MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì qua giao dịch của khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong 6 tháng đầu năm?

Vai trò dẫn dắt tâm lý và điểm số của khối ngoại được thừa nhận tuy nhiên sức mua để nâng đỡ thanh khoản cho thị trường vẫn thuộc về các nhà đầu tư trong nước.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân SSI vừa đưa ra phân tích về hoạt động giao dịch của khối ngoại trong 6 tháng đầu năm.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch tăng 57% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của khối NĐT nước ngoài chỉ tăng 20,3% khiến tỷ trọng giao dịch của khối ngoại giảm từ 13,4% xuống 10,3%.

Giao dịch của nhà đầu tư trong nước ngày càng chiếm ưu thế. Cụ thể, tỷ trọng của nhóm NĐT cá nhân trong nước chiếm 76%, nhóm tổ chức trong nước tăng từ 6,8% trong năm 2016 lên 10,9% trong 5 tháng đầu năm 2017. Ngược lại, nhóm tổ chức nước ngoài giảm từ 15,3% xuống 12,3%. Tỷ trọng của nhóm NĐT cá nhân nước ngoài vẫn không đáng kể.

Mặc dù nắm tỷ trọng rất thấp, NĐTNN lại có ảnh hưởng nhất định lên tâm lý thị trường, điển hình trong những phiên giao dịch tái cơ cấu danh mục của các ETF. Trong 121 phiên giao dịch, NĐTNN đã mua ròng 92 phiên và chỉ bán ròng 29 phiên. Tổng giá trị mua ròng 6 tháng đạt 9.110 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm gần đây. Việc khối ngoại liên tiếp mua ròng đã tạo tâm lý hứng khởi cho thị trường. VnIndex đã tăng 16,8%, với giá trị giao dịch bình quân 5 nghìn tỷ/phiên trong tháng 6, tăng 66% so với cùng kỳ 2016.

Thực phẩm đồ uống, Xây dựng & Vật liệu xây dựng và Tài nguyên cơ bản là 3 ngành được khối ngoại tập trung mua nhiều nhất, chiếm tới 95% giá trị mua ròng của thị trường. Trong đó Thực phẩm đồ uống chiếm 56,2%, Xây dựng & Vật liệu xây dựng chiếm 22,8%, và Tài nguyên cơ bản chiếm 16%. Trong khi thực phẩm đồ uống, Xây dựng và Vật liệu được mua ròng đều đặn theo từng tháng thì nhóm Tài nguyên cơ bản được đẩy mạnh mua ròng từ tháng 3 sau 2 tháng bán ròng trước đó.

Một số ngành cũng được mua ròng lớn là Điện, nước & xăng dầu khí đốt (452,7 tỷ đồng), Ngân hàng (440 tỷ đồng), Dịch vụ tài chính (346 tỷ đồng), Dịch vụ công nghiệp (306,2 tỷ đồng) và Dầu khí (269,2 tỷ đồng). Phía bán ròng, nhóm bất động sản có giá trị bán ròng cao nhất (1.080 tỷ đồng), 2 ngành bảo hiểm và hóa chất cũng bị bán ròng tương ứng 121,4 tỷ đồng và 295,5 tỷ đồng.

Nhìn ở cấp độ cổ phiếu, sự phân hóa diễn ra rất cao khi động thái mua ròng tập trung chỉ ở một số cổ phiếu nhất định, chủ yếu là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể:

Giá trị mua ròng của VNM (4.343,8 tỷ đồng) và SAB (417,5 tỷ đồng) chiếm 90% và 8,6% giá trị mua ròng của nhóm Thực phẩm và đồ uống. Dòng tiền này đến từ F&N mua thành công VNM trực tiếp trên sàn với tổng cộng 34,6 triệu cổ phiêu sau khi tổ chức này mua 78,4 triệu trên 130,6 triệu cổ phiếu VNM do SCIC bán ra thông qua đầu giá vào cuối tháng 12/2016.

Lực cầu từ F&N cùng với những chuyển động tích cực của yếu tố cơ bản như tăng thị phần nội địa, mở rộng kênh xuất khẩu và giá nguyên liệu ổn định là động lực chính giúp VNM là cổ phiếu đóng góp chính (+21,8 điểm) trên 111,1 điểm gia tăng của VnIndex so với cuối năm 2016.

ROS (1.006,7 tỷ đồng), CTD (594 tỷ đồng), CII (299,1 tỷ đồng), VGC (149,6 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng lớn tương ứng 51,9%; 30,6%; 15,4% và 7,7% giá trị mua ròng trong nhóm Xây dựng và Vật liệu. Trong khi một mã Vật liệu khác là HT1 bị bán ròng 253,6 tỷ đồng và một mã xây dựng là HBC bị bán ròng 115,3 tỷ đồng.

ROS được mua ròng chủ yếu thông qua 2 quỹ ETF vào kỳ xem xét danh mục tháng 3 và tháng 6/2017 nên dù được mua vào giá trị lớn thì giá cổ phiếu vẫn không được hỗ trợ nhiều, thậm chí ROS đã lấy mất 4,2 điểm của VnIndex trong 6 tháng đầu năm.

Ở nhóm Tài nguyên cơ bản, HPG (1.036,5 tỷ đồng) chiếm 81% giá trị mua cả nhóm. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng HPG kể từ tháng 3 (442,4 tỷ đồng) là thời điểm HPG công bố lợi nhuận ròng Q1/2017 tăng trưởng mạnh ở mức 89,2% YoY và giá trị mua ròng trong tháng 6 (504 tỷ đồng) đạt mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm sau khi HPG tiếp tục công bố thị phần tiêu thụ tăng và giá thép bán ra tăng.

Thị phần tiêu thụ của thép Hòa Phát tăng trưởng từ 22,2% cuối năm 2016 lên trên 24% vào cuối tháng 6/2017. Trong tuần đầu tháng 7 cổ phiếu này cũng được khối ngoại duy trì mua ròng 124,8 tỷ đồng.

PLX ở nhóm Dầu khí cũng đáng chú ý, được mua ròng liên tục từ ngày niêm yết với tổng giá trị 987,7 tỷ đồng. Nếu loại PLX, thì nhóm Dầu khí bị bán ròng 329,2 tỷ đồng. Sau VNM, PLX đóng góp 10,7 điểm số cho VnIndex trong 6 tháng đầu năm.

Nhóm cổ phiếu duy nhất bị bán ròng mạnh là nhóm Bất động sản với giá trị 1.080,7 tỷ đồng, rải đều ở các nhà phát triển bất động sản đang niêm yết hiện nay như DXG (389,3 tỷ đồng), QCG (276,4 tỷ đồng), VIC (211,4 tỷ đồng), NLG (200,9 tỷ đồng), KDH (129.8 tỷ đồng), SCR (125,5 tỷ đồng).

Cuối cùng, Giám đốc phân tích SSI kết luận, dòng tiền của khối NĐT ngoại trong 6 tháng đầu năm hướng đến riêng lẻ một số cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh đến VnIndex như VNM, PLX, ROS, HPG tạo nên giá trị mua ròng đột biến trong 6 tháng đầu năm. Vai trò dẫn dắt tâm lý và điểm số của khối ngoại được thừa nhận tuy nhiên sức mua để nâng đỡ thanh khoản cho thị trường vẫn thuộc về các nhà đầu tư trong nước.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên