đã góp phần giảm được tổn thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm được nhiều hơn nếu chúng ta ứng dụng công nghệ, thiết bị phù hợp để đảm bảo chất lượng lúa gạo tốt hơn. Có thể kéo dài thời gian bảo quản, để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ động được thị trường xuất khẩu gạo, có thể xuất khẩu đều đặn từng tháng theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu”, TS. Phạm Văn Tấn đề xuất./.

Theo Phạm Hải

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên