MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực nhân sự công ty chứng khoán

Để chiếm lĩnh thị phần, các CTCK phải tăng cường tuyển dụng nhân viên, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực về mặt chi phí, hoặc chất lượng dịch vụ.

Cân đối chi phí và doanh thu

Tại thời điểm 30/6/2015, CTCK VN Direct (VND) có 688 nhân viên làm việc, gấp hơn 2 lần so với đúng 2 năm trước (30-6-2013 VND có 307 nhân viên). Cuối năm 2013, số nhân viên của CTCK Bảo Việt (BVS) là 201 người, đến cuối năm 2014 là 213 người, tức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2015, BVS đã có đến 359 nhân viên, đáng chú ý theo công bố của CTCK này có 109 nhân viên hợp tác phát triển kinh doanh. VND là CTCK thuộc top 10 thị phần nhiều năm nay, trong khi đó BVS là một CTCK tên tuổi lâu đời trên thị trường, mới xóa được lỗ lũy kế và đang tăng tốc mạnh mẽ.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc BVS, cho biết hơn 1 năm qua, tốc độ tăng trưởng trong mảng môi giới của BVS khá nhanh. Số lượng khách hàng tăng, đòi hỏi CTCK phải có đầy đủ nguồn lực để phục vụ và đáp ứng các yêu cầu từ phía khách hàng. Một thống kê gần đây cho thấy, những CTCK lớn đều gia tăng quân số tại thời điểm giữa năm 2015 so với đầu năm, tuy nhiên tốc độ gia tăng mỗi CTCK khác nhau. Điều này cũng đồng nghĩa muốn gia tăng thị phần trước tiên phải tăng số lượng nhân viên, nhưng cũng đặt ra một loạt thách thức.

Trưởng phòng môi giới một CTCK có thị phần khá lớn chia sẻ, giai đoạn cuối 2014 cho đến đầu tháng 5/2015 phải chịu rất nhiều áp lực. Đầu tiên là việc bị mất người do các CTCK khác lôi kéo, trong khi đó đây là giai đoạn mà TTCK diễn biến không thuận lợi dẫn đến áp lực hoàn thành doanh thu cho phòng môi giới vô cùng căng thẳng. Nói tóm lại, các CTCK trong một chừng mực nào đó sẽ ở vào thế bị động, thậm chí đánh cược với vấn đề nhân viên.

TTCK mới chỉ hồi phục từ giữa tháng 5 đến nay, tức hơn 2 tháng nhưng số lượng nhân viên tại một số CTCK đã tăng, thậm chí tăng mạnh. Hơn nữa muốn mở rộng thị phần phải tăng nhân viên, hay muốn giữ vị thế cũng phải tăng nhân viên. Thế nhưng chỉ cần TTCK chựng lại, hoặc điều chỉnh áp lực chi phí đè nặng. Thách thức nằm ở việc các CTCK sẽ cân đối chi phí và nguồn thu của mình như thế nào.

Chỉ dành cho CTCK lớn

Nếu chỉ trông chờ vào thị trường chung, hưởng phí môi giới, thu lãi từ margin tất nhiên sẽ khiến các CTCK bị động, không mang tính bền vững. Công thức giảm lãi margin, giảm phí giao dịch được một số CTCK triển khai trong những năm trước đây chỉ có tác dụng ngắn hạn. Minh chứng rõ ràng nhất là các CTCK có thị phần lớn thường cũng có lãi margin ở mức cao và cũng không có ý định giảm.

Trong khi các CTCK có lãi margin thấp cũng chỉ thu hút được số lượng khách nhất định. Như vậy, cuộc chiến sẽ nằm ở việc tìm kiếm những khách hàng mới, chẳng hạn như số lượng NĐTNN tham gia TTCK vẫn tiếp tục gia tăng. Nhưng tại phân khúc này, cuộc chiến sẽ chỉ dành cho một số CTCK lớn và có tính dài hơi. Bởi thu hút NĐTNN, nhất là NĐT tổ chức đòi hỏi CTCK không chỉ có tiền, mà còn là vị thế, uy tín, con người…

Một CTCK có thể có nhiều tiền, nhưng thiếu một đội ngũ chuyên viên phân tích giỏi, thiếu các mối quan hệ với doanh nghiệp sẽ không thể kết nối được NĐTNN với doanh nghiệp. Một kỳ vọng khác có thể được mở ra khi các sản phẩm như phái sinh được sớm triển khai trên thị trường, nhưng số lượng CTCK có thể triển khai những sản phẩm này cũng phải đáp ứng được các tiêu chí khác nhau.

Nhân sự đủ tiêu chuẩn cho các CTCK ngày càng hiếm. Ảnh: LONG THANH.

Các CTCK dù muốn hay không vẫn sẽ phải “chiến đấu” trên mặt trận cũ của mình là môi giới và margin. Và trong một chừng mực nào đó, cuộc chạy đua về nhân sự đã và đang đẩy mức độ khốc liệt trong cạnh tranh thị phần tiếp tục tăng.

Từ chỗ một vài CTCK tuyển quân ồ ạt, nếu phát huy được hiệu quả, sẽ buộc những CTCK phải cẩn trọng hơn. Lúc này, số lượng các phòng giao dịch, các nhóm môi giới lại có thể tăng lên để giữ cho vị thế của mình vững chắc hơn. Khi NĐT ngày một nâng cao về trình độ, kinh nghiệm, yêu cầu về nhân viên phục vụ cũng nâng lên cao hơn. Thách thức đối với CTCK là cực lớn trong việc đào tạo, tuyển dụng nhân viên.

Nhưng có một điều rất khó ở đây là số lượng nhân viên lành nghề, kinh nghiệm trong ngành CK hiện đã có nơi chốn rõ ràng, ít dịch chuyển và càng lúc càng ít đi vì những người này sẽ chuyển lên làm quản lý theo thời gian. Trong khi đó, việc tuyển dụng, đào tạo cũng cần phải có thời gian dài để hình thành một đội ngũ nhân viên giỏi. Nhu cầu nhân viên tại CTCK đang rất cao, là bài toán khó dành cho CTCK.

PV

Báo Sài Gòn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên