MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội đang lớn dần

Sự tụt dốc của thị trường phần lớn xuất phát từ phản ứng tiêu cực mang tính tạm thời của các nhà đầu cơ.

Chưa đầy 2 tháng gần đây, VN-Index giảm hơn 30%, HNX-Index giảm gần 40%. Phần lớn NĐT nội vẫn liên tiếp bán ra và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi NĐT ngoại cần mẫn gom hàng. Một tháng qua, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE là 1.300 tỷ đồng theo phương thức khớp lệnh (tính cả thỏa thuận thì lớn hơn); riêng hai phiên 15 và 16/12, họ mua ròng hơn 200 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, NĐT nội liên tiếp xả hàng là do áp lực thu hồi nợ từ đòn bẩy tài chính. Nhưng thực tế, trong điều kiện thị trường diễn biến không thuận lợi, phần lớn các định chế tài chính khi cấp tín dụng cho NĐT rất dè dặt và bản thân NĐT cũng không mạo hiểm lạm dụng đòn bẩy như thời điểm thị trường hưng phấn.

Thực tế, tính thanh khoản của thị trường đã giảm đi rất mạnh sau khi có quyết định cấm các CTCK cho NĐT bán chứng khoán trước ngày T+4, cùng với quyết định tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Do tính chất đầu cơ trên TTCK Việt Nam ở mức cao, khi vòng quay của đồng vốn bất ngờ bị giảm xuống, lập tức phản ứng tiêu cực xảy ra. Ngoài ra, khó khăn về tiền tệ trong những tháng cuối năm đã làm giảm đi lượng vốn rót vào thị trường. Bên cạnh đó, các tin đồn, diễn biến xấu xảy ra trong thời gian gần đây làm cho lòng tin của NĐT trong nước không ngừng bị lung lay mạnh.

Khi đầu tư vào một tài sản nào đó, NĐT luôn kỳ vọng vào giá trị của tài sản đó sẽ tăng lên trong tương lai. Tương lai ở đây không nên hiểu là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn bởi nếu muốn hái được những quả ngọt trên TTCK, NĐT cần có tính kiên nhẫn cao. Những khó khăn trước mắt nhiều khả năng chỉ là tạm thời, nếu mất đi lòng tin và sự kiên nhẫn thì NĐT có thể không có cơ hội để lấy lại những tài sản đã mất.

Thực vậy, nếu các yếu tố kinh tế đang tồi tệ thì khối ngoại không dễ dàng liên tiếp giải ngân mạnh. Dễ thấy, chỉ số Dow Jones trên TTCK Mỹ duy trì trên mốc 10.000 điểm trong một thời gian khá dài, điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có những tiến triển tốt. Sự phục hồi của nền kinh tế khổng lồ này sẽ tác động tích cực đến nhiều nền kinh tế khác.

So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam là nước có chính sách ứng phó kịp thời và đảm bảo mức tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế (tăng trưởng GDP đạt 4,6% trong 9 tháng đầu năm). Tuy xuất khẩu còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu vĩ mô khác vẫn đang thể hiện mức tăng trưởng mạnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ dịch vụ hàng hóa lũy kế 11 tháng đầu năm 2009 lần lượt tăng 7,3% và 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. FDI vào Việt Nam mặc dù có giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng với mức 19,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm thì đây là con số khá lớn nếu so với nhiều quốc gia khác trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được công bố trong những tháng gần đây cho thấy, hoạt động kinh doanh đang có những chuyển biến tích cực. Nhìn tổng thể, bức tranh các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang trong gam màu sáng, nên sự tụt dốc không phanh của giá cổ phiếu trong thời gian qua có thể nói là phần lớn xuất phát từ phản ứng tiêu cực mang tính tạm thời của các nhà đầu cơ. Khi tâm lý thận trọng và nỗi lo sợ đi qua, cán cân cung cầu trên TTCK sẽ cân bằng trở lại và lúc đó các cổ phiếu trên thị trường sẽ được định giá hợp lý hơn.

Nếu nhìn vào hệ số P/E để đo lường mức độ đắt rẻ của cổ phiếu, thì hiện nay, phần lớn cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đang ở mức hấp dẫn so với nhiều TTCK khác, đặc biệt là ở quốc gia mới nổi. P/E trung bình của TTCK Việt Nam hiện là 11,3 lần (50 công ty có mức vốn hóa lớn nhất là 13,5 lần), trong khi P/E của TTCK Thái Lan là 24,6 lần. Trên 2 sàn đang có 139 loại cổ phiếu có chỉ số P/E dưới 7 lần. Với lượng hàng giá rẻ phong phú như vậy, cơ hội đang lớn dần đối với những NĐT giá trị.

Phần lớn "cầu thủ ngoại" đang tham gia sân chơi với lượng "tiền tươi thóc thật" nên dễ dàng nhận diện và nắm lấy cơ hội mua hàng giá rẻ. Trong khi đó, đa số NĐT nội có nguồn vốn đầu tư khá ngắn, thời điểm cuối năm lại là lúc đáo hạn thanh toán các khoản vay hoặc phải rút ra một phần để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, nên khó tận dụng được cơ hội này, mà trái lại còn làm cho thị trường vốn ảm đạm lại càng thêm ảm đạm.

Tuy nhiên, khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế không có chiều hướng xấu đi thì những khó khăn hiện nay khó có thể kéo dài. Do đó, thay vì bán tháo, NĐT nên bổ sung những tài sản đang bị thị trường định giá thấp vào danh mục đầu tư của mình.

Theo Ngô Thanh Phát
Trưởng Phòng Phân tích và Quản lý rủi ro, CTCP Chứng khoán Quốc Tế
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên