MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt… dao rơi!

Bắt đáy hay không là câu hỏi đặt ra với rất nhiều NĐT trong tuần này.

CTCK Vinasecurities vẫn cho rằng, việc các NĐT bắt đáy thị trường lúc này là bắt dao rơi. Chuyên gia phân tích của công ty này nhận định: “Từ quan điểm phân tích kỹ thuật, thị trường đã ở dưới mức trung bình động 200 ngày và không có kháng cự. Chúng tôi cũng nhấn mạnh, mô hình đầu và vai hình thành từ tháng 9/2009 đến giờ dường như giống với mô hình đầu và vai của tháng 7 và 8/2008, mô hình đã kéo thị trường xuống mức 250 điểm. Không chắc điều này lặp lại hay không, nhưng thị trường không có tính thanh khoản với tâm lý vô cùng tiêu cực thì theo chúng tôi là thật sự yếu”.

Lập luận cho quyết định tham gia bắt đáy, một số NĐT quả quyết: “Không lẽ thị trường giảm về 350 điểm trong một bối cảnh kinh tế đang phục hồi?”. Một NĐT khác lạc quan hơn cho rằng: “Kinh tế vĩ mô có những bất ổn nhưng không đến nỗi quá xấu để thị trường giảm xuống dưới 400 điểm”.

Chờ đợi bão qua đi hay bắt đáy lúc này quả là một câu hỏi khó. Nhiều NĐT bắt đáy trong thời gian vừa qua đã “đứt tay” với mức lỗ ít nhất là 10%. Gần đến thời điểm kết sổ cuối năm, nhiều NĐT đã cảm thấy giá cổ phiếu khá rẻ muốn mua vào, nhưng động thái đẩy để thị trường đi lên có thể gặp trở ngại là động thái bán ra cắt lỗ hoặc chấp nhận hòa vốn của một số tổ chức đầu tư khác để hạch toán lợi nhuận cuối năm. Trong phiên giao dịch thứ Năm tuần trước, thị trường đã ghi nhận động thái bán cổ phiếu cầm cố ở hai CTCK S và A tập trung ở một vài cổ phiếu lớn có tính trụ cột của thị trường. Thời điểm hiện tại, áp lực bán giải chấp của thị trường thực sự không lớn. Đây cũng được xem là một điều kiện tốt để thị trường có thể tăng trở lại.

Tuy nhiên, ngay cả với những NĐT lạc quan nhất có tâm lý bắt đáy thì mức độ giải ngân trong tuần tới chỉ khiêm tốn xác định ở 30% tiền mặt. Và việc lựa chọn cổ phiếu trở nên đặc biệt quan trọng trong một thị trường nhiều rủi ro ở phía trước. Dù giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam đã khá rẻ so với các nước trong khu vực, nhưng tâm lý thị trường khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Thêm nữa, thông tin áp dụng thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh chứng khoán bắt đầu từ ngày 1/1/2010 cũng khiến cho tâm lý NĐT càng bi quan.

Mỗi NĐT đều có câu trả lời cho riêng về mức độ giải ngân bắt đáy tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, câu trả lời chung cần lưu ý là không nên sử dụng vốn vay vào thời điểm còn rất nhiều rủi ro này.

Theo Thành Nam

ĐTCK


ngocdiep

Trở lên trên