MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho TTCK tháng 4?

Nhà đầu tư giao dịch ở vùng VN-Index trên 500 điểm có cảm giác như đang “đi trên dây”, bởi vì hoặc là “liều ăn nhiều” hoặc là sẽ trở thành người mua cuối cùng trên thị trường.

Hiện các công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư cũng chỉ nói nước đôi, không ai dám khẳng định thị trường sẽ tăng trong giai đoạn này.

Tiền vào hết kênh trái phiếu

Về nền kinh tế vĩ mô, lạm phát tháng 3 nếu so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 6,64%, mức tăng này thấp đáng kể so với con số 14,15% của tháng 3/2012 nhưng theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm cho thấy sức mua của người dân chưa thực sự được hồi phục, và áp lực lạm phát tháng 4 còn rất lớn do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.

GDP 3 tháng đầu năm ăng 4,9%, tăng so với mức 4,64% của cùng kỳ 2012, tuy nhiên đây là mức thấp và theo MBS nguyên nhân là do tín dụng chưa được khơi thông, dẫn đến việc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Đáng lo ngại từ đầu năm đến nay có 13.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động.

Nhập siêu tháng 3 đạt khoảng 300 triệu USD nhưng 3 tháng đầu năm 2013 cả nước xuất siêu 481 triệu USD và điều này hỗ trợ bình ổn tỷ giá. Hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2012. Tỷ giá sau khi biến động mạnh vào cuối tháng 2, hiện đã bình ổn trở lại, tỷ giá ngân hàng ở mức 20.940 đồng/USD.

Một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong quý 1/2013 là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam tăng trở lại, tổng vốn FDI đăng ký trong 3 tháng đầu năm đạt 6,03 tỷ USD, tăng 63,6% cùng kỳ 2012, riêng tháng 3 đạt mức 5,4 ty USD, cao nhất kể từ tháng 10/2009, tập trung vào mảng công nghiệp chế biến và chế tạo. Giải ngân FDI quý 1 xấp xỉ 2,7 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.

Con số nợ xấu theo NHNN đã giảm trên 2% so với tháng 12/2012 nhưng tăng trưởng tín dụng 0,03% cho thấy tín dụng chưa được khơi thông. Một điều đáng chú ý là mặc dù lãi suất giảm mạnh trong tháng 3 (trần huy động 7,5%/năm, lãi suất liên ngân hàng 3-4%) nhưng dòng tiền lại đổ dồn vào kênh trái phiếu thay vì ra dân cư. Từ đầu năm KBNN đã huy động được khoảng 52.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, đạt 35% kế hoạch năm.

Chứng khoán sẽ ra sao trong tháng 4?

Theo CTCP Chứng khoán FPTS, TTCK sẽ diễn biến lạc quan trong tháng 3 bởi yếu tố dòng tiền và thông tin. Vốn ngoại tiếp tục đổ tiền vào thị trường, đồng thời lãi suất giảm, giá vàng giảm trong khi VN-Index vượt qua mốc 500 điểm một cách thuyết phục. FPTS nhận định thị trường sẽ chinh phục được mốc 520 điểm và đối tượng giải ngân vẫn là mã bluechips.

Đối với CTCP Chứng khoán Rồng Việt, thị trường tháng 4 sẽ có biên độ biến động mạnh hơn do sự phân hóa của dòng tiền. Kịch bản được xây dựng cho thị trường tháng 4 là VN-Index biến động trong vùng 480-530 điểm, và cận dưới sẽ là vùng giải ngân thích hợp đối với NĐT giá trị, NĐT cân nhắc chốt lời khi VN-Index tiến về vùng 530 điểm và tỷ trọng cổ phiếu, tiền mặt giai đoạn này là 60:40.

VDSC cũng đưa ra kịch bản xấu là VN-Index có khả năng giảm mạnh xuống vùng 420-430 điểm nếu tâm lý NĐT bi quan hơn mức kỳ vọng và các cổ phiếu trụ cột không phát huy tốt vai trò hỗ trợ trong tháng 4.

VDSC kỳ vọng triển vọng kinh tế vĩ mô 2013 có nhiều gam màu sáng hơn và KQKD quý 1/2013 hé lộ có thể làm phân hóa dòng tiền. Khả năng thông qua đề án xử lý nợ xấu vào cuối tháng 4 có thể là động lực giúp thị trường xác định rõ xu hướng vào cuối tháng.

Đối với CTCP Chứng khoán Bảo Việt, KQKD sẽ là nhân tố chính quyết định xu hướng vận động của thị trường trong quý 2. BVSC cho rằng nhiều DN niêm yết có mức độ cải thiện chậm do độ trễ của chính sách. Nhiều cổ phiếu đã ở mặt bằng giá cao khiến động lực tăng trưởng của thị trường không còn lớn, theo BVSC, thị trường nhiều khả năng sẽ nằm trong xu hướng điều chỉnh với độ dốc thoải.

Nhiều cổ phiếu trong VN30 đã ngang bằng hoặc cao hơn vùng giá thiết lập năm 2009, PE của nhóm này đã lên mức 24,59 lần, cao hơn 58,2% mức trung bình toàn thị trường, với mức giá hiện nay nhóm cổ phiếu này đã giảm sức hấp dẫn và không loại trừ NĐT có thể chốt lời và tìm đến nhóm cổ phiếu có nhiều “room” tăng trưởng hơn.

Đánh giá về việc Bộ Tài chính ban hành thông tư về quỹ ETF, quỹ tín thác bất động sản..BVSC cho rằng các chính sách này sẽ giúp định hình lại cơ cấu dòng tiền trong thị trường. Dòng tiền tổ chức sẽ có vai trò quan trọng hơn và dần chiếm tỷ trọng lớn, thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện và các chỉ số có thể biến động ổn định hơn trong dài hạn.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên