MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số níu lợi nhuận

Sau thời gian tăng trưởng mạnh, lợi nhuận của các CTCK đã bắt đầu sựt giảm đáng kể trong quý III. Việc 2 chỉ số CK sụt giảm chính là nguyên nhân kéo tụt lợi nhuận của các CTCK.

Tính đến giữa tháng 10, đã có một số công ty công bố kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng năm 2015 với kết quả kinh doanh kém hiệu quả so với cùng kỳ. Thậm chí, nhiều CTCK có thị phần môi giới lớn cũng rơi vào tình trạng sụt giảm. Thống kê khoảng 20 CTCK lớn cho thấy tổng doanh thu quý III của các công ty này đạt hơn 1.829 tỷ đồng (giảm 13%).

Đáng chú ý, tổng lợi nhuận sau thuế quý III giảm 42% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2015, tổng doanh thu của các CTCK này đạt 5.368 tỷ đồng (giảm 8,8%); lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.786 tỷ đồng (giảm 23,6%).

Gây thất vọng lớn nhất là trường hợp CTCK TPHCM (HCM). BCTC quý III của CTCK này cho thấy lợi nhuận sau thuế quý III giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 45,32 tỷ đồng). Đáng chú ý doanh thu từ mảng tự doanh trong quý này sụt giảm hơn 80% so với quý III-2014, chỉ đạt 9 tỷ đồng trong tổng số 24,9 tỷ đồng doanh thu cho cả 9 tháng đầu năm.

Doanh thu từ dịch vụ môi giới, chiếm 45% trong cơ cấu doanh thu của công ty, cũng giảm 13,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2015, doanh thu của HCM đạt hơn 420 tỷ đồng (giảm 34,4%), lợi nhuận sau thuế giảm 55% và chỉ đạt gần 144 tỷ đồng. Với kết quả này, HCM mới hoàn thành 44,4% kế hoạch ĐHCĐ đã thông qua hồi đầu năm và 54% kế hoạch dự kiến của HĐQT.

Mảng dịch vụ môi giới của CTCK VNDirect (VND) cũng có kết quả kém khả quan, như HCM với mức giảm 15% trong quý III và giảm 23% cho giai đoạn 9 tháng năm 2014. Tuy nhiên, không giống với hầu hết CTCK khác trên thị trường, dịch vụ môi giới CK là hoạt động kinh doanh duy nhất ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm.

Trong khi đó, các dịch vụ khác bao gồm tự doanh, tư vấn, lưu ký và các hoạt động khác (lãi tiền gửi từ ngân hàng, cho vay ký quý) lại khá khả quan khi tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Những yếu tố trên khiến tổng thu nhập quý III đạt 155,56 tỷ đồng (tăng 36%) và lợi nhuận sau thuế đạt 46,19 tỷ đồng (tăng 6%). CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) ghi nhận mức giảm hơn 70% trong hoạt động tự doanh vào quý III này. Đây là mảng đóng góp tỷ trọng lớn thứ 2 vào cơ cấu doanh thu của BSI.

Tuy nhiên, trong quý III, mảng tự doanh sụt giảm mạnh do thị trường không ổn định. Dịch vụ tư vấn cũng trải qua một thời kỳ khó khăn với tốc độ giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Dịch vụ lưu ký mang lại lợi nhuận không đáng kể (chỉ khoảng 2,5 tỷ đồng) khi tăng 8,4% từ mức doanh thu 2,3 tỷ đồng trong quý III năm ngoái. Tính đến hết tháng 9, nhờ có tốc độ tăng trưởng đáng kể, tăng hơn 150% so với cùng kỳ từ thu nhập khác, thu nhập sau thuế của BSI tăng 65% (đạt 90,35 tỷ đồng), dù hầu hết mảng doanh thu chính đều tăng trưởng âm.

Trong khi đó, các CTCK được ghi nhận có lợi nhuận âm, công bố lỗ quý III gồm có CTCK Kim Long (KLS), CTCK Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (AGR) và CTCK Dầu khí (PSI). 3 CTCK này ghi nhận mức thua lỗ lần lượt 45,39 tỷ đồng, 26,4 tỷ đồng và 5,4 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc kết quả kinh doanh sụt giảm hoặc thua lỗ so với cùng kỳ được nhiều CTCK đưa ra do giao dịch trên thị trường trong quý III diễn ra ảm đạm, thanh khoản thị trường ở mức thấp làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của cả ngành. Trên thực tế, kết quả kinh doanh có phần kém khởi sắc của các CTCK không quá ngạc nhiên đối với giới đầu tư khi diễn biến TTCK trong tháng 8 và 9 kém sôi động.

Đặc biệt, chỉ số VN Index và HNX Index giảm tương ứng 5,4% và 8,2% so với quý II. Tăng trưởng doanh thu âm hay khiêm tốn chủ yếu do tăng trưởng âm ghi nhận từ dịch vụ môi giới, tự doanh và thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng trong khi tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc không kiểm soát được chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III của các CTCK không hoàn toàn là gam màu xám. Thực tế vẫn có một số CTCK ghi nhận kết quả hết sức khả quan. Đơn cử như CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) hay CTCK Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS). Thống kê cho thấy 3 CTCK này ghi nhận được mức tăng trưởng có phần vượt trội so với các CTCK còn lại. Cụ thể, doanh thu VPBS tăng 34% trong quý III-2015, trong đó chủ yếu do tăng trưởng từ thu nhập đầu tư góp vốn (tăng 179%), dịch vụ tư vấn tài chính và thu nhập khác.

Tương tự, doanh thu trong quý III của VCBS tăng gấp 3 và lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần so với cùng kỳ. Đạt kết quả khả quan như vậy do thu nhập từ hoạt động đầu tư góp vốn tăng gấp hơn 3 lần và thu nhập từ dịch vụ môi giới tăng gấp 3 lần trong quý III so với cùng kỳ. Trong khi đó, CTS ghi nhận mức giảm nhẹ đối với doanh thu tự doanh và môi giới.

Trong 9 tháng, CTS đã hoàn thành 64 thương vụ tư vấn cho các khách hàng uy tín như Vincom Retail, Minh Phú, Novaland và Triển lãm Giảng Võ, đóng góp 45% vào tổng doanh thu của công ty. Bên cạnh đó, doanh thu từ các dịch vụ bảo lãnh phát hành cũng tăng 58% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của CTS có phần khiêm tốn do chi phí hoạt động tăng vọt 187%. Mặc dù vậy, CTS cũng kịp hoàn thành được 76,3% mục tiêu cả năm 2015.

Theo Kim Giang

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên