MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thép - "Át chủ bài" của Tổng thống Trump ở hội nghị G20

09-07-2017 - 16:42 PM | Tài chính quốc tế

Quyết định áp đặt các loại thuế mang tính trừng phạt lên thép nhập khẩu của ông Trump đã “phủ bóng đen” lên cuộc họp của các lãnh đạo G20 ở Hamburg với thương mại là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất.

Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu gần nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia, chính sách về khí hậu đã được sử dụng như “con át chủ bài” – ông đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trong khi lãnh đạo các nước khác cố gắng tìm kiếm một sự đồng thuận về chính sách bảo vệ môi trường.

Lần này, ông Trump lại phát tín hiệu cho thấy ngành sản xuất thép là 1 điểm quan trọng.

Quyết định áp đặt các loại thuế mang tính trừng phạt lên thép nhập khẩu của ông Trump đã “phủ bóng đen” lên cuộc họp của các lãnh đạo G20 ở Hamburg với thương mại là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người đứng đầu quốc gia đang bị buộc tội bán phá giá thép gay gắt nhất. Sau ngày họp đầu tiên, nhiều người đã nhận xét rằng thép chính là một trong những chủ đề tranh luận nóng bỏng nhất.

Chính quyền của ông Trump đang xem xét liệu có nên áp thuế, hạn ngạch hoặc cả hai biện pháp này lên thép nhập khẩu hay không. Mỹ dự tính sẽ viện vào mục 232 trong đạo luật Mở rộng thương mại (Trade Expansion Act), cho rằng thép nhập khẩu có thể đe dọa an ninh quốc gia dù chỉ một phần rất nhỏ thép do Mỹ sản xuất ra được sử dụng cho mục đích quốc phòng. Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu điều tra và sẽ sớm đưa ra kết luận.

Cuộc điều tra này khá khác thường khi mà các nước xuất khẩu thép sang Mỹ nhiều nhất lại là đồng minh của Mỹ. Canada vừa là nước xuất khẩu vừa là nước nhập khẩu lớn nhất. Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ ảnh hưởng đến các đối tác thương mại khác và cả các đồng minh của Mỹ như Đức, Nhật, Nga, Hàn Quốc và Mexico (tất cả đều là những nước xuất khẩu nhiều thép sang Mỹ).

Căng thẳng về thép đã xuất hiện từ tháng 5, tại hội nghị G7, nơi vấn đề chống biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn nhất và cuối cùng thì một mình ông Trump đã có quan điểm đối lập với 6 nhà lãnh đạo còn lại. Ít ngày sau đó ông thông báo Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định Paris.

Theo Thomas Bernes, người từng làm việc tại Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và cả Ngân hàng thế giới World Bank, các nước châu Âu sẽ ưa thích một giải pháp đa phương về thép. “Tất cả mọi người đều cảm thấy hoảng sợ” rằng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào của Mỹ cũng có thể khiến các nước khác làm điều tương tự, dẫn đến chiến tranh thương mại.

Tại hội nghị G20 năm ngoái tại Hàng Châu, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng “các vấn đề mang tính cấu trúc trong đó có tình trạng dư thừa sản lượng ở một số ngành” đang làm tổn hại đến hoạt động thương mại và thị trường lao động. Ngành thép được lấy ra làm dẫn chứng. Sau đó với sự hậu thuẫn của OECD, các nước đã lập nên Diễn đàn toàn cầu về dư thừa thép, kêu gọi chia sẻ thông tin nhiều hơn. Nhưng nhiều người chỉ trích rằng diễn đàn này đã hành động quá chậm chạp.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên