MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển sàn niêm yết: Mỗi DN một cách nhìn

Lãnh đạo ACB, VCG, SD9 và BVS trao đổi về việc có chuyển sang sàn HoSE hay không.

"Nếu coi mỗi sàn là một chợ, mỗi cổ phiếu là một loại hàng hóa, thì việc chuyển niêm yết từ sàn nọ sang sàn kia không hoàn toàn đơn giản. Trên thực tế, nhiều nơi bỏ chợ cũ, xây chợ mới, ra chỗ khác người ta vẫn không đến chợ mới và đành bỏ hoang do đã quen thuộc với chợ cũ. Đó là vấn đề văn hóa, thói quen, chứ không đơn giản muốn là làm được".

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Vinaconex nói một cách hình ảnh khi được hỏi về việc DN có ý định chuyển niêm yết từ HASTC sang HOSE hay không.

Mỗi DN, một cách nhìn

Ông Tuân cho biết, Vinaconex niêm yết tại HASTC là do có trụ sở tại Hà Nội. Điều này giúp DN thuận lợi trong việc đi lại mỗi khi có việc cần gặp trực tiếp HASTC để giải quyết. Hiện Vinaconex chưa có kế hoạch cho việc chuyển sàn.

Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) có "hộ khẩu" tại TP. HCM, nhưng gắn bó với HASTC từ cuối năm 2006. Mặc dù "thừa tiêu chuẩn" để niêm yết tại HOSE, nhưng ngân hàng này vẫn chưa đặt ra vấn đề chuyển sàn.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, theo Công văn số 163/UBCK-PTTT của UBCK thì chưa bắt buộc các DN đang niêm yết tại HASTC mà đủ tiêu chuẩn niêm yết tại HOSE phải chuyển sang HOSE, nếu có thì cũng phải là năm 2010. Do đó, HĐQT ACB chưa có nghị quyết về vấn đề này trong thời điểm hiện tại.

Không thực sự mặn mà với việc chuyển sàn từ HASTC sang HOSE là CTCP Sông Đà 9 (SD9), mặc dù DN này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng và năm qua làm ăn có lãi (đủ tiêu chuẩn để chuyển sàn).

Ông Nguyễn Đăng Lanh, Chủ tịch HĐQT SD9 nói rằng, ông không nhìn thấy việc chuyển từ sàn HASTC sang HOSE mang lại sự hấp dẫn nào cho DN.

Theo ông Lanh, mặc dù công nghệ thông tin hiện đại, nhưng việc chuyển niêm yết vào TP. HCM xa xôi là trở ngại lớn đối với DN, bởi có nhiều việc vẫn phải gặp trực tiếp HASTC để xử lý. Ông Lanh cho biết, vừa rồi có đơn vị chào SD9 mức phí tư vấn chuyển sàn bằng 1% tổng giá trị giao dịch phiên đầu tiên tại sàn mới. Tính theo giá trị giao dịch hiện nay, DN mất chi phí không nhỏ cho việc chuyển sàn.

"Nếu thực sự bắt buộc phải chuyển thì SD9 sẽ chuyển, còn nếu không thì thôi. Tất nhiên, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ sắp tới", ông Lanh nói.

Ngoài lý do tốn kém, điều kiện địa lý xa xôi, việc niêm yết cùng nhiều DN thuộc "họ" Sông Đà khác tại HASTC cũng là lý do "níu kéo" SD9 ở lại sàn này.

Một trường hợp khác là CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR), vốn điều lệ hơn 672 tỷ đồng, cũng chưa đặt ra vấn đề chuyển niêm yết từ HASTC sang HOSE. Theo đại diện VNR, lý do là số lượng cổ phiếu giao dịch ít, hơn nữa DN đang có nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn.

UBCK vừa có Quyết định số 189/QĐ-UBCK ban hành Quy trình chuyển đăng ký niêm yết giữa các Sở GDCK. Theo đó, cổ đông là thành viên HĐQT; ban kiểm soát; giám đốc hoặc tổng giám đốc và kế toán trưởng của công ty khi thực hiện chuyển niêm yết phải tiếp tục thực hiện các cam kết nắm giữ cổ phiếu do mình sở hữu khi thực hiện niêm yết lần đầu, nếu các cam kết này còn hiệu lực.

DN nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại Sở GDCK (nơi dự kiến niêm yết mới), sau khi được chấp thuận về nguyên tắc phải hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký niêm yết, nộp đơn đề nghị hủy niêm yết tại Sở GDCK nơi tổ chức phát hành đang niêm yết theo quy trình và thủ tục do Sở GDCK nơi tổ chức phát hành đang niêm yết quy định.

Dưới góc nhìn của một đơn vị trung gian, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS) tỏ ra khá hào hứng với kế hoạch chuyển sàn.

Theo ông Vinh, tính minh bạch, chuẩn mực công bố thông tin tại hai sàn là ngang nhau, số lượng DN niêm yết cũng tương tự. Tuy nhiên, niêm yết tại sàn HOSE thì cổ phiếu có tính thanh khoản cao hơn, thu hút nhiều NĐT tổ chức, quỹ đầu tư lớn.

Nói về chính DN mình, ông Vinh cho biết, BVS đủ điều kiện về vốn điều lệ, nhưng kết quả kinh doanh năm 2008 bị lỗ, nên năm nay sẽ không chuyển niêm yết.

Bắt buộc hay không?

Đã gần 2 tháng trôi qua, kể từ ngày Công văn số 163/UBCK-PTTT của UBCK về việc xử lý các trường hợp DN không đủ điều kiện niêm yết theo Nghị định 14/2007/NĐ-CP được ban hành, không ít DN vẫn băn khoăn việc DN đủ điều kiện niêm yết tại HOSE đang niêm yết tại HASTC có bắt buộc phải chuyển sàn hay không.

Công văn 163 quy định: "Đối với các công ty đang niêm yết tại HASTC đáp ứng đủ điều kiện niêm yết tại HOSE (vốn điều lệ 80 tỷ đồng trở lên, kinh doanh có lãi hai năm liên tục), HASTC có thông báo để các công ty đăng ký kế hoạch chuyển vào niêm yết tại HOSE.

Việc chuyển sàn của các công ty này nằm trong lộ trình tái cấu trúc TTCK bước 1 thực hiện vào đầu năm 2010. Các công ty này phải có báo cáo với HASTC kế hoạch chuyển sàn niêm yết".

Như vậy, trước mắt các DN phải có trách nhiệm báo cáo về kế hoạch chuyển sàn, còn việc chuyển vào thời điểm nào thì chưa cụ thể. Ngoài ra, do chưa có văn bản chính thức về việc tái cấu trúc TTCK bước 1 thực hiện vào đầu năm 2010 nên một số DN đang ngầm hiểu việc chuyển sàn từ HASTC vào HOSE là chưa bắt buộc thực hiện ngay trong năm 2009.

Theo thống kê, tại HASTC hiện có 68/177 DN có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng. Ghi nhận từ các DN cho thấy, việc niêm yết ở đâu là do mỗi DN có mục tiêu riêng, nên các quy định cũng cần phù hợp với mục tiêu này. Do đó, quyền lựa chọn nơi niêm yết nên dành cho DN, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính.

Theo Thanh Đoàn
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên