MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới dè chừng làn sóng thâu tóm doanh nghiệp của Trung Quốc

21-08-2016 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Từ Mỹ cho đến Anh, Đức, Úc, nhiều nước đang phản kháng lại những nỗ lực M&A hoặc đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Đưaa ra những mức giá kỷ lục để thâu tóm các công ty nước ngoài nhưng Trung Quốc đang vấp phải những chướng ngại lớn. Từ Mỹ cho đến Anh, Đức, Úc, nhiều nước đang phản kháng lại những nỗ lực M&A hoặc đầu tư vào các lĩnh vực lưới điện, nhà máy hạt nhân, lưu trữ dữ liệu và công nghệ robot từ các công ty thường được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc.

Chưa bao giờ doanh nghiệp Trung Quốc lại chi tiêu nhiều tiền đến thế để thôn tính các công ty nước ngoài như bây giờ. Động thái này khiến các chính trị gia phương Tây lo lắng về những mối đe dọa tiềm năng và tác động từ những hợp đồng trên lên cơ sở hạ tầng quan trọng và công nghệ trọng điểm.

“Tồn tại một mối nguy cơ an ninh quốc gia cao hơn khi chúng ta nói về trường hợp người mua là Trung Quốc”, Ke Geng, đối tác của công ty luật O'Melveny & Myers, kiêm tư vấn cho các công ty Trung Quốc đầu tư nước ngoài cho biết. "Điều này cũng có liên quan đến môi trường chính trị quốc tế".

Chỉ mới tuần trước, chính phủ Úc chặn thầu của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc và công ty của Hong Kong (Trung Quốc) Cheung Kong Infrastructure Holdings trong thương vụ bán cổ phần của hãng điện lớn nhất nước. Lý do mà Úc đưa ra là lo ngại về an ninh quốc gia.

Việc này xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính phủ Anh bất ngờ tuyên bố rằng sẽ xem xét lại kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới trị giá 24 tỷ USD với đối tác là một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Kết cuộc này có thể xuất phát từ một cố vấn cao cấp của thủ tướng Anh Theresa May, khi trước đó ông này đã cảnh báo chống lại “việc cho phép một nhà nước khác dễ dàng tham gia vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của đất nước”. Nói cách khác, mối lo ngại về an ninh quốc gia có lẽ đã khiến chính phủ Anh “cẩn trọng” với Trung Quốc.

Đón nhận các quyết định trên quả là cục tức nuốt khó trôi với Bắc Kinh. Do đó, nước này đã đáp lại mạnh mẽ, cáo buộc chính phủ Úc đang xây dựng chủ nghĩa bảo hộ và cảnh báo nước Anh rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ xấu đi.

"Cho rằng Trung Quốc muốn chiếm mạng lưới điện vì động cơ bí mật quả là vô lý và gần như nực cười. Vì cả thế giới đều biết uy tín là điều quan trọng với mọi hoạt động kinh doanh trên thế giới. Nói rằng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mạo hiểm cả uy tín của mình bằng cách đe dọa mạng lưới điện của Anh và Australia lại càng buồn cười hơn", hãng tin Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho biết.

Tại Hoa Kỳ, những hợp đồng lớn với Trung Quốc cũng bị giám sát gắt gao. Trong tháng hai, công ty lưu trữ dữ liệu Western Digital cho biết kế hoạch nhận gói đầu tư 3,8 tỷ USD từ Trung Quốc bị hoãn lại vì Ủy ban Đầu tư nước ngoài đã quyết định điều tra thỏa thuận này.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng kêu gọi Ủy ban này điều tra việc Trung Quốc kiểm soát sàn giao dịch chứng khoán Chicago sau thương vụ hồi tháng 2. Mỹ cũng sẽ kiểm tra thương vụ ChemChina (doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) thâu tóm tập đoàn phân bón Syngenta với giá 43 tỷ USD - thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Trong khi đó, thương vụ Midea Group (tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị Trung Quốc) tiếp quản công ty robot Kuba của Đức vào tháng 5 đã góp phần kêu gọi châu Âu nên có các biện pháp cứng rắn hơn để phản ứng trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc.

“Sẽ có nhiều giao dịch hơn nữa bị chặn lại bởi các chính phủ nếu chúng bị xem xét lại bởi lo ngại về an ninh quốc gia”, Geng nói. Tuy nhiên, cá nhân ông và nhiều người khác không nghĩ rằng các công ty Trung Quốc sẽ nản chí trước một số khó khăn mà họ đang phải chịu đựng.

"Tôi không nghĩ rằng những trải nghiệm này sẽ ngăn chặn các nỗ lực trong tương lai". Chen Lin, một giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông cho biết. "Mua lại xuyên biên giới là một xu hướng đang diễn ra, không chỉ đối với doanh nghiệp nhà nước - bạn thực sự thấy ngày càng có nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc cố gắng để có được các mục tiêu ở nước ngoài".

Khách hàng Trung Quốc thường có ý thức về những thách thức mà họ có thể đối mặt để hoàn thành giao dịch và việc xem xét yếu tố an ninh quốc gia sẽ là mối quan tâm hàng đầu mà họ phải tìm giải pháp, theo Geng. Ông cho biết họ có thể làm giảm rủi ro bằng cách lập kế hoạch trước cho những phản đối tiềm năng, “Nếu họ chế ngự được điều đó, mọi người vẫn có thể giao dịch được".

Đinh Lộc

CNN

Trở lên trên