MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các câu nói nổi tiếng trên TTCK Việt Nam 2012

Đã có nhiều nhận định đúng, nhiều nhận định sai về TTCK năm 2012. Chúng tôi xin trích dẫn 14 câu nói nổi tiếng đánh giá đúng về TTCK 2012 để quý vị độc giả và nhà đầu tư nhìn lại một năm đã qua.

Thị trường chứng khoán 2012 khép lại với một "kết cục có hậu" khi trong riêng tháng 12 VN-Index tăng 9,5% và HNX-Index tăng gần 12%, "cứu thua" cho cả năm 2012 đầy biến động. Chốt năm 2012, VN-Index đạt 413,7 điểm, tăng 17%, HNX-Index đạt 57,09 điểm, giảm 2,8% so với năm 2011.

Đã có nhiều nhận định đúng, nhiều nhận định sai về TTCK năm 2012. Rất khó cho các chuyên gia để đánh giá TTCK cuối năm khi "cơn bão" bầu Kiên bất ngờ ập đến. Ở đây, chúng tôi xin trích dẫn 14 câu nói nổi tiếng đánh giá đúng về TTCK 2012 để quý vị độc giả và nhà đầu tư nhìn lại một năm đã qua.

Xin chúc các nhà đầu tư một năm mới 2013 thành công!

1. (29/12/2011) Chủ tịch SSI: Năm 2012, giá trị dòng tiền sẽ nhân 4 lần sức mạnh (link)

Dù trải qua một năm 2011 nhiều khó khăn, nhưng không phải tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đều cạn kiệt. Dòng tiền vẫn còn rất nhiều, tại những chủ thể có khả năng cân đối tài chính và không chịu áp lực vốn vay. Giá trị của tiền có thể thấy rõ khi với giá trị 1 tỷ đồng lúc này nếu đầu tư có thể sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 4-6 tỷ đồng chỉ cách đây 3 năm trước.

Tôi tin dòng tiền sẽ chảy vào chứng khoán, vì nếu chọn được doanh nghiệp tốt - những doanh nghiệp đứng vững ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất - thì việc đầu tư là an toàn và có khả năng sinh lợi là cao khi thị trường hồi phục.

2. (27/1/2012) Chủ tịch HoSE: “Năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn cho TTCK”

Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM trả lời phỏng vấn báo ĐTCK vào tháng 1/2012, năm 2012 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn cho TTCK vì chuyển biến kinh tế vĩ mô cần có thời gian sau khi thực hiện những chính sách để ổn định.

3. ( 28/1/2012) “Tôi rất đau xót khi thị giá cổ phiếu rớt thê thảm, thậm chí, có cổ phiếu chỉ bằng tiền mua hai cọng hành. Khi biết thông tin này, tôi cũng mất ngủ và lo lắng”, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng (link)


Năm 2012, TTCK sẽ có những yếu tố thuận lợi nhất định, đó là: Nghị quyết TW 3 đã yêu cầu cần phải tái cấu trúc 3 trụ cột của nền kinh tế gồm có đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, trung gian tài chính. Điều này sẽ góp phần quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh chung và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, và góp phần phát huy vai trò của TTCK.

Tuy nhiên, nếu sức cầu vẫn yếu, thị trường vẫn xuống, TTCK vẫn là đối tượng bị thắt chặt nguồn tiền thì sẽ khó khăn. Còn xử lý về mặt kỹ thuật, UBCK và Bộ Tài chính đã ban hành một số sản phẩm mới như ban hành quỹ mở, margin. Tuy nhiên, đấy chỉ là những giải pháp kỹ thuật, còn vấn đề căn cơ nhất chính là nền kinh tế.


4. (29/1/2012) Tổng thư kí VAFI Nguyễn Hoàng Hải: TTCK 2012: "Cứ tin ngày mai trời sẽ đẹp" (link)

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN Nguyễn Hoàng Hải thẳng thắn cho rằng năm 2011 là năm xấu nhất của thị trường chứng khoán VN, đa phần các nhà đầu tư chứng khoán đều thua lỗ, mức độ thua lỗ là rất lớn, tài sản của nhà đầu tư đã bị vơi đi từ 50% cho đến 100% ( mà vẫn còn nợ ).

"Trong thời buổi hiện nay, 1 đồng vốn có ý nghĩa bằng 2 đến 3 đồng so với lúc bình thường, nguồn tiền này sẽ được các nhà đầu tư thực hiện tái đầu tư giúp TTCK bớt ảm đạm".

5. (30/1/2012) Bộ trưởng Huệ: "Chứng khoán sẽ khởi sắc trong năm 2012"!. Sau đó thị trường tăng 40% (link)

Sáng 30/1/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Thìn tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Năm 2012, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đã có những dấu hiệu tích cực, nên TTCK trong năm 2012 sẽ “xanh” hơn năm 2011 và dần đi vào thế phát triển vững chắc hơn.

6. (17/2/2012) David Roes, CEO của Asean Investment Management: "TTCK Việt Nam có thể tăng 120% trong 2 năm tới" (link)

Trả lời phỏng vấn của hãng CNBC ngày 17/2, David Roes, CEO của Asean Investment Management nhận định, TTCK Việt Nam đang được định giá thấp hơn giá trị thị trường nhiều nhất ở Đông Nam Á. Năm ngoái, thị trường sụt giảm gần 30% do lạm phát và tiền đồng mất giá.

Ông cho rằng, thị trường đang hồi phục và sẽ tăng gấp đôi, thậm chí là hơn thế trong vòng 2 năm tới nhờ lạm phát hạ nhiệt và lãi suất tiền gửi giảm.

7. (28/5/2012) Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDS: Vĩ mô mới "chạy" 5km, TTCK đã "chạy" 50 km (link)

4 tháng trước thị trường tăng điểm mạnh nhờ kỳ vọng vào nền kinh tế vĩ mô sẽ sáng sủa hơn.

Bây giờ nhìn lại rất nhiều cổ phiếu đã tăng 40-50%, thậm chí có cổ phiếu tăng gấp 2-3 lần, có thể so sánh ví von là TTCK đã chạy được 50 km rồi, thị trường của kỳ vọng đã đi được quãng đường dài trong khi vĩ mô chỉ chạy được 5 – 10 km. So một cách tương đối thì vĩ mô “chạy” không đáng bao nhiêu so với chứng khoán.

Khi sự chênh lệch quá lớn thì bắt buộc một thứ phải điều chỉnh, hoặc vĩ mô tốt lên để phù hợp với TTCK hoặc TTCK giảm đi để điều chỉnh với thực trạng vĩ mô.

8. (6/4/2012) Mark Mobius: TTCK Việt Nam hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á (link)

Mark Mobius, một trong những nhà đầu tư thị trường mới nổi nổi tiếng nhất thế giới, nhận thấy cơ hội mua vào cổ phiếu giá rẻ tại các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Mobius, Chủ tịch tập đoàn đầu tư Templeton Emerging Markets Group, nơi quản lý tới 50 tỷ USD tài sản ủy thác trong các quỹ vào thị trường mới nổi, cho biết những thị trường sơ khai sẽ có lợi nhuận vượt trội so với các thị trường mới nổi khác.

Mobius đã lấy Việt Nam là một ví dụ điển hình cho mục tiêu đầu tư hấp dẫn tại khu vực. Theo số liệu từ Thomson Reuters, cổ phiếu Việt Nam đang giao dịch quanh mức 13 lần giá trị, trong khi con số này ở Malaysia là 12,5, Indonesia là 12,3 và Thái Lan là 11,3 lần.

Chứng khoán Việt Nam đã có một thời kỳ tăng trưởng ấn tượng khi chỉ số VNIndex trên sàn HoSE đã tăng 25,09% trong năm nay. Trong khi đó, chỉ số SET trên thị trường chứng khoán Thái Lan tăng 16,85%, là thị trường tăng trưởng mạnh thứ 2 ở Đông Nam Á sau Việt Nam.

Ông Mobius cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng hấp dẫn.

9. (16/4/2012): Ông Johan Kruimer, giám đốc điều hành CTCPCK Hồ Chí Minh (HSC): “Thời hoàng kim 2007 không bao giờ trở lại” (link)

Ông Johan Kruimer, giám đốc điều hành công ty chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá lạc quan về năm 2012, ông nhận xét: “Có nhiều thay đổi vào năm ngoái đang phát huy tác dụng. Quan trọng nhất phải kể đến sự thay đổi của chính sách tiền tệ.” Ông Kruimer chỉ ra: “Lần đầu tiên trong nhiều năm, tỷ giá tiền đồng đang ổn định.” Và theo ông, diễn biến mới có thể coi như bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Ông dự báo: “Nếu chính phủ Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế tốt trong 3 đến 5 năm tới, giá cổ phiếu sẽ hồi phục mạnh. Thế nhưng sẽ mất một khoảng thời gian dài giá cổ phiếu mới trở về mức của năm 2007. Cá nhân tôi tin rằng điều này sẽ không bao giờ trở lại.”

10. (28/6/2012) Phó tổng giám đốc HSC: "Chứng khoán chưa khởi sắc khi vĩ mô chưa ổn" (link)

Vòng quay tiền đang giảm, nếu các năm trước là hơn 2 lần thì năm ngoái và hiện tại chỉ khoảng 0,8- 0,9 lần, khiến cho dòng tiền không chảy mạnh được ra nền kinh tế. Gián tiếp, chứng khoán cũng bị ảnh hưởng. Nhưng tiền vẫn không biết chắc đã chuyển sang kênh nào cụ thể. Vì theo tôi, nhà đầu tư hiện nay có nhiều cách, cũng có vàng nhưng thế chấp vàng vay tiền để đầu tư, hay thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền bỏ vào bất động sản… điều này để thấy tiền có thể nhanh chóng hoán đổi kênh đầu tư và khó tách bạch rằng tiền đang ở đâu.

Nhà đầu tư chỉ quan tâm kênh nào tạo ra lợi nhuận, ví dụ như nếu chứng khoán có khả năng tăng thì nhà đấu tư vẫn có thể dùng sổ tiết kiệm để thế chấp, bỏ tiền vay vào đầu tư chứng khoán. Tiền không vào chứng khoán vì họ chưa tin tưởng vào khả năng đi lên của thị trường.

11. (18/7/2012) Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Cuối quý này, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc! (link)

Trả lời phỏng vấn Hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg tại buổi Lễ tôn vinh 50 doanh nghiệp đạt giải Báo cáo thường niên tốt nhất vừa qua tại TP.HCM (tháng 7/2012), Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thể khởi sắc từ cuổi quý này (quý 3/2012) cùng với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và của các doanh nghiệp.

“Đến thời điểm đó (cuối quý III, đầu quý IV), tình hình hoạt động của các công ty sẽ được cải thiện nhờ được tạo đà bởi những hồi phục của nền kinh tế vĩ mô trong nước”, Bộ trưởng nhận định.

12. (17/7/2012) TS. Lê Xuân Nghĩa: “Cuối quý III, TTCK sẽ lên điểm” (Link)

Theo ông Nghĩa, TTCK “nhiều khả năng” khởi sắc trở lại bắt đầu từ cuối quý III/2012, bởi sẽ nhận được ít nhất 3 yếu tố hỗ trợ cơ bản: giá cổ phiếu hấp dẫn hơn, vĩ mô thuận lợi hơn nhờ DN đang tiếp cận với lãi suất thấp, kinh tế Mỹ, Nhật Bản và EU đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

(10/9/2012) TS Lê Xuân Nghĩa: “Từ nay đến cuối năm, TTCK chưa thể phục hồi” (link)

Phân tích các yếu tố vĩ mô và nguồn vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, dự kiến từ nay đến cuối năm nay, nhiều khả năng TTCK chưa thể phục hồi.

13. (22/9/2012) Ông Trần Xuân Giá: "Tôi rất buồn vì tin đồn bị khởi tố" (link)

Ông Trần Xuân Giá nói: “Tôi buồn vì tin đồn xảy ra ngay sau khi tôi từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Vì tin đồn mà suốt từ sáng đến giờ, mình nhận tới hơn 100 cú điện thoại từ bạn bè, người thân. Thực ra, người đưa thông tin lên báo cũng đã gọi điện và nhắn tin xin lỗi mình và mình có nói là có thể do lỗi nghiệp vụ nên không oán trách gì”.

14. (10/12/2012) CEO SSI Nguyễn Duy Hưng: ''Hiện thị trường không phải thiếu tiền'' (link)

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng nhìn nhận 2012 là năm khó khăn nhất trong 12 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Điều tôi có thể làm được lúc này là cùng nhau trao đổi với nhà đầu tư, cùng nhau nhìn nhận thị trường và chia sẻ thông tin, để làm sao chúng ta có thể giảm thiểu sự mất mát, giữ được tiền và không bỏ qua cơ hội kiếm lời trong dài hạn.

Đã đến lúc các nhân tố thị trường ngồi lại, định vị lại, ai phải ra đi thì cho đi. Hiện thị trường không phải thiếu tiền, mà cái thiếu nhất là niềm tin. Bản thân ngành chứng khoán cũng không quyết định được mà nó phải là cả nền kinh tế.

Theo tôi bây giờ là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn. Thị giá cổ phiếu hiện ở mức thấp tạo cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu có cơ bản tốt, như vậy lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều gửi tiết kiệm”, ông Hưng trả lời báo VNEconomy.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên