"Cuộc chơi" trên TTCK đang cho thấy, khi phát sinh
tranh chấp giữa NĐT, nhất là NĐT cá nhân với các tổ chức liên quan trên TTCK,
thường NĐT phải gánh chịu phần thiệt thòi do thiếu quy định pháp lý bảo vệ họ.
Bởi vậy, trao đổi với ĐTCK, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ
tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, đã đến lúc cần
có quy định pháp lý cho phép thành lập một tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ và đền bù
cho NĐT.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, VAFI kiến nghị Ủy ban Chứng khoán
Nhà nước (UBCK), trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán, cần đưa một số quy
định mang tính nguyên tắc về việc thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT vào Luật.
Xuất phát từ đâu mà
VAFI kiến nghị thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT, thưa ông?
Ở Việt Nam đã có nhiều vụ CTCK làm ăn thất bát, có khả năng
phá sản, hoặc buông lỏng quản trị dẫn đến nhân viên lừa dối, chiếm đoạt tiền
của khách hàng. Trong khi đó, hiện nhiều CTCK không có cơ chế quản trị rủi ro
hiệu quả để bảo vệ mình và NĐT, nhất là các NĐT cá nhân.
Câu hỏi đặt ra là nếu các DN này sụp đổ, vỡ nợ hay khi NĐT
bị lừa, bị chiếm dụng vốn, thì ai đứng ra bồi thường cho họ? Việt Nam hiện chưa
có một tổ chức nào làm việc này. Hơn nữa, qua thực tế nghiên cứu nhiều TTCK
phát triển như Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, chúng tôi nhận thấy mô hình quỹ và công
ty bảo vệ NĐT hoạt động rất thành công.
Cụ thể, mô hình này tại Mỹ là Công ty bảo vệ NĐT chứng khoán
(SIPC), trong khi tại Đài Loan là Trung tâm bảo vệ NĐT chứng khoán (SFIPC) và
tại Hồng Kông là Công ty đền bù NĐT (ICC).
Từ các mô hình này cho thấy, cơ chế bảo vệ NĐT được xây dựng
dựa trên các yếu tố cơ bản là: có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và
điều hành quỹ đền bù, bảo vệ NĐT; có một cơ quan công cộng đóng vai trò quản
trị và điều hành quỹ; có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó một
tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và
tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết.
Các công ty, tổ chức, hiệp hội bảo vệ NĐT trong cơ chế này
là tổ chức xã hội, hoặc thuộc chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận và có nguồn
quỹ để bảo vệ NĐT. Quỹ này do các thành viên là những tổ chức tham gia thị
trường đóng góp và hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước…
Từ kinh nghiệm của các nước, cũng như thực tiễn hoạt động
của TTCK Việt Nam cho thấy, cần sớm ban hành quy định pháp luật để bảo vệ NĐT,
trong đó cho phép thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT là một lựa chọn khả thi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến có quan điểm ngược lại khi cho rằng,
đề xuất thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT trong điều kiện TTCK Việt Nam hiện
nay là không khả thi, vì ai là người đứng ra làm, nhất là trong bối cảnh cơ
quan quản lý đang phải nỗ lực lấp nhiều "khoảng trống" pháp lý cho
TTCK?
Nếu chờ TTCK phát triển hoàn thiện mới nghĩ đến việc ban
hành cơ chế bảo vệ NĐT, thì chẳng qua là trì hoãn việc phải làm gấp.
Thực tế phát triển ở các thị trường khác là làm dần dần, thị
trường cần cái gì thì cơ quan quản lý tạo điều kiện phát triển cái đó, nếu cơ
quan nhà nước không đủ sức làm, thì cần tạo cơ chế để các tổ chức xã hội làm.
Nếu chỉ hô hào khẩu hiệu, mà không có một cơ chế và tổ chức đứng ra làm cụ thể,
thì mãi chỉ là bảo vệ NĐT bằng… miệng.
Lâu nay, đã có nhiều ý kiến hô hào cần làm cái nọ, sửa cái
kia để bảo vệ NĐT mỗi khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm, nhưng ít có
hành động cụ thể diễn ra trên thực tế. Bởi vậy, lần này VAFI đưa ra một kiến
nghị thiết thực, đó là trong quá trình đang sửa đổi Luật Chứng khoán, UBCK cần
đưa quy định cho phép thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT vào luật này.
Việc thành lập quỹ và
công ty bảo vệ NĐT được bắt đầu từ đâu, theo ông?
Trước tiên là cần hình thành một Ban đề án để triển khai các
công việc liên quan. Ban đề án do các cơ quan Chính phủ và/hoặc một hiệp hội
đại diện các NĐT và các bên tham gia thị trường đứng ra vận động, thành lập.
Nhiệm vụ chính của quỹ và công ty bảo vệ NĐT là bù đắp các
thiệt hại về tài chính cho NĐT do các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị phá sản
hay vỡ nợ gây ra.
Quỹ và công ty này đại diện cho NĐT tham gia làm việc,
thương thảo và khi cần sẽ là đại diện tham gia tranh tụng với CTCK, Sở GDCK,
Trung tâm Lưu ký…
Theo ý tưởng của ông
thì không dễ tính toán, xác định mức độ thiệt hại của NĐT để làm cơ sở cho việc
hỗ trợ, đền bù cho họ?
Vì không dễ tính toán, xác định mức độ thiệt hại của NĐT,
nên rất cần một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể.
Thực tế, việc thu thập thông tin, chứng cứ từ hàng trăm,
hàng ngàn NĐT cá nhân là rất khó và không hiệu quả nếu thiếu một cơ chế khởi
kiện tập thể.
Chúng ta có các cơ quan tư pháp, hành pháp và việc xác định
mức độ thiệt hại của NĐT để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ có thể do các cơ quan
như tòa án, kiểm toán… tiến hành theo luật định.
Dựa trên kết quả xác định thiệt hại của NĐT mà cơ quan chức
năng công bố, quỹ và công ty bảo vệ NĐT sẽ hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho NĐT,
đảm bảo công khai theo qui chế đã đăng ký và công bố.
Theo Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán