MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây tràm sẽ là “Át chủ bài” trong cơ hội từ TPP của Trường Thành (Kỳ 3)

Nguồn nguyên liệu chủ yếu Trường Thành sử dụng là cây tràm thì từ năm sau mình đã có nguồn nguyên liệu của mình. Dòng nguyên liệu này giúp công ty đón đầu việc gia nhập TPP.

Buổi nói chuyện với ông chủ Trường Thành (TTF) diễn biến với nhiều thông tin về nhận định của ông Võ Trường Thành đối với thị trường gỗ và chiến lược của công ty trước cơ hội có thể sắp mở ra.

Với phương án tái cấu trúc nợ như ông đã nói, ông có cho rằng tương lai của TTF sẽ sáng sủa? KQKD quý 3 ra sao?

Tất cả các phương án tái cấu trúc đều đã tính đến rủi ro. Tuy nhiên, dự kiến không có gì tốt hết trong quý 3. Và thậm chí quý 4 chỉ tốt hơn một chút thôi chứ không tốt nhiều.

Giai đoạn tái cơ cấu nào cũng vậy, các thành viên HĐQT đều nhìn thấy bức tranh công ty rõ hơn và mọi người không mong đợi lợi nhuận cao trong năm 2013 này mà hy vọng từ năm 2014 sẽ có những bước hoạt động khởi sắc hơn. Khi thanh khoản, ngân lưu tốt hơn thì mình có thể ký các đơn hàng lớn được. Đợt vừa rồi, do thiếu ngân lưu nên TTF không dám ký đơn hàng lớn nhiều.

Hơn nữa, TTF cũng khai thác rừng ở tháng 12 này và kết quả sẽ bắt đầu được ghi nhận vào BCTC quý 1, 2 năm 2014.

Trường Thành có lợi thế là được OJI cung cấp phần lớn nguồn nguyên liệu từ rừng trồng mà TTF đã chuyển quyền phát triển rừng. TTF mua nguyên liệu của OJI có được mua rẻ hơn không? Rừng của công ty có thay thế được hoàn toàn nguồn nguyên liệu của OJI không?

Rẻ hơn chút xíu, không đáng kể. Chỉ được ưu tiên thôi. Và, nếu OJI bán được cho ai với giá rẻ hơn bán cho mình thì phải báo trước cho mình và mình không mua với giá đó thì họ mới được bán.

Rừng của công ty hoàn toàn thay thế được. Lâu nay TTF dùng nguyên liệu của OJI là vì chưa đến kỳ thu hoạch. Còn giờ sắp thu hoạch rồi thì mua lượng của OJI nhỏ dần. Trường Thành với họ là bạn hàng chí cốt thì vẫn mua nhưng mua nhỏ dần. Sau đó sẽ không mua nữa.

Nguồn nguyên liệu chủ yếu Trường Thành sử dụng là cây Tràm thì từ năm sau mình đã có nguồn nguyên liệu của mình. Dòng nguyên liệu này đón đầu việc gia nhập TPP.

Khi Việt Nam gia nhập TPP thì mình được miễn thuế xuất khẩu bằng 0% trong phạm vi 12 Quốc gia chiếm 42% GDP toàn cầu. Và, những quốc gia này cũng là thị trường của Trường Thành như Mỹ, Nhật Bản…

Việc gia nhập TPP có một số rủi ro cho một vài loại hình doanh nghiệp. Việt Nam tham gia TPP thì thuế xuất khẩu bằng 0%, được hưởng ưu đãi thuế quan, xuất khẩu và các ưu đãi khác…Nhưng nếu nguyên liệu trước đến nay doanh nghiệp nhập khẩu mà không phải từ nước TPP thì câu chuyện lại khác. Một số doanh nghiệp trước đây họ mua nguyên liệu từ Châu Âu, Trung Quốc chẳng hạn thì giờ sẽ phải đổi sang mua từ Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ… mới được nhận những ưu đãi từ TPP. Đối với các doanh nghiệp này, trước đây, có thể họ mua được nguyên liệu với giá thấp nhưng bây giờ gặp rủi ro phải mua giá cao ở các thị trường thuộc nhóm TPP.

Còn với Trường Thành, bây giờ mình lấy rừng của mình nên chứng nhận xuất xứ của mình thì sẽ không còn gì để lo ngại, mình đang là mạnh nhất.

Thế, bao giờ Trường Thành có thể thay thế hoàn toàn nguồn nguyên liệu?

Cây Tràm là cây mình trồng chủ lực nhất thì trong năm 2014 là có thể thay hoàn toàn rồi nhưng với một số nguyên liệu khác như cây sồi mình không trồng thì vẫn phải nhập khẩu. Như vậy, Trường Thành sẽ nhập khoảng 60% các nguyên liệu khác còn dùng 100% nguyên liệu Tràm từ rừng trồng của công ty.

Một số bài báo gần đây cho rằng TPP không có lợi cho ngành gỗ bởi thuế XK qua Mỹ là 0%. Lúc nãy ông nói thuế sẽ giảm xuống thì có nghĩa thế nào?

Ai đó nói thuế xuất khẩu 0% là không chính xác. Phần lớn thuế xuất của mình theo mặt hàng và dao động quanh 3%. Mặt hàng gỗ của mình cũng có nguy cơ bị đánh thuế chống phá giá. Khi Việt Nam gia nhập TPP thì điều này không xảy ra.

Ông nhận định triển vọng ngành gỗ sắp tới ra sao?

Triển vọng ngành gỗ rất tốt. Chỉ số mua nhà, chỉ số quản trị mua hàng rất tốt ở thế giới còn ở Việt Nam vẫn chưa tốt. Tuy nhiên, dần dần rồi tăng trưởng, đời sống, thu nhập của người dân sẽ trở lại và thị trường nội cũng sẽ tốt hơn thôi.

Tuy nhiên, xuất khẩu đang tốt và không có lý do gì mình từ chối xuất khẩu hết. Hiện nay, tài chính yếu, dòng tiền yếu nên nhận đơn hàng không được nhiều bởi mình nhận đơn hàng mà không có tiền thì làm không được. Tình trạng của Trường Thành nói riêng và nói chung các doanh nghiệp Việt đa phần đều vướng như vậy. Đơn hàng rơi vào tay doanh nghiệp FDI cả.

Mục tiêu 5,5 tỷ đô kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam năm 2013 có đạt được không, thưa ông?

Có thể gần đạt được thôi. Nhưng, vấn đề là đất nước này được lợi ích gì. Như vừa qua câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam cũng là do Samsung nhờ được ưu đãi thuế nên kim ngạch mới gia tăng đáng kể. Nhưng, xuất khẩu như vậy, đối với Chính phủ chỉ mới giải quyết được công ăn việc làm trong vùng Samsung tọa lạc còn có thu thuế được đâu.

Đối với 5,5 tỷ USD của ngành gỗ, sự gia nhập của các doanh nghiệp FDI là con số đáng kể. Khoảng 60%. DN Việt Nam thường phải nộp thuế nhiều hơn, còn DN FDI  còn nhiều vấn đề về chuyển giá. Vì vậy, doanh nghiệp Việt đương yếu hơn nên không dành được hơn 50%-60% thị phần xuất khẩu như trước đây nữa. Như vậy, nguồn thu của Chính Phủ từ con số 5,5 tỷ USD không còn nhiều.

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên