MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán Việt Nam Quý 4: Cơ hội nào trong thị trường đầy biến động

"Triển vọng TTCK Việt Nam trong quý 4 vẫn duy trì tích cực nhờ được hỗ trợ từ sự tiếp nối chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp".

”Cùng với đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường trong Quý 4 được coi là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, tập trung ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn, tiềm lực tài chính mạnh, hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế với lợi thế về quy mô, thị phần chi phối, chuỗi cung ứng… thuộc các ngành như công nghệ thông tin, logistic, hàng tiêu dùng.”

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội nào trong thị trường đầy biến động?” do Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tổ chức ngày 11/10/2018 vừa qua tại Khách sạn Lotte Hà Nội.

Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm trên thị trường đã chia sẻ với hơn 100 khách tham dự về tình hình kinh tế vĩ mô và nhận diện những cơ hội đầu tư mới trong quý tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam Quý 4: Cơ hội nào trong thị trường đầy biến động - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Tình hình kinh tế vĩ mô: Rủi ro tiềm ẩn nhưng vẫn trong chu kì hồi phục

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu KBSV, nền kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng rất đáng ghi nhận, bất chấp lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố rủi ro ngoại biên.

Cụ thể, GDP tăng trưởng trong Quý 3 đạt mức khả quan, tăng 6.88%, cao hơn mức 6.73% đạt được ở Quý 2. Diễn biến này giúp tăng trưởng GDP Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 6.98%, cao nhất trong vòng 11 năm. Theo quan sát của KBSV, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đóng vai trò là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế khi có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao như sản xuất linh kiện điện thoại (màn hình OLED cho Iphone thế hệ mới), dược phẩm, dầu mỏ tinh chế, thép… Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu đóng góp 1 phần không nhỏ cho tăng trưởng GDP, trong đó lũy kế đến tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu 5.39 tỷ USD.

Bên cạnh tăng trưởng GDP khả quan, các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát và tỷ giá cũng được đánh giá là tương đối ổn định nhờ chính sách điều hành linh hoạt của chính phủ và NHNN. Lạm phát tuy tăng nhanh hơn trong Quý 2 và Quý 3, do giá dầu thô cũng như giá thịt heo tăng 60% trong vòng 1 năm nhưng tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.

Tỷ giá hối đoái, sau giai đoạn diễn biến biến động mạnh từ tháng 6 đến cuối tháng 8 khi tỷ giá trên 2 thị trường liên ngân hàng và chợ đen có xu hướng tăng mạnh, đã hạ nhiệt trong tháng 9 nhờ sự can thiệp kịp thời của NHNN cũng như áp lực từ các yếu tố ngoại biên tạm thời lắng xuống. Chính sách tiền tệ đã có xu hướng thận trọng hơn, với mức tăng trưởng M2 và tín dụng đều thấp hơn so với mặt bằng chung các năm trước, tuy nhiên KBSV đánh giá đây vẫn là chính sách mang tính nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về tình hình kinh tế trong 3 tháng cuối năm, ông Bình nhận định rằng sẽ có 1 số yếu tố rủi ro tiềm ẩn, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạnvẫn được đánh giá tích cực. Các yếu tố rủi co có thể kể đến: (1) Căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang; (2) Xu hướng dần thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới cũng khiến NHNN phải thận trọng trong việc điều hành cung tiền trong giai đoạn cuối năm để giữ giá đồng nội tệ, nhất là khi lạm phát đang cho tín hiệu tăng tốc; (3) Doanh thu của SAMSUNG khó có thể tiếp tục duy trì trong 3 tháng cuối năm 2018 do điểm rơi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của các dòng điện thoại mới đã được phản ánh phần lớn trong Quý 3; (4) Giá nhiên liệu, cụ thể là giá dầu trên thị trường quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 3 tháng cuối năm và giá các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gạo sẽ tiếp tục ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết.

Với kịch bản cơ sở như giá dầu Brent dao động 85USD/thùng, chỉ số DXY 95-97 điểm, tỷ giá USD/CNY không vượt quá 7.0,… KBSV nhận định tăng trưởng GDP cho năm 2018 sẽ đạt mức 6.9%, lạm phát dao động quanh mốc 3.9 – 4.0%, tỷ giá USD/VND sẽ không tăng quá 3% so với thời điểm cuối năm 2017, tăng trưởng M2 và tín dụng lần lượt là 13-14% và 15-16%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam Quý 4: Cơ hội nào trong thị trường đầy biến động - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn, cơ hội nào cho các nhà đầu tư?

Trong phần 2 của Hội thảo, Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, KBSV cho rằng Thị trường chứng khoán Quý3 tăng trưởng tích cực sau nhịp sụt giảm mạnh trong Quý2 nhờ giá dầu hồi phục, lo ngại chiến tranh thương mại tạm lắng và KQKD Qúy 2 của các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Xu hướng hồi phục sẽ tiếp tục duy trì trong Qúy 4 2018 nhờ chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN lớn, những phản ánh sớm của câu chuyện nâng hạng, hay kỳ vọng vào việc tiến trình IPOs, thoái vốn DNNN được đẩy nhanh. Tuy nhiên, thị trường cũng tồn tại một vài yếu tố rủi ro có thể đe dọa đà tăng trưởng và cần được theo dõi thận trọng như chiến tranh thương mại, các NHTW lớn đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ, hay áp lực tỷ giá – lạm phát quay trở lại.

Đáng chú ý, qua việc quan sát mối tương quan giữa P/E của VNIndex và cung tiền M2, biến động đường REER (tỷ giá hối đoái hữu hiệu thực), KBSV nhận thấy có sự dịch chuyển giữa các yếu tố tác động mạnh đến diễn biến thị trường. Trong quá khứ, P/E của VNIndex có mối liên hệ chặt chẽ với cung tiền M2, phản ánh các chính sách tiền tệ của NHNN có tính chất chi phối nhất định đến diễn biến TTCK. Tuy nhiên, từ nửa cuối 2017 đến nay, tác động của M2 đến thị trường đã không còn lớn. Thay vào đó biến động của P/E VNIndex chịu ảnh hưởng mạnh bởi đường REER, vốn phản ứng nhạy trước các yếu tố rủi ro toàn cầu. KBSV đánh giá các yếu tố ngoại biên tiếp ảnh hưởng lớn và chi phối diễn biến TTCK trong nước trong Qúy 4, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng có nhiều biến động khó nắm bắt.

Cũng trong buổi hội thảo , KBSV đánh giá cao triển vọng tăng trưởng KQKD các doanh nghiệp trên cả 2 sàn. Yếu tố này là động lực chính hỗ trợ TTCK Việt Nam tăng trưởng trong gần 3 năm trở lại đây và sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong các quý tới, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng (mặc dù đã có 1 vài tín hiệu sớm cho thấy Việt Nam chuẩn bị bước vào chu kỳ hậu tăng trưởng, tuy nhiên KBSV đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ duy trì chu kỳ tăng trưởng lần này ít nhất cho đến 2020).

Dự báo cho KQKD Qúy 3, KBSV đánh giá lợi nhuận các doanh nghiệp trên 2 sàn tăng trưởng 18 - 20% YoY. Tương ứng, EPS của cả thị trường sau khi KQKD Quý3 công bố tăng 12-15% YoY, tiếp tục là động lực quan trọng hỗ trợ xu hướng tăng của VNIndex. So sánh TTCK Việt Nam với các thị trường trong khu vực, KBSV đánh giá TTCK Việt Nam hiện đang khá hấp dẫn nhờ ROE và tăng trưởng EPS duy trì ở mức cao, mặc dù mức định giá P/E và P/B đã không còn thấp.

Trong kịch bản cơ sở, các yếu tố rủi ro như chiến tranh thương mại, tỷ giá, lạm phát… không biến động quá bất thường, KBSV cho rằng nhiều khả năng VNIndex sẽ lên đến vùng 1050-1080 điểm trong Quý4 trước khi chịu áp lực điều chỉnh trở lại. Trong kịch bản tiêu cực (khả năng xảy ra thấp hơn), căng thẳng chiến tranh thương mại gia tăng, các NHTW đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ, tỷ giá và lạm phát căng thẳng trở lại, đường REER (tỷ giá hối đoái hữu hiệu thực) tăng mạnh và vượt đỉnh… chỉ số VNIndex có thể quay xuống vùng hỗ trợ quanh 950 điểm.

Về tổng thể, KBSV duy trì quan điểm lạc quan với triển vọng TTCK Việt Nam trong quý 4 vẫn duy trì tích cực nhờ được hỗ trợ từ sự tiếp nối chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các yếu tố rủi ro, mặc dù có thể gây ra các nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhưng nhìn chung chưa có tác động lớn đến môi trường vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh của thị trường trong Quý 4 được coi là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, tập trung ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn, tiềm lực tài chính mạnh, hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế với lợi thế về quy mô, thị phần chi phối, chuỗi cung ứng… thuộc các ngành như công nghệ thông tin, logistic, hàng tiêu dùng.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên