MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa DNNN - Cần chất hơn lượng

Dù Việt Nam đã có nhiều chính sách quy định về quản trị và minh bạch tài chính, nhưng các DNNN chỉ báo cáo cho bộ chủ quản và Bộ Tài chính, việc công bố công khai vẫn rất hạn chế.

Tại hội nghị đối thoại cấp cao nhóm đối tác tài chính công 2015 diễn ra tuần qua, ông Aaron Batten, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng kinh nghiệm của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua cho thấy, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường là nhiệm vụ phức tạp và gây tranh cãi, đòi hỏi nhiều cải cách về luật pháp... Bài học từ quá trình này, phải tăng chất cổ phần hóa (CPH) thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu và tăng vai trò của nhà đầu tư chiến lược.

Bình đẳng các thành phần kinh tế

Cải cách DNNN ở Việt Nam cần tập trung vào 2 ưu tiên. Thứ nhất gia tăng tốc độ và chiều sâu CPH DNNN lĩnh vực hoạt động thương mại. Bởi vẫn còn đáng kể DNNN hoặc DNNN CPH một phần cung cấp các dịch vụ công không thiết yếu và hoạt động trong những lĩnh vực mà sự cạnh tranh của khu vực tư nhân có hiệu quả sản xuất cao hơn. Do vậy, trọng tâm cần đặt ra không phải là số lượng DN CPH thành công, mà chú trọng DNNN CPH có sức cạnh tranh với DN tư nhân.

Chính phủ đã giao kiểm tra nguyên nhân của việc chậm CPH DNNN. Trong phiên họp Chính phủ tháng 7, vấn đề này được nêu và sẽ kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp

Theo đó, tăng cường quyền lợi cho các nhà đầu tư chiến lược. Mặc dù gần đây Chính phủ đã có những động thái để giảm bớt sự hạn chế đối với quyền sở hữu DN trong nước, song nhiều nhà đầu tư tiếp tục nản lòng bởi những điểm rõ rệt trong quyền của các cổ đông thiểu số. Tăng cường quyền của các cổ đông có thể là bước đi quan trọng trong việc thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư chất lượng cao tham gia các đợt IPO của DNNN và khuyến khích đầu tư tư nhân vào các DNNN nói chung. Một biện pháp thiết thực có thể tiến hành là sửa đổi điều lệ hoạt động của các DNNN CPH, cho phép các nhà đầu tư chiến lược có quyền phủ quyết đối với tập hợp các vấn đề đặc biệt đã được xác định trước, bất kể tỷ lệ sở hữu của họ là bao nhiêu.

Điểm ưu tiên thứ hai là tăng cường tính chịu trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các DNNN tham gia cung cấp các dịch vụ công ích. Rất nhiều DNNN hoạt động trong những lĩnh vực có khuynh hướng dẫn tới độc quyền tự nhiên hoặc độc quyền nhóm. Trong những trường hợp này, chỉ CPH không thôi sẽ không thể dẫn tới cải tiến hiệu quả, trừ khi đi kèm với một chương trình điều tiết, chính sách cạnh tranh, minh bạch tài chính và quản trị công ty toàn diện. Để làm được điều đó, cần giảm bớt sự phức tạp và các nhiệm vụ mâu thuẫn nhau của các DNNN cung cấp dịch vụ. Các DNNN phải có kỷ luật thương mại giống như công ty tư nhân. Từ đó phải có mục tiêu thương mại rõ ràng làm động cơ để tăng hiệu quả và hiệu suất hoạt động.

Cải thiện việc công bố thông tin

Dù Việt Nam đã có nhiều chính sách quy định về quản trị và minh bạch tài chính, nhưng các DNNN chỉ báo cáo cho bộ chủ quản và Bộ Tài chính, việc công bố công khai vẫn rất hạn chế. Hơn nữa, dù nhiều kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt nhưng không có nhiều thông tin về quá trình xây dựng kế hoạch này được công bố cho công chúng. Cải thiện việc công bố thông tin sẽ giúp gia tăng đáng kể sự tin tưởng của nhà đầu tư và nhận thức của công chúng.

Một danh sách trình tự các bước đi tiếp theo được ưu tiên cao của các đối tác phát triển đưa ra gồm 3 điểm.

Thứ nhất, tiến hành rà soát chi tiết cơ cấu tổ chức của các DNNN đang cung cấp dịch vụ hạ tầng thương mại hay công ích.

Thứ hai, sau khi phân loại, các DN thương mại hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh của nền kinh tế phải được xác định để ưu tiên CPH hoặc giải thể. Cần đặt trọng tâm vào việc CPH toàn bộ, hoặc khi điều này không thể thì giảm thiểu vai trò kiểm soát và chi phối của Nhà nước đối với hoạt động DN. Điều quan trọng không đánh giá thành công của quá trình CPH dựa trên số lượng các thương vụ CPH một phần, hoặc số tài sản bán được, mà phải dựa trên số lượng DN có khả năng gạt bỏ sự kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động DN và cải thiện quản trị công ty.

Thứ ba, cần xác định các DNNN cung cấp dịch vụ hạ tầng công ích trong những lĩnh vực kinh tế có khả năng dẫn tới độc quyền tự nhiên hay độc quyền nhóm. Vai trò của các nhiệm vụ công ích trong các DNNN hạ tầng cần phải được làm rõ với mục tiêu xác định và hạch toán tác động của nhiệm vụ này đối với hoạt động DNNN. Những nỗ lực cải cách đối với các DN này cần phải được điều chỉnh để không chỉ nhằm vào CPH mà còn phải minh bạch tài chính DN.

Theo Aaron Batten, Kinh tế trưởng ADB

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên