MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bất động sản Long An: Diễn biến ra sao trong thời gian tới?

23-10-2019 - 08:55 AM | Bất động sản

Theo thống kê của nhiều đơn vị môi giới BĐS, bước sang đầu quý 4/2019, lượng khách giao dịch các phân khúc nhà đất tại một số khu vực của tỉnh Long An đã khởi sắc và cải thiện tốt hơn. Vậy thị trường BĐS sẽ diễn biến ra sao trong những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020?

Theo đó, một số sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM cho rằng nhiều giao dịch trên thị trường Long An, nhất là các vùng giáp ranh với TP.HCM như Cần Giuộc, Đức Hoà... hiện nay chủ yếu là của người mua trước bán lại cho người mua sau, chứ chưa có dự án mới (có giấy đỏ) do chủ đầu tư trực tiếp bán ra cho khách hàng. Do đó, nhiều khả năng giá BĐS sẽ còn tăng do nhu cầu mua của khách hàng cũng còn rất lớn, khi thành phố ngày càng thu hút mạnh đầu tư, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến an cư, làm việc tại các viện, trường trên địa bàn và cũng như tại TP.HCM.

Theo nhận định từ CBRE Việt Nam trong một báo cáo thị trường mới đây, phân khúc nhà phố và đất nền xây sẵn TP.HCM đã được kỳ vọng sẽ đón nhận những nguồn cung lớn từ các chủ đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước vào thời điểm cuối quý 3/2019, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, các dự án đều bị trì hoãn lịch chào bán đến cuối năm 2019. Điều này tiếp tục khiến cho thị trường TP.HCM trở nên kém hấp dẫn hơn khi nguồn cung mới "nhỏ giọt" và giá chào bán bị đẩy lên cao do bất động sản trải qua nhiều lần đổi chủ.

Ngược lại ở thị trường các tỉnh thành lân cận TP.HCM như Long An hay Đồng Nai, quý vừa qua đã cho thấy sự sôi động rõ ràng hơn với các dự án khu đô thị lớn được giới thiệu. Đơn cử ở thị trường khu vực các huyện tiếp giáp TP.HCM của tỉnh Long An, nguồn cung mới chào bán trong 9 tháng đầu năm đã tăng cao gần 30% so với toàn TP.HCM. 

Các dự án nhà liền thổ xây sẵn ở tỉnh này tập trung vào các yếu tố môi trường sống sạch và cảnh quan xanh mát cùng với giá bán và chính sách thanh toán hấp dẫn, các dự án khu đô thị được giới thiệu trong mối liên kết chặt chẽ với TP.HCM về hạ tầng đang thu hút được nhiều sự chú ý từ người mua.

Một số doanh nghiệp đã nhiều năm đầu tư dự án BĐS trên địa bàn tỉnh Long An cũng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS Long An chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng giao dịch, giá BĐS cũng tăng khá mạnh. Nhưng sang quý 3/2019, giao dịch có chiều hướng chậm lại so với cùng kỳ, chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp do không có nhiều dự án mới. Tuy nhiên, giá BĐS không giảm, dự báo bước sang quý 4/2019, thị trường sẽ "ấm" trở lại, mức giá có thể sẽ tăng, đặc biệt ở phân khúc đất nền dự án và nhà phố xây sẵn.

Theo đó, ngoài những doanh nghiệp địa phương như Trần Anh Long An, Cát Tường Đức Hòa, Đồng Tâm Long An..., Long An đã chứng kiến một sự đổ bộ của các đại gia địa ốc tên tuổi như Thaco, Vingroup, Vạn Thịnh Phát, T&T Group, Danh Khôi, Him Lam, Sea Holdings… Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư 36 dự án với diện tích 2.086 ha vào huyện Bến Lức.

Thị trường này còn phải kể đến các công ty như: Vingroup đang đầu tư Dự án Vincom Shophouse Tân An; Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) đã công bố Dự án Long Hậu Riverside, với quy mô diện tích hơn 20 ha; Công ty Sea Holdings hiện cũng đang phát triển một dự án với diện tích 3 ha; Tập đoàn Becamex đang xúc tiến thành lập một khu phức hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ có quy mô khoảng 3.045 ha tọa lạc tại huyện Bến Lức...

Những năm qua thị trường BĐS Cần Giuộc, Đức Hòa được xem là khu vực đắc địa nhất khi giáp ranh TP.HCM và là nơi tập trung hàng loạt khu công nghiệp (KCN) như KCN Đông Nam Á Long An, KCN Tân Kim, KCN Long Hậu, KCN Hải Sơn, KCN Đức Hòa, KCN Xuyên Á, KCN Tân Đức… Đặc biệt, với lợi thế kề bên Khu đô thị cảng Hiệp Phước - đặc khu kinh tế về cảng biển theo định hướng của UBND TP.HCM, Cần Giuộc đang dần phát triển thành đô thị vệ tinh với khu Nam Sài Gòn, đón nhận mật độ dân cư ngày càng đông và nhộn nhịp.

Chính những ưu điểm này đã và đang khiến thị trường đất nền Long An hút dòng tiền của người mua suốt thời gian qua. Bởi theo các nhà đầu tư, những dự án tọa lạc trong các KCN được hưởng lợi thế của việc cư dân hình thành sẵn, BĐS vì thế dễ chuyển nhượng, dễ bán ra hoặc cho thuê lại với giá tốt.

Xu hướng đầu tư này là hệ quả tất yếu của sức phát triển và đầu tư du lịch mạnh mẽ tại TP.HCM trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch mở rộng vùng đô thị về hướng Long An. Ngoài ra, trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm từ Trung ương và các bộ, ngành trong việc rót vốn đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông giúp kết nối không chỉ Long An với TP.HCM mà còn với những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khác một cách thông suốt.

UBND tỉnh Long An và TP.HCM đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một con đường mới song hành với QL50 bổ sung vào quy hoạch GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 và theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TPHCM, dài khoảng 800m), điểm cuối sẽ kết nối với QL50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa ký văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc tăng cường đầu tư hạ tầng cho khu Nam kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (vừa có chức năng là đường vành đai vừa là đường đô thị), đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc - Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…

Cùng với việc đầu tư, thay thế các cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đã hình thành các trục đường chính kết nối khu Nam với các khu đô thị hiện hữu nội thành, góp phần phát triển các khu đô thị vệ tinh của thành phố, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đô thị về hướng Nam trong tương lai.

Về đường bộ, đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã có kế hoạch đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Dự án Nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát (từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh); Xây dựng mới 3 cầu (thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm) trên đường Lê Văn Lương; Xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Xây dựng, cải tạo, mở rộng nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ (từ cầu Kênh Tẻ đến đường Nguyễn Văn Linh).

Cũng theo Sở GTVT, trong thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.

Song song đó, Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đó là: Xây dựng cầu đường Bình Tiên; Xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam (từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm) giai đoạn 3;

Xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương; Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát); Xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B (trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài); Đầu tư xây dựng các cầu lớn như cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 với quận 7).

Đối với đường sắt, Sở GTVT sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 2 (quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - Khu đô thị Bình Quới); Tuyến đường sắt đô thị số 4A (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước); Tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền).

Theo UBND TP.HCM, địa phương hiện đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước, Cảng biển Quốc tế Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối với các huyện giáp ranh: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.

Theo JLL Việt Nam, trong xu hướng bùng nổ của ngành BĐS KCN tại Việt Nam, Long An được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 thủ phủ công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai. Ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển mạnh mẽ này sẽ mang một lượng lớn nguồn nhân lực đổ về Long An, hứa hẹn kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội đáp ứng nhu cầu nhà ở còn thiếu hụt.

Nguyên Khang

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên