MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán “miễn nhiễm” với tin vĩ mô khả quan

Phớt lờ một loạt thông tin tích cực vừa được công bố như đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vọt hay tăng trưởng kinh tế quý III đạt mức cao, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn diễn biến tương đối ảm đạm trong 2 phiên đầu tuần.

Sau khi mất 5,05 điểm ngày 28/9, xóa hết mức tăng đạt được trong tháng 9, chỉ số VN-Index lại giảm thêm 3,69 điểm trong phiên 29/9 và hướng tới mức giảm 0,6% trong tháng này.

Thị trường đi xuống bất chấp số liệu cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng tốc mạnh.

Tổng cục Thống kê (GSO) ngày 29/9 công bố báo cáo cho thấy GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 2.851.390 tỷ đồng tính theo giá hiện hành, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 6,28% của 6 tháng đầu năm và 6,03% của quý I, đồng thời vượt mức mục tiêu 6,2% mà Chính phủ đặt ra cho cả năm nay.

Riêng trong quý III, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong ít nhất 5 năm qua.

Trước đó 1 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đã thu hút được hơn 17 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2015, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2014, còn vốn FDI giải ngân ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8%.

Tuy nhiên, cổ phiếu đã “miễn nhiễm” trước những thông tin tích cực này.

Theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), câu chuyện kinh tế tăng tưởng tốt không phải là mới, vì số liệu ngay từ quý I và quý II đã tương đối tốt, nên con số của quý III nằm trong kỳ vọng trước đó của thị trường, nên không có gì bất ngờ.

“Thông tin này không có gì đột phá, nhưng nếu đây là thông tin của quý I thì thị trường sẽ khác hẳn,” ông Hoàng đánh giá, cho rằng yếu tố này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Không phản ứng với tin vĩ mô, thị trường còn chịu tác động không nhỏ khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra. Theo thống kê của Người Đồng Hành, khối ngoại đã có 8 phiên bán ròng liên tiếp trên sàn Tp.HCM kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hoãn tăng lãi suất, với tổng giá trị bán ròng suýt soát 1 nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Minh Hoàng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm đến tăng trưởng, họ còn quan tâm đến yếu tố ổn định và tỷ giá nữa.

“Ở thời điểm hiện tại, những yếu tố rủi ro từ Fed và Trung Quốc là cái nước ngoài quan tâm nhiều hơn tăng tưởng của Việt Nam, nhất là Việt Nam bây giờ được cho là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái,” ông Hoàng chia sẻ.

Ông cho biết thêm rằng ngay cả nước ngoài cũng đã dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5-6,6% trong năm nay, nên tin về GDP không phải là mới.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2015 công bố cách đây 1 tuần, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 6,1% lên 6,5% cho năm nay và từ 6,2% lên 6,6% cho năm tới.

Hãng tin Bloomberg trong một bài báo đăng ngày 29/9 cũng ca ngợi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời công bố một khảo sát, trong đó cho thấy các chuyên gia phân tích dự báo chỉ số VN-Index sẽ tăng khoảng 10% từ nay đến cuối năm 2015.

Dù vậy, các nhà đầu tư dường như cũng bất động trước kết quả cuộc khảo sát này.

Ông Hoàng cho rằng mặc dù Việt Nam được đánh giá là một nước thu hút đầu tư tương đối tốt so với các nước khác trong khu vực, về chính sách cũng có thay đổi tương đối lớn, nhưng vì hiện tượng rút vốn trên toàn thế giới đang xảy ra, nhất là trong bối cảnh dòng tiền trong nước yếu, nên việc rút vốn của nước ngoài, dù không ồ ạt như ở các nước khác, cũng sẽ tạo hiệu ứng không tốt cho thị trường.

Vị chuyên gia của VCBS cho rằng nếu không có dòng tiền lớn xuất hiện, thị trường sẽ rất khó bứt khỏi mặt bằng hiện tại, và chỉ số VN-Index dự kiến sẽ giao dịch trong ngưỡng 550-580 điểm trong ngắn hạn.

Theo Trung Nghĩa

Người Đồng Hành

Trở lên trên