MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt huy động vốn giá cao

Không phải lúc nào, việc huy động vốn cũng suôn sẻ và thành công 100%.

Ngày 16/8/2015, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền công bố kết quả chào bán 54,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Kết quả không lấy gì làm khả quan, chỉ có 1.865 cổ phần được cổ đông hiện hữu đăng ký mua. An Dương Thảo Điền còn gần như nguyên vẹn số lượng cổ phiếu được chào bán.

Như nhiều lần chào bán trước đây, An Dương Thảo Điền tiếp tục chào bán số lượng cổ phiếu còn lại cho các cá nhân/tổ chức khác. Giá chào bán giữ nguyên 10.000 đồng/cổ phiếu – cao hơn gần 4.000 đồng so với thị giá cổ phiếu HAR tại cùng thời điểm.

Ngay cả khi chào bán theo phương án “dự phòng” thì số lượng cổ phiếu của HAR vẫn “ế” tới 14,6 triệu đơn vị - và công ty quyết định sẽ hủy bỏ số lượng cổ phiếu nói trên.

Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, rồi đến các đối tác chiến lược – mà vẫn không thành công.

Việc phát hành thêm có vẻ không còn dễ dàng như trước đây.

Hơn một năm trước, một loạt doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhưng việc phát hành không thực sự hấp dẫn bởi mức giá quá cao (So với thị giá) – cuối cùng vẫn thành công nhờ các cá nhân, tổ chức rót tiền vào mua toàn bộ.

Những thương vụ phát hành như vậy, về bản chất, vẫn được coi là “mượn danh” cổ đông hiện hữu để phát hành riêng lẻ.

Một số cái tên có thể được kể đến như Đức Long Gia Lai (DLG), An Dương Thảo Điền (HAR), Khoáng sản Tây Bắc (KTB), Địa ốc Hoàng Quân (HQC)…

Quan sát thị trường trong nửa năm trở lại đây, rõ ràng đây là giai đoạn trầm lắng, với sự sụt giảm của VnIndex, èo uột về khối lượng giao dịch… Phát hành trong thời gian này không phải là lựa chọn tối ưu.

Đúng hơn là không may mắn.

Với An Dương Thảo Điền, kế hoạch phát hành thêm đã được công ty này lên kế hoạch từ cuối năm 2014, khi cổ phiếu HAR vẫn giao dịch xung quanh mức giá 10.000 đồng. Đến nay, thị trường lao dốc, cổ phiếu HAR không ngoại lệ, hiện đang giao dịch xung quanh mức giá 6.000 đồng.

Biến động giá HAR 1 năm gần nhất

Tương tự, một công ty Bất động sản khác là Địa ốc Hoàng Quân (HQC) gần đây phát hành 63 triệu cổ phiếu nhưng chỉ có hơn 1 triệu cổ phiếu được mua vào, phần lớn bởi ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Khác với An Dương Thảo Điền, quyết định phát hành thêm với giá bằng mệnh giá của HQC được đưa ra khi thị giá cổ phiếu công ty này chỉ ở mức 6.000 đồng. Và cuối cùng Địa ốc Hoàng Quân cũng thành công với việc chào bán toàn bộ số cổ phần còn lại cho 11 cá nhân và tổ chức.

Kịch bản của Hoàng Quân thực ra không có gì mới so với những diễn biến cách đây hơn 1 năm.

Với Địa ốc Phát Đạt, việc phát hành thêm có vẻ “kịch tính” hơn khi công ty này vừa trải qua nhiều ầm ĩ về các khoản nợ phải trả lên đến hàng nghìn tỷ.

Tỷ lệ phát hành của PDR đạt khá hơn An Dương Thảo Điền và Địa ốc Hoàng Quân khi 48,5 triệu trên 65,1 triệu cổ phiếu được cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua. Điều này cũng dễ hiểu khi thị giá cổ phiếu PDR đang ở trên mức 16.000 đồng – cao hơn nhiều so với mức giá phát hành (10.000 đồng/cổ phiếu).

Gia đình ông chủ PDR (ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty) đã bỏ ra trên 144 tỷ đồng để mua nốt số lượng cổ phiếu còn lại.

Với việc phát hành nói trên, Địa ốc Phát Đạt trước mắt có 651 tỷ đồng để giải quyết một phần các khoản nợ vay cho ngân hàng Đông Á.

Cùng với tín hiệu đổ vào lĩnh vực bất động sản của các quỹ, việc phát hành thêm giá cao của các doanh nghiệp bất động sản phần nào báo hiệu một giai đoạn tăng trưởng sắp tới của lĩnh vực kinh doanh đầy biến động này.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên