MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ nội dung giao dịch T+2 khỏi dự thảo về giao dịch CK

Đại diện của UBCK xác nhận không có nội dung giao dịch T+2 trong dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch trên TTCK.

Bộ Tài chính vừa ban hành 2 thông tư liên quan đến chứng khoán, nhưng đều không phải là điều mà thị trường và NĐT thực sự mong đợi, vì đó chỉ là thông tư về thu phí trong hoạt động chứng khoán và hướng dẫn thi hành Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

Thông tư về giao dịch chứng khoán vẫn nằm trên bàn Bộ Tài chính, do bộ này vẫn còn đang cân nhắc, trong đó có việc không đề cập đến giao dịch chứng khoán T+2. Đại diện của UBCK xác nhận không có nội dung này trong dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch trên TTCK.

T + 2 không có tên trong dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch

Kể từ khi thông tin từ UBCK cho biết sẽ cho phép NĐT rút ngắn giao dịch chứng khoán xuống T+2 (bán chứng khoán ngày T+2 sau khi mua), đến nay đã hơn 1 năm.

Trong suốt năm 2010, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của hầu hết NĐT. Có lúc nó được trông đợi như một yếu tố hỗ trợ, nâng đỡ tâm lý NĐT trong giai đoạn thị trường khó khăn nếu được triển khai. Trong khi thời gian thanh toán chứng khoán vẫn là T+3, thì thời gian giao dịch rút xuống T+2 có thể giúp NĐT cắt lỗ hoặc chốt lời sớm hơn 1 ngày.

Trên thực tế, UBCK đã khá tích cực trong việc triển khai chủ trương trên. Cơ quan này đã tổ chức lấy ý kiến các CTCK, thực hiện các cuộc hội thảo, tọa đàm với thành viên thị trường, đặc biệt là tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính.

Về mặt kỹ thuật, UBCK cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) rà soát đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng quy mô ngày càng lớn của thị trường, cũng như triển khai nhiều nghiệp vụ mới, trong đó có T+2.

Đã có lúc T+2 đến rất gần khi nhiều CTCK và VSD đều cho biết, vấn đề kỹ thuật không phải là quá khó cho triển khai T+2. Ngày 25/3, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 43/2010/TT-BTC sửa đổi một số quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán trong Quyết định 87/2007/QĐ-BTC.

Theo đó, thay vì quản lý theo mô hình 2 cấp trước đây (tại CTCK và tại VSD), hoạt động lưu ký chứng khoán được thực hiện theo nguyên tắc: khách hàng lưu ký tại thành viên lưu ký và các đơn vị này sẽ tái lưu ký tại VSD.

Tổng số dư và số dư chi tiết trên các tài khoản chứng khoán của khách hàng mở tại thành viên lưu ký phải luôn khớp với số dư và số liệu sở hữu của khách hàng đó tại VSD. Đây là một điều kiện quan trọng để T+2 có thể triển khai.

Cùng với mở nhiều tài khoản, giao dịch cùng phiên, T+2 được xem như những biện pháp thúc đẩy thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, việc rút T+2 nêu trên ra khỏi dự thảo Thông tư giao dịch chứng khoán có thể hình dung câu chuyện này chưa có "ngày chốt".

T + 2 chờ... quỹ dự trữ chứng khoán?

Đại diện UBCK cho biết, vấn đề thời gian giao dịch chứng khoán đã được quy định trong Thông tư 43/2010/TT-BTC ban hành ngày 25/3/2010, nên cơ quan quản lý không đề cập trong dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch nữa.

Thông tư 43 quy định, UBCK hướng dẫn cụ thể về thời hạn thực hiện bán chứng khoán sau giao dịch, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận. Theo đó, UBCK có thể ban hành công văn hướng dẫn thực hiện giao dịch T+2 mà không phải đợi văn bản cấp thông tư của Bộ Tài chính ban hành (tất nhiên, công văn của UBCK vẫn phải có sự đồng ý của Bộ Tài chính).

Theo cơ quan quản lý, cho dù vấn đề T+2 không được đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch, nhưng vẫn có thể thực hiện do đã có quy định. Vấn đề nằm ở chỗ các nghiệp vụ đi kèm hỗ trợ cho nghiệp vụ T+2 được chuẩn bị ra sao.

Khó khăn lớn nhất cản trở T+2 là xây dựng quỹ dự trữ chứng khoán để bù đắp thiếu hụt chứng khoán. Hiện nay đang giao dịch T+3, nhưng thực tế vẫn có trường hợp CTCK bị thiếu chứng khoán khi đến hạn thanh toán. Khi xảy ra tình trạng này, CTCK thiếu hụt phải chạy đôn chạy đáo đi hỏi các CTCK thành viên khác, đơn vị nào có sẵn chứng khoán cùng loại thì vay để thanh toán.

Đôi khi CTCK không có chứng khoán phải giới thiệu đến NĐT. Nếu NĐT ở Hà Nội và TP. HCM thì việc vay chứng khoán dễ thực hiện, nhưng ở các địa phương khác thì thực hiện thủ tục vay chứng khoán rất khó khăn.

Một vấn đề nữa là ý thức tuân thủ pháp luật cũng như năng lực kỹ thuật của các CTCK còn thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan quản lý chậm cho phép triển khai nghiệp vụ trên.

Như vậy, T+2 bị "bóc" ra khỏi Thông tư giao dịch, bởi còn nhiều câu chuyện chưa được giải quyết. Đặc biệt, việc thành lập quỹ dự trữ chứng khoán như thế nào, khối lượng bao nhiêu, trách nhiệm các thành viên ra sao, những loại chứng khoán nào được dự trữ, nguồn để dự trữ từ đâu là những vẫn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

NĐT có thể tiếp tục phải chờ đợi trong thời gian dài, vì việc thành lập quỹ dự trữ chứng khoán hiện chưa có quy định pháp lý. Trên thực tế cũng chưa có đơn vị nào thực hiện dự trữ chứng khoán ngoài lượng chứng khoán nằm trên tài khoản tự doanh của CTCK và các quỹ đầu tư.

Theo Nguyên Thành

ĐTCK

thanhhuong

Trở lên trên