MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm sóng gió bủa vây chính quyền Tổng thống Donald Trump

12-06-2017 - 08:32 AM | Tài chính quốc tế

Cựu Chưởng lý Preet Bharara hôm qua (11/6) tiết lộ ông đã nhận được một loạt cú điện thoại “không bình thường” từ Tổng thống Donald Trump sau khi ông đắc cử hồi tháng 11 và cuối cùng ông đã bị sa thải sau khi từ chối cuộc gọi thứ ba của ông Trump.

Trả lời phỏng vấn chương trình “This Week” của ABC News, đánh dấu lần đầu ông Bharara xuất hiện sau khi bị sa thải, cựu công tố liên bang quận Manhattan, New York cho biết việc ông Trump gọi điện riêng cho mình là sự vi phạm những ranh giới thông thường giữa nhánh hành pháp và các nhà điều tra tội phạm độc lập.

“Đây là một cuộc đối thoại trực tiếp rất kỳ lạ khi không có tổng chưởng lý hay những người khác. Dưới thời cựu Tổng thống Obama, ông chưa bao giờ gọi điện trực tiếp cho tôi”, cựu chưởng lý New York Bharara cho biết.


Cựu Chưởng lý quận Manhattan, New York tiết lộ thêm một số thông tin về ông Trump. Nguồn: Reuters

Cựu Chưởng lý quận Manhattan, New York tiết lộ thêm một số thông tin về ông Trump. Nguồn: Reuters

Ông Bharara cho hay ông Trump đã gọi điện riêng cho ông hai lần sau ngày bầu cử tháng 11. “Tôi có một chút không thoải mái nhưng khi đó ông ấy chưa phải là tổng thống, ông ấy mới chỉ vừa đắc cử mà thôi”, ông Bharara nói.

Tuy nhiên, cuộc gọi thứ ba diễn ra vào hai ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump. Lần này, ông Bharara đã từ chối gọi lại. “Ông Trump gọi điện tới, tôi đã nhận được tin báo. Tôi đã cân nhắc và nghĩ rằng không phù hợp khi gọi lại cho Tổng thống. Và 22 tiếng sau, tôi nhận được tin mình cùng 45 quan chức tư pháp khác bị sa thải”, ông kể lại.

Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mà ông Bharara tiết lộ trên truyền hình.

Ông Comey cáo buộc ông Donald Trump đã sa thải mình vì cuộc điều tra bầu cử Tổng thống Mỹ liên quan đến Nga. Mục đích là điều chỉnh cách thức mà FBI tiến hành điều tra. Phản pháo lại những tuyên bố của ông Comey, ông Donald Trump tuyên bố sẵn sàng ra điều trần, song bác bỏ việc mình từng yêu cầu ông Comey phải trung thành hay đòi tạm dừng cuộc điều tra với cựu cố vấn an ninh Michael Flynn.


Phiên điều trần của cựu giám đốc FBI James Comey hôm 9/6. Nguồn: Business Insider

Phiên điều trần của cựu giám đốc FBI James Comey hôm 9/6. Nguồn: Business Insider

Mục đích điều trần nhằm đối chứng lời khai của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, liên quan đến các cuộc trao đổi của ông Comey với Tổng thống Donald Trump trong thời gian trước khi sa thải ngày 9/5.

Theo thông tin mới nhất từ Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố ra điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 13/6. Ông Sessions cho biết sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Thượng viện để xem xét những lời khai của ông Comey trong phiên điều trần ngày 8/6.

Trước đó, tại phiên điều trần, Cựu Giám đốc FBI James Comey đã gợi ý mơ hồ về “sự thật” ông không thể tiết lộ về lý do tại sao Bộ trưởng Sessions không tham gia vào cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga. Điều này cho thấy rằng, ông Sessions có thể bị nắm thóp trong vấn đề liên quan đến Nga, trong bối cảnh có một số thông tin chưa xác nhận ông Sessions đã đề nghị từ chức. Trong khi đó, Nhà Trắng từng nhiều lần từ chối làm rõ liệu ông Donald Trump có niềm tin vào Bộ trưởng tư pháp của mình hay không.

Hồi tháng 3/2017, ông Sessions tự loại mình khỏi cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ sau khi có tin ông từng gặp phái viên của Mátxcơva trước khi diễn ra cuộc đua vào Nhà Trắng năm ngoái.

Theo thống kê, gần 20 triệu người xem truyền hình Mỹ đã theo dõi vụ điều trần của ông Comey. Thăm dò dư luận trước phiên điều trần cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump rơi xuống mức thấp kỷ lục là 34%.

Theo Tuệ Minh

Infonet

Từ Khóa:
Trở lên trên