MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bất động sản Thái Nguyên sẵn sàng đón giai đoạn phát triển mới

13-11-2019 - 11:05 AM | Bất động sản

Hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến BĐS công nghiệp của Thái Nguyên trở thành phân khúc hấp dẫn bậc nhất phía Bắc. Đây cũng là lực đẩy thu hút hàng loạt các đại gia BĐS như Vingroup, FLC, TNG, Kosy, Apec, Tập đoàn Tiến Bộ….tìm về Thái Nguyên đầu tư những dự án đô thị mới.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam của JLL, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thời gian qua khiến nhiều ông lớn công nghệ đặt nhà máy tại Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch rút dần khỏi quốc gia này. Đây là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại kéo dài và cả những doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất. Nhờ đó, bất động sản công nghiệp phía Bắc có những chuyển biến rõ rệt vì gần Trung Quốc.

Trong số các tỉnh hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch nhà máy này phải kể đến Thái Nguyên. Đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Sông Công I (195 ha), Sông Công II (250 ha), Nam Phổ Yên (120 ha), Yên Bình (400 ha), Điềm Thụy (350 ha), Quyết Thắng (105 ha). Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với làn sóng dịch chuyển nhà máy về Thái Nguyên, vài năm tới các khu công nghiệp hiện hữu  sẽ mở rộng thêm quy mô đồng thời sẽ có những khu công nghiệp mới được đầu tư xây dựng.

Sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng của các khu công nghiệp này thu hút lượng lớn chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước, cũng như hàng vạn công nhân từ các địa phương khác đến làm việc, tạo ra sức cầu lớn về nhà ở. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bất động sản về Thái Nguyên xây dựng, phát triển các khu đô thị quy mô lớn.

Quan sát thực tế cho thấy, thời gian gần đây hàng loạt các đại gia BĐS tìm về Thái Nguyên, có thể kể đến như như Vingroup, FLC, TNG, Kosy, Apec, Tập đoàn Tiến Bộ….Theo sau các ông lớn là hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ như Sông Đà 2, DetechLand, TNG, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc…. Cùng với đó là sự đổ bộ của đội ngũ môi giới và nhà đầu tư về Thái Nguyên tạo nên một sự sôi động nhất định trên thị trường bất động sản trong vài năm trở lại đây.

Đáng chú ý, thời gian gần đây các dự án triển khai tại Thái Nguyên càng ngày quy mô càng lớn. Cụ thể, mới đây Tập đoàn Apec Group vừa công bố dự án khách sạn 5 sao Apec Mandala Wyndham Thái Nguyên tọa lạc tại đường Thống Nhất, P. Gia Sàng, TP. Thái Nguyên. Dự án có quy mô 1,351m2, bao gồm hơn 200 căn hộ khách sạn 5 sao. Đây cũng là dự án BĐS cao cấp đầu tiên của Thái Nguyên có sự tham gia quản lý và vận hành của đơn vị quốc tế - Wyndham Hotel Group.

Cùng với Apec, Tập đoàn Danko cũng mới làm lễ động thổ Danko City. Đây là dự án được lấy cảm hứng từ ký ức hoàng kim tráng lệ của Cung điện Versailles (Pháp) tại xã Cao Ngạn và Phường Chùa Hang thuộc thành phố Thái Nguyên. Theo tìm hiểu, dự án này có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng do Tập đoàn Danko làm chủ đầu tư, được xây dựng trên quỹ đất gần 50ha thuộc đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Cao Ngạn – Chùa Hang.

Tiếp đó, một dự án cũng vừa được chấp thuận đầu tư là Khu đô thị Việt Hàn tại thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên. Dự án được xây dựng trên khu đất nông nghiệp thuộc địa bàn xóm Đông Sinh và xóm Âm, xã Hồng Tiến với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.447 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn FLC công bố đầu tư 2 dự án BĐS khủng dọc cung đường nối hai phía Đông - Tây thành phố Thái Nguyên này. Dự án thứ nhất là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên. Vị trí đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư dự án tại phía Tây TP. Thái Nguyên, diện tích khoảng 1.500 ha với vốn đầu tư dự án khoảng 14.800 tỷ đồng. Dự án thứ hai là Khu đô thị mới FLC Thái Nguyên có vị trí đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư ở phía Đông bắc TP. Thái Nguyên. Diện tích khoảng 412 ha, vốn đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi về làn sóng đầu tư về Thái Nguyên, Bà Trần Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Danko Group cho biết, thị trường Thái Nguyên rất tiềm năng và còn nhiều tiềm năng hơn nữa trong những năm tới. Cụ thể, Thái Nguyên đã là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tỉnh này đạt 10,44%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước là 7,08%. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 77,7 triệu đồng, cao hơn 19,2 triệu đồng so với mức trung bình cả nước. Ba năm gần đây, kinh tế Thái Nguyên ghi nhận tăng trưởng GDP bình quân đạt hơn 10% mỗi năm. Theo kế hoạch, kinh tế tỉnh này năm nay sẽ duy trì mức tăng 9%, với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng.

"Với đà tăng trưởng hiện tại cộng hưởng cùng làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang tạo đà bứt phá mạnh mẽ cho Thái Nguyên. Đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp đi trước đón đầu, tận dụng cơ hội phát triển. Đó cũng là lý do vì sao thời gian qua nhiều doanh nghiệp quan tâm phát triển các dự án lớn tại Thái Nguyên", bà Thủy cho biết.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên