MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Big Data] Thị phần của các Công ty Chứng khoán sẽ thế nào khi tính chung trên cả 2 sàn?

Thay vì thị phần do HoSE/HNX công bố riêng rẽ, các số liệu dưới đây cho thấy một bức tranh tổng thể hơn về thị phần môi giới.

Đầu mỗi quý, hai sở giao dịch chứng khoán đều công bố thị phần môi giới của các công ty chứng khoán trong quý trước đó. Qua những công bố này có thể cơ bản xác định một số công ty có thị phần tương đối lớn như SSI, HSC, VNDirect, ACBS, Bản Việt, FPTS…

Tuy vậy, điểm hạn chế là số liệu do 2 Sở công bố độc lập với nhau nên chưa thể có thể cái nhìn tổng thể về vị thế của 1 công ty trên toàn thị trường; một số công ty chỉ mạnh trên HoSE hay một số khác chỉ mạnh trên HNX.

Một nghiên cứu mới đây của chúng tôi dựa trên việc thu thập số liệu do các công ty chứng khoán công bố đã giải đáp được vấn đề này. Con số thị phần chung của công ty chứng khoán trên toàn thị trường được đưa ra trên cơ sở so sánh giữa giá trị môi giới của công ty so với tổng giá trị giao dịch toàn toàn thị trường.


20 công ty lớn nhất chiếm 80% thị phần

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị giao dịch trên 2 sở giao dịch chứng khoán (HoSE/HNX/Upcom) đạt 321,5 nghìn tỷ đồng, tương đương với giá trị môi giới thông qua các công ty chứng khoán (bán/mua) là 643 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, chỉ có 20 công ty đạt được trên 1% thị phần, tương ứng giá trị môi giới đạt tối thiểu 6,3 nghìn tỷ đồng. Con số này bao gồm cả giá trị tự doanh chính của công ty và không bao gồm trái phiếu.

Năm công ty lớn nhất đều có thị phần ở mức trên 5%, lần lượt là HSC, SSI, VNDirect, ACBS và Bản Việt – VCSC.

Tổng giá trị môi giới của HSC đạt hơn 68.440 tỷ đồng, cao hơn 300 tỷ so với SSI. Hai công ty này chiếm hơn 1/5 tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường và có thị phần khá xa so với các công ty xếp sau.

HSC cũng là công ty có giá trị tự doanh lớn nhất, đạt hơn 1.800 tỷ. Chỉ một công ty khác có giá trị tự doanh trên 1.000 tỷ là Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS).



Quy luật 20/80: 20% số công ty chứng khoán chiếm 80% thị phần môi giới

Doanh thu môi giới: SSI, HSC và VCSC dẫn đầu

Mỗi công ty chứng khoán có một chính sách phí môi giới khác nhau nên tỷ lệ doanh thu môi giới trên doanh thu cũng có sự khác biệt nhất định. Nhiều công ty chứng khoán lớn áp dụng mức phí cao (~0,35%) với nhà đầu tư nhỏ lẻ (giá trị giao dịch thấp) trong khi một số công ty áp dụng đồng loạt mức phí tối thiểu 0,15% với mọi nhà đầu tư.

Trong số 19 công ty có thị phần trên 1%, Bản Việt - VCSC là công ty có tỷ lệ doanh thu/giá trị môi giới cao nhất, đạt 0,33% và thấp nhất trong số các công ty không có môi giới trái phiếu là FPTS, đúng bằng mức tối thiểu 0,15%.

Nhìn chung, tỷ lệ phí môi giới bình quân dao động quanh mức 0,2% với phần lớn các công ty. Như vậy, tổng doanh thu môi giới toàn thị trường trong nửa đầu năm 2014 ước khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn 800 tỷ thuộc về 10 công ty lớn nhất.

Chỉ có 3 công ty đạt doanh thu môi giới trên 100 tỷ đồng trong 6 tháng, gồm SSI (144 tỷ), HSC (133 tỷ) và VCSC (105 tỷ). Tất nhiên với những công ty chứng khoán có thị phần lớn thì doanh thu môi giới thường chỉ chiếm tỷ trọng không quá lớn bên cạnh những nguồn thu quan trọng như ký quỹ hay tự doanh.

Một số công ty chứng khoán có hoạt động môi giới trái phiếu, lên đến hàng chục nghìn tỷ như BSC, BVS, VCBS, HSC... 

Không giống như cổ phiếu, phí môi giới của trái phiếu thấp hơn rất nhiều. Đơn cử như với biểu phí do BSC đưa ra, với các giao dịch trái phiếu trị giá trên 10 tỷ đồng thì phí môi giới chỉ ở mức 0,02%, do vậy mà tỷ lệ doanh thu trên tổng giá trị môi giới của những công ty có giao dịch trái phiếu lớn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung.




Doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất


Lưu ý: Số liệu giá trị môi giới mà các công ty chứng khoán cung cấp có thể bao gồm cả các giao dịch cổ phiếu OTC (nếu có). Tuy vậy nhìn chung các giao dịch OTC nếu có trong thời gian hiện nay không nhiều nên số liệu thị phần như nếu ở trên – so với tổng giá trị giao dịch của 2 Sở - sẽ không sai lệch nhiều.

Kiến Khang

duchai

Tài chính Plus

Trở lên trên