MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi tỷ lệ mua trái phiếu Chính phủ theo TT 36 sửa đổi sẽ tác động đến ngân hàng ra sao?

03-06-2016 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Với nguồn thu từ tín dụng ngày càng bị hạn chế và phải gia tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, các NHTM hoàn toàn có thể gia tăng thu nhập bằng việc kinh doanh TPCP.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư (TT) 06/2016 để sửa đổi, bổ sung TT 36/2014 và TT 07/2016 để sửa đổi, bổ sung TT24/2015 của NHNN. Trong nhiều sự thay đổi, việc tăng/giảm tỷ lệ mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại các Ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài rất quan trọng và có tính ảnh hưởng lớn.

Tại sao NHNN nâng tỷ lệ mua TPCP?

Việc nâng tỷ lệ mua, đầu tư vào TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó tại TT06/2016 chỉ đối với 2 nhóm đối tượng: NHTM nhà nước (tăng từ 15% lên 25%) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tăng từ 15% lên 35%). Việc tăng tỷ lệ này trong điều kiện hiện nay vì các lý do sau:

Thứ nhất, theo kế hoạch năm 2016, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành 220 ngàn tỷ đồng TPCP, với tỷ lệ tham gia 85% như hiện nay, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ đầu tư khoảng 187 ngàn tỷ đồng. Đến thời điểm cuối tháng 5/2016, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã mua, đầu tư gần 150 ngàn tỷ đồng vào TPCP. Do đó, dự kiến còn khoảng gần 40 ngàn tỷ đồng TPCP dành cho các đối tượng này.

Trong khi đó, theo tính toán của người viết, dựa vào Báo cáo tài chính đã kiểm toán của một số NHTM nhà nước vào cuối quý I/2016, Ngân hàng Vietcombank có mức đầu tư vào TPCP là 86.300 tỷ đồng, so với nguồn vốn ngắn hạn 504.300 tỷ đồng (dựa vào cách tính nguồn vốn ngắn hạn trong TT36/2014), tỷ lệ đầu tư vào TPCP là 17,11%; trong khi đó tại Ngân hàng BIDV, mức đầu tư vào TPCP là 134.400 tỷ đồng, so với nguồn vốn ngắn hạn 616.300 tỷ đồng, tỷ lệ đầu tư vào TPCP là 21,8%.

Do đó, với các tỷ lệ này, rõ ràng các NHTM nhà nước đã hết room để mua thêm TPCP trong các đợt phát hành tiếp theo. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư vào TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn tại các NHTM cổ phần thấp hơn rất nhiều, ví dụ như tại Ngân hàng Sacombank, tỷ lệ này là 10% (với mức đầu tư TPCP và nguồn vốn ngắn hạn tương ứng đến cuối quý 4/2015 tương ứng là 25.520 và 254.430 tỷ đồng).

Thứ hai, theo Báo cáo của NHNN, một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài thường có quy mô đầu tư trái phiếu Chính phủ cao và thường xuyên vượt giới hạn trong TT36/2014 về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn trong thời gian dài vừa qua. Cho nên, trong lần sửa đổi quy định này tại TT06/2016, NHNN đã nhắm đến 2 đối tượng này vừa nhằm thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước vào TPCP vừa tạo điều kiện cho họ tuân thủ các quy định của NHNN.

Ngân hàng chuộng TPCP

Khi nhìn từ góc cạnh của các NHTM, việc tăng tỷ lệ trên là hoàn toàn phù hợp với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong điều kiện hiện nay, bởi các lý do sau:

Một là, tính đến thời điểm cuối tháng 4/2016, tín dụng nội và ngoại tệ của toàn hệ thống TCTD tăng 3,57% so với cuối 2015, trong khi mức tăng cùng kỳ năm 2015 là gần 4%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng huy động tăng tới 4,5%. Còn với số liệu ước tính đến cuối tháng 5/2016, tốc độ tăng trưởng huy động và tín dụng bằng VND lần lượt là 5,3% và 4,3% đang tạo ra một nguồn thanh khoản dư thừa trên thị trường 1.

Còn trên thị trường liên ngân hàng, NHNN đã bơm khoảng 72 ngàn tỷ đồng để mua vào 3,21 tỷ USD nên thanh khoản khá dư thừa, đưa mặt bằng lãi suất thị trường này giảm mạnh. Nếu tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Với sự dồi dào thanh khoản VND trên thị trường 2 khiến cho mặt bằng lãi suất thị trường này đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm qua. NHNN thực hiện mua vào số USD trên là nhằm thu hút lượng USD dồi dào trên thị trường từ kiều hối, FDI và các nguồn vốn đầu tư khác từ các nước; từ đó giúp duy trì tỷ giá ngoại tệ tiếp tục ổn định và giúp các NHTM có thêm nguồn VND để tăng mua TPCP.

Do đó, với thanh khoản dồi dào trên cả 2 thị trường trên, các NHTM xem mua, đầu tư vào TPCP như là 1 kênh vừa đầu tư an toàn vừa có tính sinh lời tương đối tốt.

Lý do thứ 2 là các NHTM muốn tăng dự trữ thanh khoản khi mà nguồn vốn huy động VND tăng thêm 5,3% trong 5 tháng đầu năm nay. Theo quy định của pháp luật, các TCTD cần duy trì mức dự trữ thanh khoản từ 10-20 % tuỳ theo loại hình từ nguồn vốn huy động. Bên cạnh duy trì dự trữ thanh khoản bằng tiền mặt tại kho quỹ của ngân hàng, gửi tại NHNN, các ngân hàng còn có thể dự trữ bằng TPCP – vừa có tính thanh khoản cao, an toàn vừa có mức sinh lời khá ổn định.

Lý do cuối cùng là, với nguồn thu từ tín dụng ngày càng bị hạn chế và phải gia tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, các NHTM hoàn toàn có thể gia tăng thu nhập bằng việc kinh doanh TPCP. Với tình hình thanh khoản dồi dào trên cả thị trường 1 và 2, tín dụng tăng trưởng chậm chạp trong tháng 5 này cùng với chủ trương hạ lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ khó tăng trong thời gian ngắn tới. Khi lãi suất huy động có điều kiện hạ, giá TPCP sẽ tăng trên thị trường thứ cấp và các ngân hàng có nhiều cơ hội để kiếm lợi nhuận từ kênh đầu tư này.

Tác động của việc nâng tỷ lệ mua TPCP đến ngân hàng?

Về lãi suất: Xét trên khía cạnh lý thuyết, kênh huy động vốn từ TPCP của Bộ tài chính sẽ gây áp lực và cạnh tranh vốn trên thị trường 1 của hệ thống ngân hàng, từ đó làm cho lãi suất huy động vốn sẽ tăng. Câu chuyện này được thể hiện rất rõ trong 3 tháng vừa qua khi mà lãi suất huy động trên thị trường được các ngân hàng tăng lên từ từ (kể cả các ngân hàng lớn) không chỉ bởi xuất phát từ cầu vốn của tín dụng, mà còn có nguyên nhân từ sự “chèn ép” dòng vốn của TPCP.

Tuy nhiên, theo số liệu, hiện nay TPCP đã bán được gần 70% theo kế hoạch của Bộ tài chính trong năm 2016. Trong 7 tháng còn lại, Nhà nước nhiều khả năng sẽ trải đều qua các tháng để bán hết số 30% còn lại của TPCP, chứ không bán dồn dập như 5 tháng qua. Từ đó, áp lực vốn trên thị trường sẽ giảm đi rất nhiều và tạo điều kiện để NHNN ổn định lãi suất huy động vốn và giúp lãi suất cho vay giảm theo.

Về hoạt động cho vay: rất dễ nhìn thấy là kênh đầu tư TPCP sẽ được ngân hàng chú trọng hơn khi mà hoạt động cho vay yếu đi như trường hợp trong tháng 5 vừa qua. Do đó, trong các tháng tới, khi thị trường trở nên tốt hơn và đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được xem là một động lực để tăng “sức mạnh” cho doanh nghiệp trong thời gian tới và TT06/2016 đã được NHNN ban hành đang tạo điều kiện mạnh mẽ để các ngành nghề tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là thị trường bất động sản sẽ có thêm nguồn vốn từ ngân hàng, tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục. Ngoài ra, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 18-20%, các ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trong năm đã đề ra.

Lợi nhuận ngân hàng: lợi nhuận của ngành ngân hàng không chỉ đến từ hoạt động tín dụng mà còn đến từ hoạt động đầu tư và có 1 kế hoạch dự trữ thanh khoản hiệu quả. Trong hoạt động đầu tư, kênh TPCP vẫn là 1 kênh đang được các ngân hàng chú trọng khai thác, đặc biệt là trong điều kiện thị trường lãi suất có nhiều biến động như hiện nay và thị trường TPCP thứ cấp đang ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, việc mua TPCP không chỉ để đầu tư kiếm lợi nhuận khi lãi suất trên thị trường thay đổi, mà các NHTM còn mua TPCP để giữ đến ngày đáo hạn nhằm tạo ra 1 kênh dự trữ thanh khoản hiệu quả khi mà các kênh kinh doanh khác của ngân hàng đang không phát triển tốt.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên