MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven đô thực sự có tiềm năng không?

15-12-2018 - 09:08 AM | Bất động sản

Ven đô Hà Nội được nhiều chuyên gia đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để thị trường du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh như điều kiện tự nhiên, địa thế, kết nối giao thông, văn hóa, con người...Tuy nhiên, thị trường này vẫn đang chỉ là "mỏ vàng" chờ nhà đầu tư khai phá.

Kể từ khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị vào đầu 2017 về chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu 2 năm lượng khách quốc tế đạt khoảng 17-20 triệu lượt, khách nội địa khoảng 82 triệu lượt và tổng thu từ du lịch đạt khoảng 35 tỷ USD, đóng góp 10% vào GDP,...du lịch Việt Nam có bước phát triển bùng nổ.

Năm 2017 đã chứng kiến sự bùng nổ của ngành du lịch khi đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế và 73 triệu lượt khách nội địa và trong 9 tháng đầu năm 2018, du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi đón 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự phát triển của du lịch, thị trường BĐS nghỉ dưỡng cũng phát triển rầm rộ ở nhiều TP biển như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Vũng Tàu...Tuy nhiên, có một thực tế là du lịch nghỉ vùng ven đô thị lớn như Hà Nội lại phát triển rất chậm, kém xa thị trường ven biển.

Cho đến nay, những dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp ở ven đô Hà Nội cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Flamingo Đại Lải, Melia Ba Vì, Serena Resort Kim Bôi và Emeralda Ninh Bình...trong khi đó, con số khách du lịch đến Hà Nội còn cao hơn cả nhiều TP khác. Nhiều chuyên gia trong ngành đặt câu hỏi, vậy thị trường nghỉ dưỡng vùng ven đô thực sự có tiềm năng hay không?

Câu hỏi này đã được nhiều chuyên gia trong buổi tọa đàm về "du lịch nghỉ dưỡng ven đô" do báo The Leader tổ chức mới đây lý giải phần nào. Ông Amorn Harnkham, nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan nhìn nhận, với lợi thế kết nối giao thông thuận tiện và cơ cấu điều kiện tự nhiên giữa vùng đồi núi với trung tâm thì Hà Nội là điểm đến rất tốt để đầu tư du lịch nghỉ dưỡng. Vị chuyên gia này tin trong tương lai không xa Hà Nội sẽ là một trong những điểm đến tốt nhất châu Á về du lịch nghỉ dưỡng ven đô.

Còn ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần QNK, cho rằng thực tế nhu cầu nghỉ dưỡng của thị trường Hà Nội là cao, nhưng hiện mới chỉ vào các ngày cuối tuần, nghỉ lễ và mùa hè. Còn với đối tượng là khách nước ngoài thì mới chỉ ở dạng tiềm năng bởi ven đô Hà Nội chưa có đủ cơ sở lưu trú, dịch vụ và hạ tầng tốt.

Gắn bó với thị trường nghỉ dưỡng ven đô lâu năm, cũng như tìm hiểu về thị trường này ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Archi Invest nhận định thị trường nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội sẽ có bước phát triển mạnh trong những năm tới, bởi những lý do sau:

Một là, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân Thủ đô khá lớn, nhất là nguồn khách nội địa. Năm 2016 Hà Nội đón 21,8 triệu khách du lịch gấp 5 lần thị trường Nha Trang, và mỗi năm ước tính tăng trưởng trên 10%, trong khi giai đoạn 2012 đến 2017 Hà Nội chỉ tăng thêm khoảng 1.200 phòng khách sạn từ 3 – 5 sao. Nên chỉ cần khu vực ngoại vi Hà Nội có cách làm tốt sẽ chia lửa cho khu nội đô. Nguồn cầu lớn còn đến từ chính người dân nội đô Thủ đô Hà Nội với khoảng 4,5 triệu người đang làm việc trong nội đô với áp lực công việc lớn sẽ có nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi vào dịp cuối tuần ở những vùng ngoại vi.

Hai là, nguồn cung phòng lưu trú 3-5 sao ở ven đô hiện này còn rất khiêm tốn. Ước tính chỉ khoảng 1.600 phòng. Với nguồn cung yếu như vậy ông Trung tin rằng trong 10 năm tới sẽ còn dư địa lớn để phát triển.

Ba là, thị trường nghỉ dưỡng ven đô ngày càng dễ tiếp cận nhờ sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Quy hoạch Hà Nội và đô thị hóa ngày càng mở rộng ra vùng ven. Ví dụ, trước đây người dân nội đô đi Hòa Bình mất 1h30 phút thì này chỉ còn 50 phút

Bốn là, chi phí thuê phòng ở ngoại ô tại resort hạng khá ven đô hiện nay khoảng 2,8 triệu/phòng/ đêm mỗi người chi phí ăn uống, ngủ nghỉ 1 ngày/người mất khoảng 3 triệu chỉ bằng vé máy bay vào Đà Nẵng. Chi phí rẻ sẽ thu hút được lượng khách nghỉ dưỡng ngày càng đông.

Năm là, kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu nghỉ dưỡng tăng lên, đối tượng không có khả năng chi trả đi du lịch xa sẽ lựa chọn thị trường ven đô.

Sáu là, điều kiện tự nhiên khu vực ven đô Hà Nội cũng rất thuận lợi để phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đó thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm đà, ẩm thực đa dạng và con người thân thiện. Đây là 4 yếu tố để thúc đẩy phát triển du lịch.

Nhật Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên