MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ẩn ý sau những “cuộc chơi IPO”

Một trong những khó khăn lớn gây cản trở cho hoạt đông IPO là việc các DNNN rất ít khi muốn công bố chính xác việc định giá đơn vị mình khi IPO.

Càng gần đến thời điểm “hạn chót” cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, câu chuyện CPH lại tiếp tục nóng lên, nhất là sau hàng loạt vụ IPO không mấy thuận lợi giai đoạn nửa đầu năm 2014.

Theo “lệnh” của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến hết năm 2015, sẽ phải thực hiện CPH xong 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Như vậy, chỉ còn chưa đầy 1 năm rưỡi nữa, nhưng tần xuất CPH sẽ ở mức cao 1 doanh nghiệp/ 1 ngày, đây được coi là một thách thức không hề nhỏ đối với cả bản thân doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Nhà đầu tư vẫn tỏ ra “lãnh đạm”?

Càng gần đến thời điểm chốt kế hoạch CPH của Chính phủ, câu chuyện IPO của các DNNN lại làm nóng các diễn đàn kinh tế, những buổi nghị sự cả trong và ngoài nước.

Bức tranh CPH của các DNNN nửa đầu năm 2014, cho thấy rõ 2 màu “sáng - tối”. Một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, trong số 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án CPH, đã có 31 doanh nghiệp tổ chức IPO.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thực hiện IPO của số doanh nghiệp này, số lượng các vụ IPO thành công không nhiều, thậm chí được coi là “vụ IPO thất thu” của các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi, người ta nhắc nhiều đến các vụ IPO của doanh nghiệp thuộc “họ giao thông” với những kết quả IPO khả quan như: Cienco1, Cienco4, Tedi, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long…

Thì những Hancorp, Vivaso, Vinamotor, DMC… lại là những cái tên gây thất vọng với kết quả IPO đạt khá thấp so với kế hoạch.

Đặc biệt, 4 doanh nghiệp cảng biển: Cảng Quảng Ninh, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và cảng Nha Trang… lượng cổ phần tuy không nhiều, đơn vị sau IPO vẫn tiếp tục chào bán nhưng đến nay vẫn chưa thể bán hết.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng,  400 doanh nghiệp phải CPH chỉ trong một năm rưỡi nữa  có lẽ không chỉ có “quyết tâm chính trị” mà cả Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp phải có cách nhìn nhận khác về CPH, đặc biệt phải có “chiến lược thông minh” trong các vụ IPO tiếp theo.

Ông Tào Minh Dương, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhìn nhận, từ đầu năm 2014 đã có khá nhiều đợt IPO diễn ra, tựu trung lại, sự quan tâm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với các vụ IPO của doanh nghiệp vẫn chưa cao.

Theo phân tích của ông Dương, thị trường chứng khoán tăng trưởng khá tốt trong quý I/2014, thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào giao dịch.

Trong khi đó, các thủ tục liên quan đến IPO của các doanh nghiệp hiện còn khá phức tạp nên cũng không thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ.

Cũng theo chia sẻ của ông Dương, một số trường hợp như TEDI đã có được kết quả khả quan khi tiến hành IPO với lượng đăng ký gấp 5-6 lần so với lượng bán ra, giá bán cũng cao hơn nhiều so với giá đăng ký.

Nguyên do theo ông Dương là bởi phần bán cho đối tác chiến lược và những người mua cổ phần công ty này đều có sự tương đồng về ngành nghề, đặc biệt là sự đầu tư dài hạn chứ không phải chỉ lướt sóng.

“Nếu DNNN nào có tiềm năng lớn về thị trường, có chiến lược IPO hợp lý, cơ cấu sở hữu (Nhà nước nên nắm tỷ lệ thấp) sẽ thu hút được sự  quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược ngay trong phương án CPH và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ cá nhân”, ông Dương khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, một số ý kiến lại cho rằng, những vấn đề liên quan đến xử lý tài chính cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều DNNN không thành công trong việc IPO.

Theo đó, tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 vừa được tổ chức, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định,  một số vấn đề liên quan đến xử lý tài chính của các DNNN chính là điểm vướng mắc trong các kế hoạch IPO.

Vị chuyên gia này cho rằng, IPO gặp khó trong thời gian gần đây có phần nguyên do từ những khoản đầu tư tài chính của các DNNN vẫn chưa giải quyết được. Mặc dù nhà nước hiện đã có thông tư cho phép trích dự phòng nhưng các doanh  nghiệp vẫn còn phải đợi các hướng dẫn cụ thể…

Không những thế, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng, minh bạch tài chính trước khi CPH còn khó thực hiện ở Việt Nam.

“Thoái vốn ở các công ty mà DNNN đầu tư còn là cái gai nhất trong việc CPH. Các doanh nghiệp nợ nần lẫn nhau quá nhiều, khó xử lý, kéo dài. Các khoản nợ cũng khó xác định được chính xác, khiến các doanh nghiệp bị mắc, xem xét lại khi thực hiện định giá doanh nghiệp…”, đại diện Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận.

Ẩn ý của “cổ phần hóa”

Có thể nói, hiện đang tồn tại một thực tế “đại kế hoạch CPH” của Chính phủ đang bị chậm tiến độ, thậm chí không ít người tỏ ra lo ngại việc “về đích” của kế hoạch này.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Thuyên, hàm Vụ phó Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư), thực chất, rất khó để nói việc kế hoạch CPH các DNNN hiện nay chậm hay không chậm.

Ông Thuyên cho rằng, thực chất nhiều người đang không hiểu đúng bản chất của “bài toán CPH”. Bởi lẽ, mục tiêu chính của nhà nước là chuyển các doanh nghiệp này sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của cổ đông, cổ tức làm thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.

“Ý chí chủ quan về việc cổ phần hóa là quan trọng nhất, nhưng không phải là bán bằng mọi giá. Kế hoạch CPH rất cần có ý chí , đề xuất nhưng vẫn cần những bước đi thận trọng”, ông Thuyên khẳng định.

Theo tiết lộ từ ông Thuyên, hiện có khá nhiều nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là từ Nhật Bản đã lựa chọn Vinatex và đang tiến hành đàm phán việc mua cổ phần của đơn vị này.

Ông Thuyên cũng lưu ý, các DNNN thực hiện IPO nên chú ý đến tính thời điểm, bởi lựa chọn đúng thời điểm tổ chức IPO cũng rất quan trọng.

Trong khi đó, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư Công ty Chứng khoán VPBS, quan sát các hoạt động CPH thời gian gần đây, quyết tâm chính trị thì rất lớn.

Tuy nhiên, thực chất để hoàn thành chỉ tiêu 1 ngày/1 doanh nghiệp không chỉ quyết tâm phải có chuyển biến rất lớn về tư tưởng, tư tưởng trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Khi mà áp lực về việc cân đối ngân sách cũng là yếu tố mới thúc đẩy quá trình CPH đi nhanh hơn.

Chiến lược M&A tốt là chìa khóa

Nhóm nghiên cứu MAF thuộc Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) Việt Nam cho rằng, năm 2014 là năm mở đầu cho giai đoạn 2014 - 2018 được dự đoán sẽ tiếp tục là giai đoạn bùng nổ của hoạt động M&A tại Việt Nam.

Trên toàn cầu, cơn sốt M&A đã trở lại, và tại Việt Nam, giới đầu tư sắp được chứng kiến làn sóng của những cuộc IPO doanh nghiệp nhà nước lớn, những thương vụ sát nhập đúng nghĩa.

Theo tính toán từ Nhóm nghiên cứu MAF, Merger Market (Anh) và IMAA Thụy Sỹ, trong giai đoạn 2014 – 2018, ước tính quy mô thị trường M&A tại Việt Nam lên tới khoảng 20 tỷ USD.

Đồng thời, theo dự báo của IMAA Thụy Sỹ, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ sôi động hơn cả về tăng trưởng giá trị cũng như số lượng thương vụ thực hiện, với mức tăng khoảng 30% so với giai đoạn thứ nhất.

Cuộc chơi IPO không chỉ cần quyết tâm mà phải có chuyển biến rất lớn về tư tưởng, nhất là tư tưởng trong quản lý điều hành doanh nghiệp, khi mà áp lực về việc cân đối ngân sách cũng là yếu tố mới thúc đẩy quá trình cổ phần hóa đi nhanh hơn.

Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam, cho biết, giai đoạn cuối 2013 và đầu năm 2014, giao dịch M&A tại Việt Nam có phần chững lại. Tuy nhiên, làn sóng thứ hai được kỳ vọng sẽ có sự tham gia của nhiều thương vụ lớn.

“Chỉ tính riêng 7 thương vụ IPO của các DNNN như: PVGas, Mobifone, Vietnam Airlines… nếu thành công sẽ mang lại khoảng hơn 4,7 tỷ USD”, ông Minh tiết lộ.

Tuy nhiên, cơ hội thì ai cũng nhìn thấy rõ nhưng việc thực hiện nó theo các chuyên gia M&A là chuyện không hề dễ dàng.

Bởi lẽ, một trong những khó khăn lớn gây cản trở cho hoạt đông IPO là việc các DNNN rất ít khi muốn công bố chính xác việc định giá đơn vị mình khi IPO.

Theo ông Minh, khi đàm phán M&A, các bên cũng đều có các tổ chức tư vấn và định giá riêng. Đồng thời, mỗi bên cũng đều có quy trình rất chặt chẽ, kết quả định giá sẽ tùy vào quan điểm của các bên dựa vào luận cứ của bên thẩm định và có sự tin tưởng nhất định.

Việc không muốn công bố kết quả định giá DNNN, theo nhìn nhận của ông Minh, đây là bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Trong quá trình đàm phán nó liên quan đến các cuộc mặc cả về giá cả. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà cả các công ty ở nước ngoài cũng có tình trạng tương tự”, ông Minh chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia về M&A này, thống kê cho thấy, trên thế giới có đến 65% thương vụ M&A thất bại, ở nhiều giai đoạn khác nhau như: Đàm phàn, định giá hay hậu M&A.

Ở Việt Nam hiện đã có khá nhiều thương vụ, nhiều công ty nhà nước CPH cũng chưa thành công như BIDV, Sabeco…

Theo ông Minh, trong từng giai đoạn sự thành công của thương vụ nó khác nhau. Việc đánh giá thương vụ thành công cần thêm thời gian để đánh giá tốt hơn.

Theo Vũ Minh

thanhhuong

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên