MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ảnh hưởng của phố Wall tới TTCK Việt Nam chỉ là vấn đề tâm lý"

Ông Vũ Bằng, chủ tịch UBCKNN trả lời báo giới về ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới đến TTCK VN và những biện pháp để hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Tác động của phố Wall lên TTCK Việt Nam: chỉ là vấn đề tâm lý

Thưa ông, xin ông cho biết ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới đến thị trường Việt Nam

Ông Vũ Bằng: Thời gian vừa qua, tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng của Mỹ có ảnh hưởng đến kinh tế của một số nước trong đó có Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này Chính phủ đã có những họp bàn và cách giải quyết.

Theo quan điểm của tôi thì những ảnh hưởng của thế giới đến Việt Nam có tính gián tiếp như đến hoạt động xuất khẩu, đến một số nhóm mặt hàng và có ảnh hướng nhất định tới giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp.

Trên thị trường chứng khoán chúng tác động gián tiếp thông qua ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Ngoài ra, do giá trị tài sản và cổ phiếu trên thế giới giảm đi đang làm mất đi lợi thế so sánh với cổ phiếu trên thị trường, đồng thời các tổ chức quốc tế có thể tái cấu trúc về danh mục, củng cố lại luồng vốn đầu tư của họ làm luồng vốn đầu tư gián tiếp của họ không tăng và có thể có điều chỉnh nhất định.

Theo đánh giá của chúng tôi về danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm hiện nay và dự trữ ngoại tệ thì chúng ta có đủ khả năng để đối phó những diễn biến bất thường liên quan đến việc dịch chuyển luồng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán.

Mặt khác chúng ta có những thuận lợi, như 8 nhóm giải pháp của Chính phủ vừa qua đã có những tác dụng đối với vấn đề lạm phát, nhập siêu, tỷ giá…. Đối với TTCK, qua những khó khăn, điều chỉnh giảm vừa qua cũng là những điều kiện tốt để chúng ta chống đỡ đối với những ảnh hưởng bên ngoài.

Yếu tố giá xăng dầu và những yếu tố khác có những ảnh hưởng tích cực đến với chúng ta.

Thực hiện giao dịch tập trung các công ty đại chúng mới lưu ký tập trung

Xin ông cho biết ý kiến về những đề xuất về việc lưu ký tập trung?

Ông Vũ Bằng: Những việc kiến nghị như lưu ký tập trung ngay các công ty đại chúng cũng là vấn đề khó khăn về vấn đề kỹ thuật bởi vì phải thực hiện giao dịch tập trung các công ty đại chúng thì mới lưu ký tập trung được. Mặc dù yêu cầu là lưu ký tập trung nhưng chúng tôi chưa thực hiện được việc này .

Hiện với thị trường giao dịch tập trung chúng tôi đã chạy test đã lựa chọn các doanh nghiệp đầu tiên đưa vào, đã tập huấn, kết nối cho các CTCK sẵn sàng đưa vào hoạt động nhưng đang chờ Chính phủ có chỉnh sửa Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu đối với chứng khoán. Sau khi có quyết định chính thức của Chính phủ, chúng tôi sẽ triển khai về việc lưu ký tập trung.

Doanh nghiệp nên rà soát phương án phát hành, phương án sử dụng vốn

Sắp tới UBCKNN sẽ có những động thái nào để phát triển thị trường?

Ông Vũ Bằng: Trước những khó khăn trong nước và thế giới hiện nay chúng tôi phải có những chủ động để đối phó. Vấn đề đầu tiên là kiểm soát tính thanh khoản, kiểm soát rủi ro đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường.

Chúng tôi có những tăng cường giám sát và quy đinh là phải có quy trình quản lý nội bộ, quản lý rủi ro đối với các CTCK, nắm bắt kịp thời hoạt động của các CTCK để phân loại, xác định kịp thời tính thanh khoản, khả năng hoạt động của các CTCK đề xuất các giải pháp ứng phó với các CTCK.

Thứ hai, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ về đề án chống khủng hoảng .

Thứ ba, chúng tôi đang xem xét lại các hoạt động repo đối với các CTCK thì chúng tôi thấy các công ty cần có những kiểm soát chặt chẽ các doanh mục hoạt động repo để tránh rủi ro. Uỷ ban chứng khoán sẽ có văn bản tới các CTCK về vấn đề này.

Tuy nhiên, bản thân việc chống lạm phát hay kháng cự lại với ảnh hưởng của quốc tế thì những doanh nghiệp, các CTCK phải có những điều chỉnh lại hoạt động của mình như tăng cường quản trị rủi ro, điều chỉnh các phương án tái cấu trúc, theo dõi chặt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và kịp thời công bố thông tin. Vì tình hình hoạt động của các doanh ngiệp quyết định đến diễn biến thị trường và quyết định khả năng chúng ta chống đỡ lại những ảnh hưởng bên ngoài.

Trong việc tăng cường hoạt động doanh nghiệp thì có vấn đề liên quan đến vấn đề phát hành cổ phiếu tăng vốn. Khi huy động vốn tại kênh ngân hàng gặp khó khăn thì khi  TTCK có dấu hiệu phục hồi là các doanh nghiệp tìm đến huy động vốn đến để duy trì các dự án. Hiện nay lượng hồ sơ phát hành chuyển sang Uỷ ban rất nhiều.

Về phía Uỷ ban, chúng tôi không thể xét duyệt tính khả thi của các phương án đầu tư mà chỉ đảm bảo họ đủ các tiêu chuẩn công bố công khai kiểm toán thì chúng tôi phải cấp phép.

Có điều chúng tôi muốn khuyến cáo các doanh nghiệp là doanh nghiệp nên rà soát phương án phát hành, phương án sử dụng vốn, kể cả những dự án ĐHCĐ đã thông qua nhưng thấy không hiệu quả trong tình hình mới thì cần cắt giảm, thắt chặt.

Nếu doanh nghiệp phát hành thì cần  phát hành cho những dự án thực sự hiệu quả để tránh phá loãng cổ phiếu cũng như phát huy thế mạnh ngành của doanh nghiệp và lành mạnh tài chính trong tương lai.

Vũ Minh (ghi)

tuyetminh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên