MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện nhà đầu tư tổ chức nước ngoài

Dữ liệu thống kê tình hình cấp mã cho nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2012 là năm đầu tiên số lượng NĐT tổ chức được cấp mã giao dịch nhiều hơn nhiều so với nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng khoán ảm đạm. Giao dịch 2 sàn đang ở mức rất thấp với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân cả tháng trở lại đây chưa đầy 350 tỷ đồng/ngày. Tính riêng phiên giao dịch ngày 27/11/2012, HoSE khớp lệnh 220,17 tỷ đồng, HNX khớp lệnh 53,5 tỷ đồng. Những thống kê sơ bộ đó cho thấy: Nhà đầu tư đang nghiêng nhiều về phương án đứng ngoài thị trường.

Thông tin chúng tôi vừa thống kê về số lượng tài khoản cấp mới cho nhà đầu tư nước ngoài lại cho một bức tranh sáng hơn về khối ngoại.

Lượng đăng ký của cá nhân giảm, xu hướng chuyển về tổ chức

Dữ liệu thống kê tình hình cấp mã cho nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2012 là năm đầu tiên số lượng NĐT tổ chức được cấp mã giao dịch nhiều hơn nhiều so với nhà đầu tư cá nhân.

Tuy chỉ một tháng nữa mới kết thúc năm 2012 nhưng nhìn lượng nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đăng ký giao dịch tính đến gần hết tháng 11 cho thấy sự sụt giảm mạnh về số lượng nhà đầu tư được cấp mới.

Thống kê tình hình cấp mã GDCK cho NĐT nước ngoài từ 2006 đến 26/11/2012

Thời gian

NĐT Cá nhân

NĐT tổ chức

Luỹ kế cá nhân

Luỹ kế tổ chức

11 tháng 2012

159

225

14004

1883

Năm 2011

452

282

13845

1724

Năm 2010

954

291

13393

1442

Năm 2009

595

262

12439

1151

Năm 2008

3237

353

11844

889

Năm 2007

5557

297

8607

536

Năm 2006

 

 

3050

239

 Nhiều giao dịch tổ chức ngoại khá bất ngờ

Nhìn vào thống kê giá trị giao dịch ròng (giá trị mua-giá trị bán) của khối ngoại trên 2 sàn HoSE và HNX từ đầu năm đến nay cho thấy: Dù nhà đầu tư nội hoang mang nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn bền bỉ mua dù giá trị thấp từ hồi tháng 7 đến nay.

Hoặc nếu nhìn vào con số thống kê dài hơi hơn một chút, tính từ đầu năm tới hết tháng 10, khối ngoại đã mua ròng 1.401 tỷ đồng. Tuy kém xa con số cùng kỳ 5 năm trở lại đây nhưng điều này cũng cho thấy, khối ngoại không bán ròng và ra đi như nhiều lo ngại.

Đợt phát hành vừa qua của AAA cũng rất bất ngờ ở hạng mục khối ngoại. Beira Limited dù chưa hề sở hữu cổ phần AAA nào trước khi niêm yết nhưng đã ''vét'' phần cổ đông hiện hữu từ chối mua với giá cao hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu đến 1.537 đồng/CP tương đương 12,8% nhưng đã thành cổ đông lớn nhất của AAA với tỷ lệ sở hữu 13,26%.

Thị giá luôn biến động tăng cao hơn chỉ số VnIndex, hoạt động kinh doanh khá tốt. AGD đột ngột muốn rời sàn. “Công ty rời sàn là để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, không phải vì kinh doanh sụt giảm”, ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Tổng Giám đốc Gò Đàng cho biết khi trả lời phỏng vấn về lý do muốn rời sàn.

Hoặc như vua tôm Minh Phú (MPC) cũng đã xin chốt room ngoại 11,58% đến hết tháng 1/2013 để đảm bảo việc chào bán 30 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thành công.

ĐHCĐ đầy kịnh tính của STT kịch tính hơn khi đại diện Skirr Japan có mặt tại ĐHCĐ và cho biết đang đàm phán với công ty để đầu tư mua cổ phiếu khi công ty phát hành tăng vốn điều lệ. Đối tác này cũng giới thiệu về mình và năng lực tại chính để thuyết phục ĐHCĐ. Vấn đề phát hành cho đối tác ngoại chưa được quyết định trong ĐHCĐ vừa qua nhưng bóng dáng ngoại đã thấp thoáng.

AAA, MPC, AGD là một trong số ít các doanh nghiệp đang tìm đến kênh gọi vốn đối tác ngoại. Ngoài những thương vụ mua, bán cổ phiếu phát hành, nhiều nhà đầu tư ngoại còn nhắm đến mảng trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp.

Điển hình của việc khối ngoại nhắm đến trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp là ở trường hợp của CII. Hồi cuối tháng 9, để dự trữ cho việc chuyển đổi 40 triệu trái phiếu thành cổ phiếu, công ty đã phong tỏa tỷ lệ sở hữu nước ngoài 15,09%.

Mới gần đây, UBCKNN đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của REE là phong tỏa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 10% vốn điều lệ để công ty dự kiến chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Trên đây chỉ là một số ít dẫn chứng về việc tổ chức ngoại đã và đang tích cực tìm đường vào Việt Nam. Tuy rằng, động tĩnh của họ khá ‘’kín’’ và trong nhiều trường hợp là bất ngờ nhưng những thống kê trên cho thấy: tổ chức ngoại không bỏ rơi thị trường Việt Nam.

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên