MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm tin tích cực cho kinh tế Việt Nam, chỉ số PMI tăng cao nhất 9 tháng

Ngay sau khi IMF đưa ra nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, Nikkei cũng công bố chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam - đã tăng từ mức 50,7 điểm của tháng trước lên mức cao của chín tháng là 52,3 điểm trong tháng 4.

Kết quả khảo sát của Markit do hãng Nikkei công bố cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng mạnh.

Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã làm cải thiện mạnh hơn các điều kiện kinh doanh tại các nhà sản xuất Việt Nam trong tháng 4. Sản lượng cũng tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi việc làm tăng trở lại.

Trong khi đó, tốc độ tăng giá chi phí đầu vào đã nhanh hơn thành mức nhanh nhất kể từ tháng 8/2014 và việc chuyển giao gánh nặng chi phí cao cho khách hàng đã làm giá cả đầu ra tăng lần đầu tiên trong 19 tháng.

Do vậy, chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng từ mức 50,7 điểm của tháng trước lên mức cao của 9 tháng là 52,3 điểm trong tháng 4.

Việc chỉ số này tăng mạnh là nhờ vào các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện hơn trong suốt năm tháng qua. Động lực chính của lần cải thiện điều kiện hoạt động này là việc tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới.

Hơn nữa, tốc độ tăng là mạnh nhất kể từ tháng 7/2015 khi nhu cầu khách hàng đã tăng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong tháng 4, đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất tháng thứ năm liên tiếp.

Tốc độ tăng chỉ là vừa phải, nhưng đã tăng nhanh thành mức nhanh nhất trong chín tháng, phù hợp với số lượng đơn đặt hàng mới và tăng số lượng nhân công. Việc làm đã tăng sau khi giảm nhẹ trong tháng trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2015.

Số lượng việc làm nhiều hơn đã cho phép các nhà sản xuất ở Việt Nam giải quyết lượng công việc chưa thực hiện và hoàn thành các dự án. Nhờ đó, lượng công việc tồn đọng đã giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.

Chi phí đầu vào của các nhà sản xuất đã tăng đáng kể trong tháng 4 với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2014. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu, trong đó có thép, đã tăng, đồng thời lĩnh vực hàng hoá đầu tư cơ bản có giá cả đầu vào tăng mạnh hơn nhiều so với lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.

Khi giá cả đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá cả đầu ra tương ứng. Giá cả đầu ra đã tăng lần đầu tiên trong một năm rưỡi, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ. Hoạt động mua hàng đã tăng trong tháng 4, và các công ty cho rằng hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng là để đáp ứng yêu cầu sản xuất tăng lên.

Nhờ vậy, tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tiếp tục giảm, mặc dù đều giảm chậm hơn so với tháng trước. Tồn kho hàng hóa trước và sau sản xuất đã giảm suốt từ đầu năm 2016 đến nay. Cuối cùng, thời gian giao hàng của nhà cung cấp hầu như không thay đổi sau khi đã cải thiện nhẹ trong tháng 3.

Chuyên gia của Markit - Andrew Harker, nhận định rằng: "Thời kỳ phát triển yếu kém gần đây của lĩnh vực sản xuất Việt Nam có vẻ như đã kết thúc, khi chỉ số PMI mới nhất cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ nhất của sức khỏe lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 7 năm ngoái. Điểm đặc biệt cần lưu ý là số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh".

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên