MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: Qua 1 tuần uể oải, hiệu ứng tháng đầu năm có quay lại?

Khi tháng 12 kết thúc, một là sự “uể oải” của nhà đầu tư có thể sẽ được giải tỏa sau kỳ nghỉ lễ, hai là thị trường có thể chứng kiến một hiệu ứng là hiện tượng giá cổ phiếu tăng mạnh trong tháng đầu năm.

Thị trường tuần qua để lại dấu ấn với thanh khoản giảm xuống mức rất thấp so với thời gian trước, nhưng giao dịch thỏa thuận diễn ra cực kỳ sôi động tại một số cổ phiếu như MSN, VIC, KDC. Đồng thời, sau đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trọn cả tuần tại thị trường Việt Nam.

Sự mua ròng mạnh tại GAS, PVD, DPM và MWG của khối ngoại góp phần nào vào sự phục hồi giá của các cổ phiếu này và giúp cho VN-Index tăng điểm. Trong khi đó sàn Hà Nội không có sự hỗ trợ từ các cổ phiếu lớn, đồng thời những mã đầu cơ từng làm mưa làm gió cũng đang nghỉ ngơi nên HNX-Index đã giảm nhẹ.

Nói chung, “con sóng cuối năm” có lẽ đã không còn gì để mong đợi. Và tuần sau, chúng ta chỉ có 3 ngày để giao dịch. Tuy nhiên, khi tháng 12 kết thúc, một là sự “uể oải” của nhà đầu tư có thể sẽ được giải tỏa sau kỳ nghỉ lễ, hai là thị trường có thể chứng kiến một hiệu ứng lớn của thị trường là hiện tượng giá cổ phiếu tăng mạnh trong tháng đầu năm, được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Hiện tượng này tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu giá rẻ vào cuối năm & bán chúng khi giá tăng vào đầu năm sau.

>> Sau Tết Dương lịch chứng khoán có tăng mạnh?

Thực tế thì tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, các hiệu ứng ngày càng mờ nhạt. Với tâm lý “đi tắt đón đầu” của nhà đầu tư, khi nhiều người dự đoán giá cổ phiếu sẽ tăng vào đầu tháng Giêng thì hiệu ứng này có thể phản ánh vào giá sớm hơn. Vả lại, thị trường đang trải qua nhiều sự thay đổi bất ngờ từ chính sách trong nước đến tình hình kinh tế chính trị thế giới nên cũng không còn là điều có thể thể tin cậy.

Biến động chỉ số và thanh khoản

VN-Index bật tăng mạnh mẽ vào ngày đầu tuần với mức tăng 14,45 điểm tương đương 2,76% làm dấy lên trong lòng nhà đầu tư niềm hy vọng về những ngày cuối năm sôi động. Tuy nhiên những phiên sau đó chỉ diễn ra trong sự cầm chừng khi thanh khoản rất thấp, chỉ số thoát đỏ nhờ sự phục hồi của các cổ phiếu lớn GAS và PVD.

Thông tin nào xuất hiện trên thị trường cũng chỉ như muối bỏ bể, hầu như không còn ảnh hưởng đáng kể.

Đóng cửa phiên cuối cùng, VN-Index đạt 533,4 điểm – tăng 10,3 điểm so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân tuần chỉ có 71,3 triệu cổ phiếu – giảm hơn 50% và giá trị bình quân tuần là 1.124 tỷ - giảm gần 55% so với tuần trước.

Trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận trên sàn HSX đột biến tại nhiều mã. MSN được thỏa thuận cả 4 phiên cuối tuần với tổng khối lượng gần 26 triệu đơn vị tương đương 2.141 tỷ đồng, tập trung vào ngày 23/12/2014 với 1.931 tỷ được trao tay. Trước đó, các cổ đông lớn của Masan đã có thông báo giao dịch khối lượng lớn.

VIC cũng được thỏa thuận 35,5 triệu cổ phiếu tương đương 1.673 tỷ đồng, nhiều nhất là vào ngày 22/12 với 851 tỷ đồng.

Ở tầm “khiêm tốn” hơn là KDC với 304 tỷ và SAM với 180,7 tỷ đồng được trao tay.

Trước sự đi xuống của cổ phiếu đầu cơ, HNX-Index đã giảm 3/5 phiên, kết thúc tuần tại 81,14 điểm – giảm 0,18 điểm so với tuần trước.

Cũng như sàn Hồ Chí Minh, thanh khoản trên sàn Hà Nội giảm mạnh so với tuần trước. KLGD khớp lệnh trung bình của sàn HNX đạt gần 42 triệu đơn vị/ngày – giảm 26,5% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt hơn 532,3 tỷ/ngày – giảm 31,4%. Trong vòng 6 tuần trở lại đây, thanh khoản sàn này luôn nằm trong chiều hướng giảm, ngoại trừ tuần thứ 2 của tháng 12.

Giao dịch của khối ngoại

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng cả tuần với khối lượng mua ròng gần 10 triệu đơn vị và giá trị mua ròng gần 505 tỷ đồng. Phiên đầu tuần ngày 22/12 – ngày thị trường bùng nổ, khối này đã xuống tiền mua gần 170 tỷ đồng. Được mua ròng nhiều nhất là MWG - Thế giới Di động (40 tỷ) và CNG – CNG Việt Nam (32 tỷ đồng). Khối ngoại chủ yếu mua hai cổ phiếu này thông qua phương thức thỏa thuận.

Tại đây, khối ngoại mua ròng 504,6 tỷ đồng. Được mua ròng nhiều nhất là ở MWG (gần 97 tỷ đồng), PVD (55 tỷ đồng), VIC (54 tỷ đồng), KDC (53,5 tỷ đồng), GAS (49 tỷ đồng). Ngược lại, họ bán ròng chủ yếu ở HAG (18 tỷ đồng), SSI (11 tỷ đồng), PAC (7 tỷ đồng)…

Trên sàn Hà Nội, khối ngoại cũng mua ròng cả tuần với khối lượng mua ròng 2,5 triệu đơn vị và 35,8 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại bán ròng tập trung nhiều nhất ở PVS (58,3 tỷ đồng), SHB (33,9 tỷ đồng), trong khi mua ròng chủ yếu ở VCG (18 tỷ đồng), BCC (12.1 tỷ đồng), VND (8 tỷ đồng)...

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 35,7 tỷ đồng. Thay vì bán ròng liên tục PVS như thời gian vừa qua, tuần này, khối ngoại mua ròng nhiều nhất ở PVS (20,4 tỷ đồng), SHB (16,4 tỷ đồng), trong khi bán ròng chủ yếu ở IVS (4,3 tỷ đồng), LAS (gần 4 tỷ đồng), HOM (3,2 tỷ đồng)…

Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE

Tính đến ngày thứ 5 (25/12), khối tự doanh đã mua ròng gần 70 tỷ đồng trong đó, giống như khối ngoại, họ mua ròng mạnh nhất vào ngày đầu tuần.

Như vậy, tự doanh đã mua ròng tuần thứ 4 liên tục với tổng giá trị hơn 387 tỷ đồng.

Hải Long

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên