MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán hóa các khoản nợ còn nhiều thách thức

Chứng khoán hóa nửa vời sẽ khiến DN có thể sử dụng hình thức này để làm sạch sổ sách, giảm nợ vay bằng cách đẩy sang cho các công ty trong cùng một hệ thống.

Nếu chứng khoán hóa (CKH) trở nên phổ biến, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ đón nhận thêm một lượng không nhỏ cổ phiếu (CP) và có thể cả trái phiếu, khiến hàng hóa trên thị trường trở nên đa dạng, thu hút nhiều hơn nhà đầu tư (NĐT).

Chất lượng tài sản

Những doanh nghiệp (DN) nếu triển khai CKH sẽ có cơ may sống sót. Số CP được CKH từ nợ vay, cũng có thể xem như khoản đầu tư mạo hiểm, từ đó có thể thu hút được dòng tiền chấp nhận rủi ro lớn (để tìm kiếm lợi nhuận lớn). Tất nhiên, dòng tiền này chỉ tham gia đồng loạt, mạnh mẽ nếu có lượng cung CP đủ lớn.

Điều này đồng nghĩa với việc phải có nhiều DN là những con nợ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cùng tiến hành CKH. Mặt khác, khi DN có cơ may sống sót, nghĩa là DN đó phải có một lợi thế nào đó trong hoạt động, hoặc về mặt tài sản phải có giá trị trong tương lai. Chiếu theo các tiêu chí này, có thể thấy có những DN trên sàn dù nợ đầm đìa, nhưng cũng không nhiều DN có khả năng CKH, chẳng hạn như ngành vận tải biển.

Một trong những giải pháp các DN ngành này hay sử dụng để giải quyết khó khăn là bán tàu, trong khi bán tàu lại là hoạt động bất thường và tàu bán rồi làm sao tiếp tục kinh doanh sinh lãi cho DN! Đó là chưa kể có bán được tàu hay không và bán với giá nào. Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng tài sản, có thể nói nợ là thật nhưng giá tài sản có khi là ảo.

Lấy thí dụ: Khi một dự án đang trong giai đoạn xây dựng, chi phí lãi vay để phục vụ cho dự án sẽ được hạch toán vào giá trị tài sản gọi là vốn hóa tài sản.

Dự án ngâm càng lâu, trả lãi càng nhiều, giá trị tài sản càng lớn. Trong khi đó, giá đất, giá thành sản xuất thực tế đã giảm mạnh, dẫn đến giá trị thực của tài sản có một khoảng cách lớn so với giá sổ sách (rẻ hơn). Để định giá chính xác, ngân hàng (NH) sẽ phải mất nhiều thời gian, mà nếu chỉ NH tiến hành định giá cũng chưa chắc đã khách quan.

Thử đặt một trường hợp khác: nếu một NĐT muốn mua CP đã được CKH của một DN tiềm năng nào đó, việc không xác định rõ giá trị tài sản sẽ là rảo cản, muốn biết chính xác phải nhờ cậy đến NH.

Cần phải nói thêm bản thân DN nếu không có sự đồng ý của NH cũng chưa chắc đã dám công khai giá trị tài sản thực. Bởi lẽ, nếu giá trị tài sản thực tế giảm quá nhiều so với sổ sách, rủi ro về khả năng thu hồi nợ của NH sẽ càng lớn.

Các chiêu thức "làm đẹp"

Khi DN bất động sản CKH, NH thành cổ đông. NH có thể tiến hành hỗ trợ cho người mua dự án đó bằng những khoản vay. Với cách thức này, DN bất động sản sẽ bán được hàng, có lợi nhuận, trong khi NH có thêm lợi nhuận từ cho vay. Và sau khi DN hồi phục, có thể tiến hành chia cổ tức, hoặc ít nhất tình hình cũng sáng sủa hơn và NH có thể đem CP (được CKH) đi bán.

Đây có thể là một cách CKH gắn với tái cơ cấu DN, theo đó chủ nợ và DN cùng phối hợp xử lý nợ xấu sẽ đạt hiệu quả khả quan hơn. Tuy nhiên ở đây sẽ vướng phải một loạt rào cản.

Chẳng hạn, với những DN có tài sản thế chấp phần lớn là những dự án dở dang, việc CKH các khoản nợ để chuyển thành CP bán với giá hấp dẫn cũng không dễ tìm được người mua.

Chỉ những NĐT bất động sản chuyên nghiệp, hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng mới có thể tiếp tục hoàn thiện dự án và bán ra. Còn đối với những DN bất động sản có tài sản thế chấp là những dự án đã hoàn thành, việc CKH chưa chắc đã cần thiết vì có thể cố gắng chịu đựng hoặc hạ giá để bán bằng được sản phẩm, tránh khỏi việc công ty xuất hiện những cổ đông mới, có thể gây xung đột lợi ích.

Với những tài sản đã được hoàn thành, NH nhiều khi thích cấn trừ nợ thông qua tài sản, để một mình xử lý, không CKH theo kiểu cùng nhau xử lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc CKH diễn ra chậm chạp và nguồn cung CP trên thị trường bị ảnh hưởng.

Một kịch bản cũng đáng lo ngại, đó là việc CKH nửa vời. Theo đó, DN có thể sử dụng hình thức này để làm sạch sổ sách, giảm nợ vay bằng cách đẩy sang cho các công ty trong cùng một hệ thống. Sau đó, DN sẽ công bố kết quả kinh doanh khả quan, để rồi tiến tới huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, hay cổ đông bên ngoài.

Với cách thức này, cổ đông nhỏ lẻ, những cổ đông vào sau sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó số tiền huy động về thay vì dùng để phát triển sản xuất kinh doanh, thực chất chỉ để xử lý nợ mà DN đã CKH cho các đơn vị khác trong cùng hệ thống. Như vậy thực chất DN không cải thiện được gì.

Hoặc trong trường hợp nhẹ hơn là khi CP được CKH từ các khoản nợ hết thời gian phong tỏa, cổ đông lớn nắm giữ (tức chủ nợ cũ) nếu muốn tiến hành thoái vốn, sẽ phải tìm cách làm đẹp báo cáo tài chính, công bố những thông tin tích cực giả tạo để xả hàng. Như vậy, NĐT nếu không tỉnh táo sẽ mua phải hàng lởm hoặc mua CP với giá cao.

Theo Thái Hưng

phuongmai

Sài gòn đầu tư

Từ Khóa:
Trở lên trên