MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm VPBank được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II

17-04-2019 - 18:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, VPBank sẽ bắt đầu tuân thủ các quy định tại Thông tư 41 từ ngày 1/5/2019.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) vừa phát đi thông tin cho biết đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng.

Với việc được NHNN chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41, ngân hàng đã xây dựng được một khung quản trị rủi ro vững chắc. Đồng thời, do một trong ba trụ cột của Basel II là minh bạch thông tin, hoạt động quản trị doanh nghiệp của ngân hàng nhờ vậy cũng sẽ minh bạch hơn, nâng cao tính hiệu quả hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Cuối cùng, khung quản trị rủi ro vững chắc và hoạt động minh bạch sẽ tạo nền tảng cho ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai một cách bền vững và hiệu quả.

Như vậy đến thời điểm này VPBank là ngân hàng thứ 3 công bố đạt chuẩn Basel II sau Vietcombank và VIB (hồi cuối tháng 11 năm ngoái).

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, VPBank sẽ bắt đầu tuân thủ các quy định tại Thông tư 41 từ ngày 1/5/2019. Quyết định trên cũng đồng nghĩa mọi hoạt động của VPBank sẽ tuân thủ theo chuẩn mực Basel II từ đầu tháng Năm.

Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường. Tuân thủ theo Basel II là ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn.

Trước đó, vào năm 2014 có 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn triển khai thí điểm Basel II đó là BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, VPBank, VIB, MSB (Maritime Bank), ACB, Techcombank và Sacombank. Cũng kể từ năm 2014, Basel II là một trong những chương trình được ưu tiên cao nhất tại hầu hết các ngân hàng. Một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II đó là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu (CAR).

Tỷ lệ an toàn vốn chỉ là một điều kiện buộc phải tuân theo. Lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh. Đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với ba vòng bảo vệ. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, trong 3 năm qua, ngân hàng đã tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và quản trị rủi ro. Tất cả các đơn vị kinh doanh và đơn vị hỗ trợ thường xuyên nhận được báo cáo về mức độ sử dụng vốn theo chuẩn Basel II, cũng như các đề xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng vốn, giúp giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng. Các quyết định kinh doanh nhờ đó không chỉ dựa trên lợi nhuận, mà còn cân nhắc các yếu tố rủi ro đã được lượng hóa. 

VPBank cho biết trong 4 năm trở lại đây luôn nằm trong nhóm ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất hệ thống. Hiệu suất thu lời trên từng đồng vốn cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường. Tổng thu nhập hoạt động trong năm 2018 của ngân hàng là hơn 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế xấp xỉ 9.200 tỷ đồng. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 2,4% và 22,8%.

Trước đó, lãnh đạo NHNN cho biết, các ngân hàng hoàn thành sớm Basel II sẽ được ưu ái hơn trong việc tăng trưởng tín dụng, cụ thể là có "room" cao hơn so với các ngân hàng khác. Còn theo lãnh đạo một số ngân hàng thì room đó có thể lên tới 20-30-40% chứ không phải ở mức 14% của toàn ngành. Khi được có room tín dụng cao hơn, các ngân hàng sẽ có lợi thế hơn trong việc đẩy dòng vốn ra thị trường và thu về kết quả kinh doanh tích cực hơn bởi mảng tín dụng hiện vẫn chiếm tới trên dưới 70% tổng doanh thu ở các nhà băng.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên