MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 điểm nhấn chứng khoán 2009

Lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường Việt Nam ghi nhận những phiên giao dịch có giá trị trên 5.000 tỷ đồng, cùng khối lượng lên tới hơn 130 triệu chứng khoán.

Dưới tác động của suy thoái kinh tế, Vn-Index có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, nhưng cũng có lúc thị trường ghi nhận những phiên giao dịch hàng nghìn tỷ đồng.

1. Vn-Index chạm đáy 4 năm

Vào thời khắc đỉnh cao của chứng khoán Việt Nam năm 2007 khi Vn-Index vọt trên 1.000 điểm, không ai ngờ chỉ số này có ngày tuột dốc xuống 235,5 điểm (ngày 24/2/2009). Đây được xem là kết quả tồi tệ nhất của chỉ số sàn TP HCM trong suốt 4 năm qua. Giao dịch rơi cảnh chợ chiều, không ai thiết tha mua bán, khiến suốt quý I, số phiên có khối lượng giao dịch vượt 30 triệu chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mức đáy xác lập của Vn-Index năm 2009 là 235,5 điểm. Tại thời điểm này, giao dịch chứng khoán rơi vào cảnh chợ chiều. Ảnh: Hoàng Hà.

Phải đến giữa năm, dấu hiệu cho một đợt phục hồi mới nhen nhóm, trước hàng loạt sự kiện lớn như việc chào sàn của các đại gia tài chính (BVH, VCB, CTG); doanh nghiệp lãi to, thậm chí vượt kế hoạch; kỳ vọng gói kích cầu; nhà đầu tư "quá tay" với đòn bẩy tài chính... Tuy nhiên, những lực đẩy này cũng chỉ giúp sóng chứng khoán sàn TP HCM vươn cao đến 624,1 điểm (ngày 22/10) và sau nhiều giằng co, đã lùi xuống 500 điểm vào cuối năm.

Song 2009 vẫn được xem là năm khá thành công của Vn-Index, bởi chỉ số tăng gần 60% so với mức khởi điểm hồi đầu năm - chỉ 313,34 điểm. HNX-Index sau một năm giao dịch cũng tiến lên hơn 50%.

2. Bộ ba đại gia tài chính chào sàn

Việc Bảo Việt, Vietcombank, Vietinbank niêm yết cổ phiếu là sự kiện được chờ đợi, bởi với khối lượng lớn và thương hiệu tại thị trường trong nước, đây đều là những mặt hàng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Vietcombank giao dịch 112,3 triệu cổ phiếu, và lập tức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, với trên 56.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quán quân trước đó là ACB với 28.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Bảo Việt (BVH) niêm yết toàn bộ 573 triệu cổ phiếu và Vietinbank 121,2 triệu cổ phiếu.

Dù không giữ được mức giá cao như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư và chính doanh nghiệp, bộ ba tài chính lên sàn cung cấp cho thị trường lượng hàng hóa lớn, cũng như cái nhìn minh bạch hơn về 3 trong số những định chế tài chính lớn nhất Việt Nam. Bộ ba này cũng mở màn cho những cuộc chào sàn đình đám khác, như Eximbank, Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San và trước đó là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội. Trong số gần 100 doanh nghiệp niêm yết mới trên 2 sàn trong năm nay, riêng 5 doanh nghiệp lớn nhất đã có tổng vốn hóa lên tới gần 150.000 tỷ đồng, và đều lọt vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.

3. Thị trường UPCoM và trái phiếu đi vào hoạt động

Sau nhiều lần lỗi hẹn, thị trường giao dịch cổ phiếu dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đi vào hoạt động ngày 24/6. Cùng thời điểm này, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Năm 2009 ghi nhận 2 kênh đầu tư nữa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là thị trường giao dịch cổ phiếu dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) và hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau khi đi vào hoạt động, UPCoM tỏ ra kém hấp dẫn và mờ nhạt hẳn so với diễn biến của 2 thị trường niêm yết TP HCM và Hà Nội. Giao dịch của 34 cổ phiếu qua mỗi phiên chỉ vài trăm nghìn, với giá trị phổ biến 1-4 tỷ đồng. Những mong ngóng của nhà đầu tư như nới biên độ (thay vì 10% như hiện nay), rút ngắn thời gian thanh toán T+3, được phép mua bán cùng một cổ phiếu trong ngày... để UPCoM hấp dẫn hơn vẫn chưa kịp thành hiện thực trong năm 2009.

Khoảng 3 tháng sau ngày UPCoM ra mắt, thị trường chứng khoán đón nhận hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt. Hơn 500 loại trái phiếu với trị giá 166.000 tỷ đồng được giao dịch bằng hệ thống công nghệ từ xa và tách biệt khỏi cổ phiếu, giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư ít rủi ro. Đây được kỳ vọng là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, tạo sự đa dạng hóa các công cụ đầu tư trên thị trường vốn, tăng cường sự độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

4. Thanh khoản tăng vọt và câu hỏi về đòn bẩy tài chính

Lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường Việt Nam ghi nhận những phiên giao dịch có giá trị trên 5.000 tỷ đồng, cùng khối lượng lên tới hơn 130 triệu chứng khoán. Chỉ số của 2 sàn cũng liên tiếp lên xuống theo tín hiệu kích cầu, bởi những kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng, cũng như nguồn vốn dồi dào bơm qua hệ thống ngân hàng. Vì lý do này, tin đồn, sau đó là thông tin chính thức về ngừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào cuối năm nay, đã kéo chứng khoán giảm mạnh.

Trong năm, thanh khoản của thị trường có được một phần lớn nhờ vào nguồn tín dụng, thông qua cho cho vay margin và repo cổ phiếu, cùng với một số các nghiệp vụ khác. Tại một số công ty chứng khoán, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy có thể đạt 100-200%. Chủ tịch của một công ty chứng khoán hàng đầu thị trường nhận định, đòn bẩy tài chính chiếm đến 40% giá trị của những phiên giao dịch thăng hoa.

Đòn bẩy tài chính giúp tăng thanh khoản cho thị trường, song khi chưa có những quy chế cụ thể cho nó, sẽ dẫn tới nhiều rủi ro. Việc Bộ Tài chính xem xét thông qua Dự thảo về mua chứng khoán ký quỹ được giới đầu tư trông đợi sẽ giúp tăng thanh khoản của thị trường, đồng thời đảm bảo sự tăng trưởng ổn định.

5. Doanh nghiệp niêm yết chuyển sàn

Nằm trong kế hoạch tái cấu trúc thị trường của Ủy ban chứng khoán (SSC), hàng loạt doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng trên HOSE từ giữa năm đã "khăn gói lên đường" sang niêm yết tại HNX, sau nhiều lần được SSC du di thời hạn tăng vốn. Trong khi đó, tại HNX, chỉ mỗi trường hợp của HSC tự nguyện hủy niêm yết và ngả sang UPCoM do không đạt mức vốn điều lệ cần thiết tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc chuyển sàn này từ TP HCM sang Hà Nội không gây nhiều xáo trộn trên thị trường như nhiều dự đoán trước đó.

6. Tin đồn lan tràn trên sàn chứng khoán

Trong năm 2009, thị trường chứng khoán ghi nhận hàng loạt tin đồn có tầm ảnh hưởng lớn và gây xôn xao trong giới đầu tư.

Tin đồn là vấn đề mọi thị trường tài chính đối mặt, và sự khác nhau là khả năng đánh giá của nhà đầu tư và cách thức phản ứng của doanh nghiệp niêm yết và cơ quan giám sát thị trường.

7. Rào cản T+3

Những biến động thất thường trên thị trường chứng khoán năm nay khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay. Giá cổ phiếu bất ngờ tăng nhưng cũng rớt nhanh chóng và không cách nào chốt lời, cắt lỗ được, bởi rào cản T+3. Chính vì vậy mới có tình trạng một số công ty chứng khoán "ưu đãi" cho khách hàng VIP được bán ngày T+2, thậm chí T+1, gây ra sự bất bình đẳng cho những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Vấn đề rút ngắn thời gian thanh toán một lần nữa được đem ra tranh luận, mổ xẻ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt việc bán khống từ tháng 12. Không còn đòn bẩy tài chính, những phiên giao dịch 5.000-6.000 tỷ đồng trên hai sàn chứng khoán cũng theo đó chìm vào quá khứ.

Trước nhu cầu có thật về việc rút ngắn thời gian thanh toán và thực tế đã diễn ra. SSC sau nhiều họp bàn đã cân nhắc xây dựng dự thảo văn bản trình Bộ Tài chính xem xét và dự kiến triển khai vào năm 2010, nếu được thông qua.

Theo Bạch Hường - Ngọc Châu

VnExpress


ngocdiep

Trở lên trên