MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng chỉ quỹ bị lãng quên

Tốc độ giảm giá của các chứng chỉ quỹ đầu tư cao hơn khá nhiều so với mức giảm chung của thị trường chứng khoán. Nay thị trường đuối sức, khiến chứng chỉ quỹ đầu tư bị “hụt hơi”.

Trong hơn 1 tháng qua, giá các chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, so với thời đỉnh cao hồi tháng 6, chứng chỉ Quỹ Cân bằng Prudential (BF1) đã giảm khoảng 30%, từ 6.000 đồng/chứng chỉ quỹ xuống còn 4.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Quỹ Manulife cũng có mức giảm tương tự: từ 6.000 đồng xuống chỉ còn 4.000 đồng/chứng chỉ quỹ.

Trong khi đó, hai quỹ đầu tư khác do Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) quản lý là Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) và Quỹ Đầu tư các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) cũng đều chịu mức giảm điểm không kém. Quỹ VF1 đã rớt từ đỉnh cao 14.000 đồng/chứng chỉ quỹ xuống còn 11.000 đồng/chứng chỉ quỹ, còn quỹ VF4 cũng giảm từ đỉnh 10.000 đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ giảm giá của các chứng chỉ quỹ đầu tư cao hơn khá nhiều so với mức giảm chung của thị trường. Cụ thể, chỉ số VN-Index tại thời điểm cao nhất vào tháng 6/2009 đạt 512 điểm và điểm đáy trong những ngày qua là 433 điểm, tức chỉ giảm hơn 15%. Trong khi đó, các chỉ chỉ quỹ đầu tư đều giảm từ trên 20 đến 30%.

Nhìn lại tốc độ tăng giá của các chứng chỉ quỹ trong thời điểm thị trường tăng nóng vừa qua (từ khoảng tháng 4 đến tháng 6/2009), có thể thấy, tốc độ tăng giá của các chứng chỉ quỹ chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn đôi chút so với mức tăng bình quân của thị trường chứng khoán. Nếu so với tốc độ tăng giá của nhóm cổ phiếu có đầu tư tài chính và các công ty chứng khoán, thì tốc độ tăng của nhóm chứng chỉ quỹ còn thua xa.

Chẳng hạn, với cổ phiếu Công ty Cơ điện lạnh (REE), điểm đáy trong tháng 3/2009 là 16.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó, cổ phiếu này tăng mạnh hơn nhiều so với tốc độ chung của thị trường và đạt tới 54.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 6 vừa qua, tăng gấp gần 3,5 lần. Tương tự, cổ phiếu của Công ty Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) trong cùng giai đoạn đã tăng từ 12.000 đồng lên 38.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp hơn 3 lần.

Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty chứng khoán còn có tốc độ tăng “chóng mặt” hơn, như cổ phiếu SSI của Chứng khoán Sài Gòn trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 đã tăng từ 20.000 đồng lên gần 80.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gấp gần 4 lần.

Trong khi đó, cổ phiếu BVS của Chứng khoán Bảo Việt tăng từ 13.000 đồng lên 65.000 đồng (tăng gấp đúng 5 lần), cổ phiếu HPC tăng từ 8.000 đồng lên 35.000 đồng (tăng hơn 4 lần), cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long tăng từ 8.000 đồng lên 37.000 đồng (tăng hơn 4,5 lần).

Trong thời điểm các cổ phiếu có đầu tư tài chính và công ty chứng khoán tăng nóng, giới phân tích cho rằng, đó là do sự kỳ vọng của các nhà đầu tư về sự hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chỉnh của các khoản đầu tư của các công ty này. Do đó, khi thị trường lên điểm, các công ty có đầu tư tài chính sẽ được lợi kép, do sự lên giá của các cổ phiếu mà các công ty này nắm giữ.

Tuy nhiên, nhóm chứng chỉ quỹ lại dường như bị các nhà đầu tư lãng quên trong giai đoạn thị trường tăng nóng, cho dù các quỹ đầu tư mới chính là những nhà đầu tư tài chính lớn nhất. Cùng thời gian tăng trưởng nóng (từ tháng 3 đến tháng 6/2009), khi cổ phiếu các công ty đầu tư tài chính và các công ty chứng khoán tăng giá tới 4 - 5 lần, thì chứng chỉ các quỹ đầu tư chỉ tăng ở mức 2 -2,5 lần.

Cụ thể, chứng chỉ quỹ VF4 đã tăng từ đáy 4.000 đồng lên đến mức cao nhất là 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ; chứng chỉ VF1 tăng từ 6.000 đồng lên đỉnh là 14.000 đồng/chứng chỉ quỹ, chứng chỉ BF1 chỉ tăng từ khoảng 4.000 đồng lên 6.000 đồng/chứng chỉ quỹ...

Trong khi đó, khi thị trường đi xuống (từ hơn 1 tháng nay), các chững chỉ quỹ lại nằm trong nhóm chứng khoán bị xả hàng. Tốc độ rớt giá của nhóm chứng chỉ quỹ nhanh không kém gì tốc độ rớt của nhóm các cổ phiếu có đầu tư tài chính và nhóm công ty chứng khoán. Đến lúc này, một số người cũng đã đặt câu hỏi: liệu nhóm chứng chỉ quỹ đang bị thị trường định giá thấp?

Theo Chí Tín
Báo Đầu tư

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên