MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch An Phát: “Nếu được quyết định lại, sẽ không niêm yết”

Lý do cổ đông lớn không nằm trong hội đồng quản trị và bán sạch cổ phiếu khi công ty lên sàn được ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nhựa An Phát tiết lộ.

“Trước khi niêm yết thì anh em chỉ biết cắm mặt vào làm, có biết đâu là thông tin, dư luận thời buổi này lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp đến thế”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát, ông Phạm Ánh Dương nói với báo chí.

Thời gian qua, có lúc cổ phiếu AAA của An Phát bỗng chốc tăng gấp hai lần rồi đột ngột giảm một nửa, dẫn đến những phỏng đoán về việc một số nhà đầu tư lợi dụng đòn bẩy tài chính margin để đẩy giá rồi bỏ tài khoản, khiến các công ty chứng khoán “ôm bom” cổ phiếu này.

Nhưng đằng sau những vấn đề tranh cãi này, về phía doanh nghiệp sở hữu mã chứng khoán AAA, hàng loạt các rắc rối đang rình rập, đáng kể đến là sự e ngại của bạn hàng đối tác trước tin đồn lãnh đạo doanh nghiệp đang bán công ty. Khả năng mất hợp đồng và kéo sụt lợi nhuận, thậm chí có thể đổ bể kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài… là những vấn đề An Phát phải đối mặt.

Trước sự việc này, ông Phạm Ánh Dương đã chủ động có cuộc gặp gỡ giới báo chí.

Tôi biết rất rõ về họ

Xin ông thông tin cụ thể về hai cổ đông lớn có liên quan đến đợt bán cổ phần AAA lớn vừa qua là Công ty Tam Sơn và Công ty Đầu tư FC, cũng như quan hệ giữa 2 nhà đầu tư này với các lãnh đạo chủ chốt của An Phát?

Tam Sơn và FC là các công ty đầu tư, và việc họ đầu tư tài chính vào An Phát bắt đầu từ tháng 3/2010.

Tất cả quan hệ giữa Tam Sơn, FC và An Phát chỉ là quan hệ với nhà đầu tư, không có quan hệ nào liên quan đến Hội đồng Quản trị cả. Bản thân thành viên Hội đồng Quản trị chúng tôi không ai có cổ phần tại hai công ty này.

Ông có biết giá bán cổ phần AAA của các công ty này vừa qua là bao nhiêu?

Hiện nay tôi cũng không được biết thời điểm họ bán cổ phiếu là thời điểm nào và giá bán cổ phiếu là giá nào. Thực sự tôi không được biết về về việc đó. Do vậy, việc bình luận về giá bán cổ phiếu AAA của họ, tôi nghĩ là không thuộc thẩm quyền của tôi có thể bình luận được.

Công ty Tam Sơn vừa bán đến 3 triệu cổ phiếu AAA, tức là nhiều hơn số cổ phiếu mà lãnh đạo chủ chốt An Phát các ông đang nắm giữ, nhưng ông nói chỉ có quan hệ như với nhà đầu tư bình thường thì có bất hợp lý không?

Tôi rất biết họ. Nhưng, họ chỉ là công ty đầu tư thôi. An Phát có rất nhiều công ty đầu tư vào, ví dụ như DWS của Deuchbank, Công ty Tài chính Thăng Long, Công ty Tam Sơn, Công ty Đầu tư FC hay quỹ VIP LLC của Nhật, Công ty Tài chính Dầu khí, IDJ…

Đã có rất nhiều tổ chức đã từng đầu tư vào An Phát, và theo tôi được biết, thì tất cả các tổ chức này đầu tư vào An Phát chỉ là đầu tư tài chính thôi. Còn họ đã đầu tư tài chính thì khi thị trường tốt, giá tốt thì họ sẽ hiện thực hóa lợi nhuận cho khoản đầu tư của họ.

Việc ra niêm yết mà chọn rất nhiều nhà đầu tư tổ chức như thế này, thường thì cổ phiếu rất dễ gánh lấy rủi ro khi thị trường xáo trộn mà tình hình cụ thể vừa qua là ví dụ. Các ông có lường trước được vấn đề này không?

Thực ra, khi niêm yết và chọn nhà đầu tư, chúng tôi chỉ chọn một số. Nhưng quá trình vừa qua thì họ mua bán lẫn nhau, cái đó chúng tôi không thể quyết định được nữa.

Cổ đông An Phát đến nay có thể đã lên đến vài nghìn người rồi, không thể quản lý được, trong đó cũng có thể có những nhà đầu cơ, họ có mục đích của họ.

Sự việc ngày hôm nay, tôi không thể lường ra được, không thể tính được trước.

Công ty không kiểm soát cổ đông bán cổ phiếu

Theo ông, nguyên nhân vì sao mà đồng loạt nhiều nhà đầu tư lớn bán tất tay cổ phiếu họ có tại An Phát?

Ở đây cũng không phải tất cả các nhà đầu tư lớn đều bán, cũng có những nhà đầu tư lớn như chị Tiện đã không bán. Chị Nguyễn Thị Tiện là một cổ đông lớn của Công ty, đã từng làm tại Công ty và hiểu rất rõ về Công ty. Hiện số cổ phiếu AAA mà chị ấy nắm giữ là khoảng 700 nghìn.

Ngoài ra, việc bán cổ phiếu vừa rồi, theo tôi nghĩ, có thể là thị trường lúc đó cổ phiếu có giá cao so với kỳ vọng của họ và với nhà đầu tư tài chính thì chắc chắn họ sẽ hiện thực hóa lợi nhuận thôi, chứ họ không phải là nhà đầu tư chiến lược lâu dài của Công ty, không thể nói chuyện dừng không bán được. Công ty không thể kiểm soát được việc này.

Xin lưu ý ông là tại thời gian các nhà đầu tư lớn của An Phát đăng ký bán cổ phiếu thì giá cổ phiếu AAA chưa có nhiều đột biến. Hoàn toàn có thể họ không có lợi nhiều như vậy khi bán, nhưng vì sao họ lại vẫn bán?

Việc này, chúng tôi không thể biết được tại sao thời điểm đó họ lại đăng ký bán.

Trong khoảng thời gian gây tranh cãi về giá cổ phiếu AAA, An Phát có rất nhiều thông tin tốt đưa ra. Ví dụ như Hội đồng Quản trị công bố lợi nhuận sau thuế quý 3 dự kiến đạt 49 tỷ đồng, khởi động trung tâm thương mại tại Yên Bái… Có gì đó khó hiểu khi một loạt nhà đầu tư lớn không quan tâm đến thông tin này mà vẫn cố bán hết cố phiếu AAA họ nắm giữ?

Thứ nhất, việc công bố thông tin là trách nhiệm của Công ty. Chúng tôi công bố thông tin chính thống và chúng tôi chịu trách nhiệm về việc đó.

Kết quả kinh doanh 9 tháng thì hiện chúng tôi chưa có con số chính thức, nhưng lợi nhuận sau thuế vào khoảng 70 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, lợi nhuận của chúng tôi có khả năng đạt được 110 tỷ đồng.

Thế còn việc công bố thông tin xong mà nhà đầu tư vẫn bán cổ phiếu thì chúng tôi không quyết định được. Chúng tôi không thể biết được khi nào họ bán và khi nào họ mua. Đó là việc của thị trường.

Ví dụ chị Tiện, vì sao lên giá cao mà chị ấy không bán. Không thể trả lời được. Có thể chị ấy kỳ vọng giá cao hơn và lúc ấy mới bán chẳng hạn. Thế thì lúc đó sao không đặt vấn đề là tại sao chị ấy không bán? Có thể chị ấy tin vào tương lai Công ty phát triển tốt và chị ấy đã thay đổi quyết định.

Có thể nếu chị Tiện cũng bán nốt thì câu chuyện trở thành tất cả các cổ đông lớn đều bán. Nhưng thực tế đến nay có phải tất cả các cổ đông lớn đều bán? Điều ấy, theo tôi, chúng ta cũng cần phải có cách nhìn khách quan hơn.

Cũng trong thời gian đó, ngày 25/9, An Phát có thông báo về việc sẽ lấy ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ. Chuyện này nằm trong kế hoạch hay mới phát sinh khi giá cổ phiếu An Phát tăng mạnh?

Việc này đã có từ cách đó nhiều tháng rồi. Kế hoạch phát triển của An Phát mở rộng đã có từ cả năm trước đó. Việc huy động vốn chỉ là kết quả của việc đã họp từ trước.

Nhưng vì sao các nhà đầu tư lại bán cổ phiếu nhiều như thế mà đáng lý ra khi phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thì thường những cổ đông hiện hữu được nhiều ưu đãi hơn?

Việc quyết định bán hay mua, được hưởng lợi gì, mỗi nhà đầu tư đều có lý do riêng và tự quyết định. Có thể họ bán do đã hiện thực hóa lợi nhuận của khoản đầu tư thôi, và cũng rất nhiều người cũng sẵn sàng mua cổ phiếu đấy. Nếu họ bán tất cả mà không có ai mua thì thì mới là vấn đề.

Giá cổ phiếu tăng rồi giảm là “chuyện bình thường”

Những nhà đầu tư lớn như vậy, đăng ký bán tất tay liên tục có làm ông bất ngờ không?

Việc cổ đông đăng ký bán, họ cũng thông báo với Công ty và thông báo với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Với Công ty, chúng tôi không thể can thiệp vào các quyết định của cổ đông. Do vậy, khi họ quyết định bán, chúng tôi không thể tư vấn họ bán từ từ hay làm khác đi được.

Và có người bán thì chắc chắn có người mua và thực tế đã như thế, các cổ đông lớn bán và các cổ đông khác vào mua và có thể giờ này họ lại là cổ đông lớn rồi. Thì cái này, tôi nghĩ là chuyện bình thường của thị trường, các cổ đông luân chuyển lẫn nhau, không thể mãi mãi gắn bó với Công ty được.

Tất nhiên là cũng có thời điểm các cổ đông cùng đăng ký bán, có thể giá lúc đó tốt hơn giá lúc ban đầu, dẫn tới cùng thời điểm có thông tin như vậy. Tôi cho là chuyện bình thường.

Khi thị trường lình xình, nhiều cổ phiếu tốt hơn không tăng giá mạnh thì AAA tăng đột biến. Ông không thấy đó là điều gì bất thường sao?

Hội đồng Quản trị chỉ quan tấm đến sản xuất, không có nhiều thời gian để so sánh giá cổ phiếu công ty mình với giá thị trường. Và tôi cho rằng cổ phiếu của Công ty An Phát khi đã niêm yết thì hoàn toàn do thị trường quyết định.

Do vậy, như tôi đã nói thì chúng tôi không thấy gì làm bất ngờ, đặc biệt là với kết quả kinh doanh khá tốt của An Phát. Việc lên giá của cổ phiếu là bình thường, tôi chỉ thấy bất ngờ không hiểu tại sao lại có sự ồ ạt bán tháo cổ phiếu mà thôi.

Trong 20 ngày, cổ phiếu AAA tăng từ 45 nghìn đồng/cổ phiếu lên trên 90 nghìn đồng/cổ phiếu. Theo ông, việc tăng giá đó có đi cùng xu hướng tăng trưởng của Công ty không? Hay liệu có xáo trộn nào trong khâu tổ chức, điều hành của An Phát đã dẫn đến việc bán tất tay kể trên?

Về sản xuất kinh doanh của Công ty thì tôi khẳng định rằng An Phát không có một vấn đề gì cả. Tăng trưởng của An Phát rất là tốt và không chỉ trong 1-2 năm gần đây mà đã có gần chục năm rồi. Các anh cũng có thể thấy qua cơ sở vật chất cũng như những hoạt động hiện nay.

Công ty An Phát cũng được rất nhiều nhà đầu tư đánh giá cao về quản trị cũng như hoạt động kinh doanh. Cho nên, khi giá lên đột biến như thế thì cũng chỉ là vì kỳ vọng quá mức của các nhà đầu tư, dẫn đến giá lên như vậy.

Còn chuyện các cổ đông lớn bán, tôi xin được giải thích, việc này không liên quan gì đến hoạt động của Công ty và Hội đồng Quản trị cũng không thể quyết định gì liên quan đến việc đó. Đó là quyết định của các nhà đầu tư.

Theo tôi suy đoán, vì các nhà đầu tư này mua thì mức giá chỉ 37-45 nghìn đồng/cổ phiếu thôi, khi Công ty ra niêm yết thì giá đã trên 50 nghìn đồng/cổ phiếu rồi. Lúc giá lên đến 50-60 nghìn đồng/cổ phiếu thì tôi nghĩ là với những nhà đầu tư tài chính như thế họ phải hiện thực hóa lợi nhuận. Chứ cũng không phải có lý do gì đó.

Tôi cho rằng việc tăng giá như vừa qua không có gì đặc biệt cả. Bởi vì với số vốn hiện nay của Công ty khoảng 100 tỷ đồng mà EPS năm nay dự kiến khoảng 11 nghìn đồng/cổ phiếu. Không biết là các cổ phiếu bán lúc nào nhưng cứ lấy mức đỉnh 90 nghìn đồng/cổ phiếu đi thì theo tôi, đó cũng không phải là mức cao. Có thể đó là kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của Công ty.

Với ý ông vừa nói, có thể hiểu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, biết rất rõ về Công ty đã không kỳ vọng và bán đi hàng loạt, còn các cổ đông biết ít hơn thì quá kỳ vọng?

Tôi nghĩ là tất cả các nhà đầu tư đều phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Không thể nói là họ không biết gì về Công ty mà họ lại đầu tư cả. Tôi nghĩ là họ biết rất nhiều về Công ty nên mới đầu tư.

Với An Phát, thành viên Hội đồng Quản trị nắm cổ phiếu hạn chế hơn cổ đông lớn thì đương nhiên, chọn cổ đông như thế nào để làm đối tác là rất quan trọng. Ông có nghĩ đã sai lầm khi chọn những tổ chức mà họ không gắn kết với mình lâu dài?

Tôi không đánh giá các cổ đông của chúng tôi là các cổ đông không có trách nhiệm gắn bó với công ty. Ví dụ như DWS của Deuchbank chẳng hạn, có những lúc họ nắm giữ cổ phiếu của An Phát lên đến 12% và họ đã từng mua trái phiếu chuyển đổi với giá trị 50 tỷ đồng để giúp An Phát xây dựng cơ sở vật chất như ngày hôm nay.

Do vậy, cá nhân tôi không đánh giá họ là những người mà không gắn bó với Công ty. Nếu họ không gắn bó thì sẽ không giữ cổ phiếu của Công ty từ năm 2007 đến bây giờ, cũng không bao giờ mua trái phiếu chuyển đổi của Công ty cả.

Và trong đợt phát hành tăng vốn với giá 37 nghìn đồng/cổ phiếu thì như đã biết, lượng đăng ký mua là hơn 70 tỷ đồng, trong khi đó Công ty chỉ phát hành ra 33 tỷ đồng thôi. Tức là nguyện vọng của nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu rất lớn. Tôi cho rằng đây không phải vấn đề họ không gắn bó với Công ty mà vấn đề họ là nhà đầu tư và khi có lợi họ sẽ phải hiện thực hóa lợi nhuận.

Không có gì là lừa đảo cả

Có ý kiến cho đây là một vụ lừa đảo. Ông có nghĩ An Phát đang liên quan đến một vụ việc như thế không?

Thực ra, quan điểm của tôi là không quan tâm đến các thông tin không chính thống. Như đã biết thì có rất nhiều dư luận khác nhau về vấn đề này. Hiện tại, tôi cho đây là một việc bình thường, không có gì là lừa đảo cả. Bởi vì nếu là lừa đảo thì các cơ quan chức năng sẽ phải có trách nhiệm làm rõ.

Cá nhân tôi không thấy các cổ đông kêu ca là có chuyện lừa đảo dẫn đến chuyện như thế.

Có thông tin là ban lãnh đạo An Phát đang muốn bán toàn bộ Công ty. Xin ông giải thích điểm này?

Thực chất thì đó chỉ là thông tin từ dư luận. Hiện nay, trong Hội đồng Quản trị của Công ty, không có ai muốn xin nghỉ cả.

Bản thân cá nhân tôi cũng đã đăng ký mua 500 nghìn cổ phiếu và tôi cũng rất muốn gắn bó với Công ty. Làm gì có chuyện là chúng tôi muốn bán Công ty. Trừ khi cổ đông không còn tin tưởng, không bầu tôi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị nữa thì tôi phải chịu thôi.

Với 500 nghìn cổ phiếu tôi xin mua thì chắc là thứ Ba tới, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ thông tin chính thức.

Chúng tôi không đưa Công ty lên sàn để bán Công ty. Bởi vì Công ty này không phải của riêng chúng tôi mà của rất nhiều cổ đông. Việc niêm yết lên sàn là nguyện vọng của rất nhiều cổ đông. Hiện tại, toàn bộ số cổ phiếu của chúng tôi lưu ký tại Công ty Chứng khoán SSI và toàn bộ vẫn còn nguyên vẹn, không bán cổ phiếu nào cả.

Sẽ ảnh hưởng rất nhiều

Sự việc vừa qua có ảnh hưởng gì đến quan hệ của Công ty với các đối tác, khách hàng?

Tôi nghĩ là ảnh hưởng rất là nhiều.

Cụ thể, thứ nhất là các đối tác cũng có băn khoăn về việc liệu Hội đồng Quản trị có bán chui cổ phiếu, rồi thì bán Công ty như anh nói. Hiện một số đối tác rất hoang mang, họ không biết khi đặt hàng ở đây thì sắp tới chất lượng hàng hóa sẽ ra sao. Rồi thì trách nhiệm của ban giám đốc như thế nào, còn làm ở Công ty hay là sẽ bỏ đi… Điều này chắc chắn trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng và có lẽ cũng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Tôi nghĩ là về phía các cơ quan báo chí, có thể thông tin để các đối tác hiểu thêm được doanh nghiệp và tin tưởng, chứ mà nếu cứ theo tin đồn như thế này thì rất khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí có thể có hợp đồng đối tác hủy bỏ.

Việc tăng vốn điều lệ có ảnh hưởng gì không, thưa ông?

Việc này hoàn toàn do quyết định của cổ đông. Cổ đông tin tưởng vào Công ty, muốn gắn bó với Công ty thì việc họ quyết định tiếp tục muốn gắn bó với Công ty hay không là quyền ở họ.

Kế hoạch chào mua cổ phiếu AAA của nhà đầu tư nước ngoài cụ thể thế nào và liệu có thay đổi gì không?

Về đối tác nước ngoài, chúng tôi cũng đã có thông tin công bố công khai. Họ xin đăng ký mua 25% vốn điều lệ, theo vốn cũ, khoảng 25 tỷ đồng mệnh giá.

Việc chào mua công khai cổ phần của Công ty, chúng tôi đã hướng dẫn cho các đối tác nước ngoài để họ vào làm việc trực tiếp với Ủy ban Chứng khoán và họ có thể thông qua một số công ty chứng khoán để hoàn thành thủ tục. Việc đó không thuộc trách nhiệm của chúng tôi.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, với những thông tin rất là xấu vừa rồi, cũng như diễn biến vừa rồi thì có thể là những nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ phải cân nhắc. Bởi vì, thông tin vừa rồi, với nhà đầu tư mà họ muốn đầu tư lâu dài như vậy thì họ cần thời gian để thẩm định lại.

Việc chào mua công khai quy định là lấy giá bình quân trước khi chào mua. Mà giá vừa rồi rất là cao, cũng có thể sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến quyết định mua của họ.

Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?

Tôi cho là niêm yết cổ phiếu cũng có những mặt hay, nhưng cũng có những mặt không tích cực của nó. Ví dụ sự việc vừa rồi là nằm ngoài kiểm soát của Công ty, là quyết định riêng lẻ của các cổ đông, nhưng lại ảnh hưởng đến Công ty. Nếu tôi được quyết định lại, thì chắc chắn chúng tôi sẽ không niêm yết cổ phiếu.

Theo Anh Quân
 Vneconomy

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên