MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các thương vụ M&A đình đám trong Q1

Các thương vụ lớn đầu năm nay mới dừng ở mức 15-25% cổ phần, bên mua chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động M&A trong Q1 năm nay tiếp tục diễn ra sôi động. Tuy nhiên, đa phần các thương vụ lớn chỉ là các doanh nghiệp phát hành cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Chỉ có hai thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) đúng nghĩa là Hanel mua lại cổ phần của Khách sạn Daewoo Hà Nội và CT Group mua lại Công ty Phát triển GS Củ Chi - đây đều là 2 thương vụ liên quan đến bất động sản. Các thương vụ còn lại bên mua thường chỉ mua 15-25% cổ phần, chưa thấy có động thái "thâu tóm".
 
Mới đây, Thomson Reuters có đưa ra con số giá trị hoạt động M&A tại Việt Nam trong Q1 đạt 1,5 tỷ USD. Con số này có lẽ tính tới giá trị của thương vụ Vinpearl sáp nhập vào Vincom. Mặc dù việc hoán đổi cổ phiếu được hoàn tất vào năm 2012 nhưng theo chúng tôi thì thương vụ này tính vào năm 2011 hợp lý hơn.

Vietcombank-Mizuho: Thương vụ phát hành cổ phần lớn nhất từ trước đến nay

Đầu tháng 1, Vietcombank (VCB) đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 347,6 triệu cổ phiếu, tương đương 15% cổ phần cho ngân hàng Nhật Bản Mizuho Corporate Bank.

Giá phát hành là 34.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị là 11,8 nghìn tỷ đồng (567,3 triệu USD) – đánh dấu thương vụ phát hành cổ phần có giá trị lớn nhất từ trước đến nay mà một doanh nghiệp trong nước đã thực hiện. Đợt phát hành này cũng chiếm phần lớn dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam từ đầu năm tới nay.

Không những chấp nhận mua với mức giá cao hơn thị giá, Mizuho còn chấp nhận điều kiện không chuyển nhượng cổ phiếu trong vòng 5 năm.

Một ngân hàng Nhật khác là Sumitomo Mitsui Banking Corporation hiện nắm 15% cổ phần của Eximbank.

Tiếp nối trào lưu doanh nghiệp Nhật mua cổ phiếu Việt

Trong suốt năm 2011, các doanh nghiệp Nhật Bản đã có hàng loạt thương vụ mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là Unicharm mua lại Diana, Kirin Holdings mua lại Interfoods, Daio Paper mua cổ phần Giấy Sài Gòn, SBI Securities mua cổ phần FPTS…

Chỉ ngay trong Q1 năm nay, xu hướng này vẫn tiếp diễn mạnh mẽ.

Ngoài thương vụ Mizuho-Vietcombank, còn nhiều thương vụ khác như Ezaki Glico mua 10,5% cổ phần Kinh Đô (KDC), Quỹ DI Aisan Industrial Fund mua 31% cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), Nichirei Foods mua 19% cổ phần của Cholimex Food.

CyberAgent cũng thực hiện đầu tư vào một số công ty công nghệ tại Việt Nam.

Hai thương vụ “âm thầm” trong ngành ống nhựa

Giữa tháng Ba, Công ty nhựa Thái Lan Nawaplastic Industry (Saraburi) Co  bất ngờ thông báo trở thành cổ đông lớn nắm 16,72% vốn của Nhựa Bình Minh (BMP) và 22,67% vốn của Nhựa Tiền Phong (NTP) – hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa xây dựng.

Đây là động thái nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam của Thai Plastic and Chemical (TPC), công ty mẹ của Nawaplastic Industry (Saraburi). TPC hiện chiếm tới 50% thị phần ống nhựa PVC tại Thái Lan.

Trả lời trên Bangkok Post, lãnh đạo của TPC cho biết công ty này có kế hoạch nâng ty lệ sở hữu lên 49% tại cả NTP và BMP. Trước mắt, nếu muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 25%, TPC sẽ phải tiến hành chào mua công khai hoặc xin ý kiến đại hội cổ đông của 2 công ty.

Một cá nhân mua gần 15% cổ phần của Sudico

Ngày 7/3, ông Đỗ Văn Bình – Chủ tịch của CTCP Đại Dương (Tập đoàn đầu tư tài chính và xây dựng Đại Dương), có trụ sở đặt tại Bắc Ninh - đã mua vào 15,42 triệu SJS, nâng tổng lượng nắm giữ lên 15,79 cổ phiếu, tương đương 15,79% cổ phần của CTCP Đầu tư và phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico).

Từ đầu năm nay tới nay, thị giá cổ phiếu SJS đã tăng gần gấp đôi, từ 15.000 lên 30.000 đồng. Tính theo thị giá hiện tại thì lượng cổ phiếu mà ông Bình nắm giữ có trị giá hơn 500 tỷ đồng, đưa ông đứng vào trong top 30 người giàu nhất trên TTCK.

Lượng cổ phiếu trên nhiều khả năng được mua lại từ các quỹ thuộc Dragon Capital.

Hanel mua lại toàn bộ Khách sạn Daewoo

Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) thông báo đã mua lại và nắm giữ 100% cổ phần của Khách sạn Daewoo Hà Nội. Chi tiết của thương vụ này không được công bố.
 
 
CT Group mua lại 95% cổ phần của Công ty Phát triển GS Củ Chi
 
Tập đoàn C.T Group công bố đã mua lại 95% cổ phần (trị giá 24 triệu đôla) của Công ty TNHH Phát triển GS Củ Chi thuộc Tập đoàn GS Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc).
 
Theo đó, C.T Group là chủ đầu tư mới của dự án sân Golf Củ Chi, thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, dự án có tổng diện tích khoảng 200 ha.
 
Coteccons-Kusto Group

CTCP Xây dựng Cotec – Coteccons (mã: CTD) sẽ phát hành 10,43 triệu cổ phiếu, tương đương 24,7% vốn điều lệ sau phát hành cho đối tác chiến lược Kusto Group.

Giá chào bán là 50.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị hơn 525 tỷ đồng (25 triệu USD). Mức giá này cao hơn hẳn so với thị giá hiện tại của CTD (~37-38.000 đồng).
 
KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên