MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 điểm nóng của nền kinh tế và kỳ vọng VN-Index tăng 30% trong năm 2014

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định TTCK năm 2014 có khả năng tăng 30% so với mức hiện tại, đạt từ 600-650 điểm.

Trong buổi tọa đàm của Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán với lãnh đạo UBCK, Sở GDCK Hà Nội và các chuyên gia kinh tế về triển vọng TTCK năm 2014, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định TTCK năm 2014 có khả năng tăng 30% so với mức hiện tại, đạt từ 600-650 điểm.

Ông Hiếu phân tích 10 điểm nóng của nền kinh tế sẽ tác động đến TTCK năm 2014, bao gồm:

Thứ nhất, các mục tiêu lạm phát 7%, tăng trưởng GDP 5,8% có khả năng đạt được năm 2014 sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho TTCK.

Thứ hai, năm 2014 vấn đề nợ xấu vẫn cần phải lưu ý bởi theo ông Hiếu chúng ta phải xử lý thế nào với đống nợ xấu đã chuyển từ các NHTM sang VAMC, bởi nếu đưa nợ xấu từ cơ thể này sang cơ thể khác nhưng “tài sản độc hại” vẫn nằm nguyên ở đó thì vẫn sẽ ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống.

Thứ ba, thị trường bất động sản vẫn đang lình xình, hàng tồn kho vẫn lớn, gói 30.000 tỷ mới giải ngân được 2% và chưa tạo ra cú hích đáng kể, theo ông Hiếu thị trường BĐS cần thời gian phục hồi rất lâu nên khó phục hồi trong năm tới, do đó chứng khóan sẽ là kênh được quan tâm.

Thứ tư, thị trường vàng năm 2014 sẽ có sự ổn định tốt hơn, ông Hiếu kỳ vọng chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ kéo lại 400-1 triệu đồng/lượng vào quý 2/2014, ông Hiếu dự đoán năm 2014 giá vàng thế giới sẽ xuống 1.000 USD/ouce, nhưng giá vàng giảm mạnh sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư bởi nếu gói QE3 chấm dứt, giá vàng giảm mạnh thì giá vàng trong nước cũng không khỏi biến động.

Thứ năm, chính sách tiền tệ và lãi suất linh hoạt trong năm tới, theo ông Hiếu nếu lạm phát 2014 vẫn được duy trì ổn định như năm 2013 thì chúng ta vẫn còn dư địa giảm tiếp lãi suất, ông Hiếu cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải duy trì lãi suất thực dương vì NH là kênh an toàn nhất nếu các kênh khác rủi ro, người dân vẫn sẽ gửi tiền vào ngân hàng.

Thứ sáu, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt 12-14% có thể đạt được, ông Hiếu cho rằng nhiệm vụ của chính sách tiền tệ phải đẩy được tín dụng ra ngoài.

Thứ bảy, xây dựng thị trường vốn (capital market) phải được phát triển nhiều hơn để cấp vốn cho các doanh nghiệp, DN phát triển sản xuất cần vốn 3-5 năm, thị trường BĐS cần vốn 20-30 năm, nên rất cần một kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Thứ tám, vấn đề nới room cho NĐT nước ngoài, ông Hiếu rất mong room cho ngân hàng có thể được nới lên mức 49% năm 2014. Vốn trong nước có giới hạn, NĐT nước ngoài mặn mà tham gia vào ngân hàng VN nhưng họ muốn khi bỏ vốn phải có quyền lực trong việc tham gia điều hành NH.

Thứ chín, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Cuối cùng, gói QE3 của FED theo ông Hiếu có thể chấm dứt trễ nhất vào quý 2/2014 và điều này sẽ khiến dòng vốn đầu tư quay trở về với thị trường truyền thống (Mỹ) và thị trường vốn thế giới sẽ ảnh hưởng đặc biệt là thị trường tiền tệ VN.

Ông Hiếu kết luận có nhiều điểm thuận lợi và không thuận lợi tác động đến TTCK năm 2014 nhưng ông Hiếu vẫn nhận định VN-Index năm 2014 sẽ tăng ít nhất 30%, lên mức 600-650 điểm.

Lãnh đạo UBCK và Sở GDCK đồng tình với các đánh giá về nền kinh tế vĩ mô như ông Hiếu, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội, xu hướng phục hồi của TTCK trong quý 3 vừa rồi chính là tín hiệu xuất phát từ nền kinh tế và năm 2014 TTCK sẽ phục hồi tương đối bền vững.

Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cũng cho rằng năm 2014 sẽ vẫn tốt hơn năm 2013. Ông Bằng nhấn mạnh việc xử lý nợ xấu, tái cấu trúc NH, tái cấu trúc nền kinh tế cần phải dựa nhiều hơn vào TTCK.

Nếu doanh nghiệp huy động được vốn qua TTCK, có dòng tiền phát triển kinh doanh, báo cáo tài chính cải thiện sẽ tiếp cận được tín dụng NH và qua đó giảm được nợ xấu. Ông Bằng dẫn chứng số liệu trong năm 2013 thị trường chứng khoán đã huy động được 230.000 tỷ cho nền kinh tế, chiếm 22% tổng mức đầu tư xã hội.

Để tạo ra dòng vốn tạo sức cầu cho nền kinh tế, theo ông Bằng có 3 vấn đề cần giải quyết: (i) nới lỏng room ngoại tạo sức cầu thị trường, (ii) cải cách DN nhà nước và cổ phần hóa, cần đẩy mạnh CPH quyết liệt hơn, phải có giải pháp hành chính mạnh mẽ hơn, nếu có giải pháp đột phá, bán cổ phần cho đối tác chiến lược tạo ra dòng tiền giúp cho phát triển DN và xử lý nợ xấu; (iii) cấu trúc lại hệ thống DN nhà nước.

Theo ông Bằng sức ỳ của thị trường BĐS khá lớn nên ông Bằng không tin thị trường này sẽ ấm lên nhanh chóng. Ông Bằng cho rằng chúng ta không nên bơm quá nhiều tiền cứu BĐS mà cung cầu sẽ tự điều chỉnh, nếu bơm quá nhiều tiền vào BĐS có thể lại làm mất cân đối cung cầu và ảnh hưởng đến lạm phát và hiệu quả kinh tế vĩ mô.

Ông Bằng cũng chia sẻ trong cuộc họp giữa Chính phủ và các địa phương vừa qua, niềm tin của các địa phương vào các chính sách của Chính phủ đã tốt hơn rất nhiều, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới cũng đánh giá cao các chính sách của Chính phủ và Bộ Tài chính. Nếu niềm tin trong nước trở lại, năm 2014 TTCK sẽ có bước khởi sắc hơn.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên