MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 điểm khiến việc nới room vẫn đang ách tắc

Hiện nay Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang đề nghị một quy chế miễn trừ đối với các doanh nghiệp trở thành Doanh nghiệp nước ngoài sau giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Sáng nay ngày 28/12/2015, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tp.HCM cùng các thành viên thị trường đã tổ chức Lễ công bố 10 Sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2015.

Không ngoài dự đoán, với sự quan tâm của nhà đầu tư, việc nới room cho Nhà đầu tư nước ngoài được các nhà báo kinh tế, chứng khoán bầu chọn là sự kiện nổi bật nhất trong năm vừa qua.

Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến sở hữu của NĐTNN. Cụ thể, cho phép nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định 60 cũng quy định nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, đuợc đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam. Việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước cũng là một bước đột phá để đưa TTCK Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trước đó, ngày 18/8/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 123/2015 hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam với nhiều nội dung cải cách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ trong việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2015, chỉ có duy nhất CTCK Sài Gòn (SSI), thuộc khối công ty chứng khoán tại Việt Nam, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nới room đến 100% theo Nghị định 60. Các doanh nghiệp khác vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.

Về thông tư 60, ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN cho biết mặc dù ra mắt vào giữa năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào thực sự mở room. Theo ông Vũ Bằng, có 2 điểm khiến thông tư này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng:

Thứ nhất, là danh mục đầu tư có điều kiện và Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối – vẫn chưa chính thức được ban hành.

Thứ hai, nếu nới room lên mức 51% trở lên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ được xác định là Doanh nghiệp nước ngoài, với những quy chế đối xử riêng biệt – có thể nảy sinh những bất lợi so với trước. Điều này gây sự lúng túng không nhỏ cho các doanh nghiệp dự kiến nới room.

Về giải pháp, ông Vũ Bằng “hiến kế” cho các doanh nghiệp mạnh dạn gửi công văn xin ý kiến của Bộ kế hoạch đầu tư để có những hướng dẫn chi tiết nhất.

Hiện nay Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang đề nghị một quy chế miễn trừ đối với các doanh nghiệp trở thành Doanh nghiệp nước ngoài sau giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên