MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai sẽ chiến thắng?

Thời gian gần đây, khối ngoại bán ròng để chốt lời, nhưng trong phiên ngày hôm qua, hơn 3.000 tỷ đồng đổ vào thị trường, chủ yếu là tiền nóng của nhà đầu tư (NĐT) nội tham gia dẫn dắt cuộc chơi này.

Thị trường được kéo lên cao với sóng lớn, sau đó xả hàng như thác đổ với hàng trăm triệu cổ phiếu ở các mã đầu cơ khiến chỉ số quay đầu giảm.

Theo thống kê, mỗi khi khối ngoại bán ròng, chỉ số thị trường hầu như sẽ sụt giảm và tâm lý giới đầu tư sẽ thận trọng trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm này, bất chấp hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn đang tiếp diễn, dòng tiền trong nước lại bất ngờ đổ mạnh vào thị trường. Tâm điểm của dòng tiền là nhóm cổ phiếu đầu cơ và điều này đã trở thành động lực chính giúp cho chỉ số thị trường tăng điểm khá mạnh.

Nghìn tỷ đổ vào thị trường

Theo các CTCK, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường có thể xuất phát từ thông tin dự thảo Quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên TTCK Việt Nam (thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg) đã hoàn tất và trình lên Thủ tướng. Theo bản dự thảo này, NĐT nước ngoài có thể sở hữu tối đa 60% số cổ phiếu có quyền biểu quyết ở một số công ty niêm yết đủ điều kiện.

Có điều gì khó hiểu khi NĐT trong nước lại phản ứng tích cực với thông tin nới room, trong khi đó người được lợi là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng? Phải chăng khối ngoại đã mua vào khi giá rẻ giờ đã bán ra để chốt lời.

Một vấn đề lo ngại nữa là dòng tiền của khối ngoại sẽ rút vốn ở quốc gia mới nổi thông qua các quỹ ETF. Trong khi đó, hoạt động giao dịch của quỹ ETF thường có tác động rất mạnh đến thị trường Việt Nam.

Sau một thời gian dài mua ròng, quỹ V.N.M đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng bị rút ròng vào ngày 13/11 với giá trị 2,84 triệu USD. Như vậy, qua những phân tích trên, có thể thấy không chỉ có riêng Việt Nam mà ở các thị trường mới nổi khác như Indonesia, Brazil hay Nga cũng đang bị các quỹ ETF rút vốn khá mạnh.

Tại Việt Nam, xu hướng rút vốn này cùng với khả năng chốt lời tăng cao thì việc tiếp tục bán ròng trong thời gian tới của khối ngoại hoàn toàn có thể diễn ra. Có những giai đoạn, hoạt động bán ròng của khối ngoại đã khiến cho thị trường lao dốc khá mạnh.

Ở chiều ngược lại, nhiều hãng tin quốc tế đánh giá động thái nới lỏng các giải pháp thắt chặt nền kinh tế của chính phủ Việt Nam đã giúp thúc đẩy khối ngoại mua vào cổ phiếu với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay.

Theo đó, làn sóng NĐT ngoại ồ ạt mua vào cổ phiếu của các công ty Việt Nam được ưa chuộng nhất đã khiến nguồn cung cổ phiếu cạn kiệt và đẩy một số ra khỏi cuộc chơi trong bối cảnh lạm phát chậm lại và nền kinh tế hồi phục từ thời kỳ tăng trưởng yếu ớt nhất kể từ năm 1999.

Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng 208,5 triệu USD trên TTCK Việt Nam, đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp TTCK hút ròng. Chỉ số VnIndex cũng đã tăng tới 22%.

Thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm nếu room ngoại được nâng lên

Templeton Emerging Markets Group và Dragon Capital Group Ltd. cho biết họ không thể mua nhiều cổ phiếu như mong muốn, trong khi công ty quản lý tài sản PXP Vietnam Asset Management dự đoán thị trường 45 tỷ USD sẽ tiếp tục tăng điểm nếu room ngoại ở một số công ty được nâng lên tới 60%.

Thị trường sẽ đột phá?

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết Bộ Tài chính đã trình kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT ngoại lên Thủ tướng.

Nếu nghị quyết được ban hành, NĐT nước ngoài có thể nâng số cổ phiếu biểu quyết tối đa tại các công ty niêm yết ở một số ngành lên 60% thay vì 49% như hiện nay. NĐT ngoại cũng có thể mua tối đa 100% cổ phần không biểu quyết.

Một chuyên gia đến từ VinaSecurities JSC cho rằng có rất nhiều điểm tích cực đang diễn ra và sẽ giúp thị trường Việt Nam tăng điểm trong vài năm tới.

Xuất khẩu tăng 13% trong tháng 10 - gấp đôi tốc độ của Trung Quốc và vốn FDI cam kết tăng 66% (lên 19,2 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm.

Các công ty Việt Nam được NĐT nước ngoài ưa chuộng nhất vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp chi tiêu tiêu dùng suy giảm. Vinamilk công bố lợi nhuận quý III tăng 21%. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế ở Bloomberg, Vinamilk có thể chứng kiến lợi nhuận tăng 15% và 16% trong 2 năm tới.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VNM cũng đã tăng tới 60% và đang có tỷ lệ P/E ở mức 17,5 lần - thấp hơn so với tỷ lệ trung bình 29 lần của các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực trên thế giới.

Cổ phiếu của Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cũng đã tăng tới 75% kể từ đầu năm tới nay và nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT ngoại. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc của REE, cũng nhận định lợi nhuận của công ty sẽ lần đầu tiên đạt 1.000 tỷ đồng trong năm nay, vượt xa mức dự báo 650 tỷ đồng được đưa ra trước đó.

Bloomberg dự báo tăng trưởng lợi nhuận của DHG sẽ đạt 20% trong năm nay (năm ngoái là 15%). Cổ phiếu này cũng đã tăng 49% kể từ đầu năm đến nay.

Mặc dù vẫn còn lo ngại như nợ xấu cao, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, việc nới room ngoại sẽ được công bố trong thời gian tới sẽ là chất xúc tác có tác dụng lớn lên thị trường.

Các cổ phiếu mà NĐT nước ngoài hiện đang nắm giữ 49% sẽ hưởng lợi. Đây là một bước rất quan trọng, có thể giúp thị trường Việt Nam bứt phá mạnh mẽ. Vậy ai sẽ là người chiến thắng thị trường trong cuộc chơi này?

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên