MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Còn quá nhiều “ngổn ngang”

Năm 2015 là năm cuối của “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.”

Mặc dù vậy, đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều công việc “ngổn ngang” mà Bộ Tài chính cần giải quyết cho kịp với tiến trình đặt ra.

Theo số liệu mới nhất từ Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp; trong đó cổ phần hóa 143 doanh nghiệp. Đây vẫn là con số thấp so với khoảng 200 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm 2014.

Dễ dàng nhận thấy, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm bởi theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước.

Đó là chưa kể tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới, nâng tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2015 lên 532. Đây quả là công việc khó khăn và đầy thách thức trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của năm nay.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã có quyết tâm mạnh mẽ, khởi động rất tốt nhưng quá trình thực thi lại rất chậm. Những kết quả đạt được từng lĩnh vực tái cơ cấu về mặt thực tiễn ít và những xoay chuyển tái cơ cấu có tính chiến lược chưa diễn ra.

Lý giải về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho rằng có ba nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến trình cổ phần hóa.

Thứ nhất, Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế từ năm 2011 đến nay nên thị trường chứng khoán, thị trường thu hút vốn cũng bị ảnh hưởng, kéo theo những tác động bất lợi cho tiến trình cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách theo thời gian đã trở nên lạc hậu trong khi giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn có rất nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tiến hành cổ phần hóa nên rất cần những cơ chế chính sách tháo gỡ mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, khi thị trường vẫn khó khăn, các cơ chế chính sách cũng mới bắt đầu hoàn thiện, những người đứng đầu bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty lại e dè, chưa quyết liệt thực hiện cổ phần hóa cũng chính là yếu tố cộng hưởng khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm lại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước liên tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Đồng thời, góp phần hoàn thiện và phát triển các yếu tố thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cần phải có sự chuyển biến thật sự, một sự thay đổi về chất trong cách làm. “Cơ chế đã đủ, nhưng tại sao chậm, trách nhiệm đến đâu và tư duy quản lý cần phải thay đổi nhiều hơn nữa,” người đứng đầu ngành Tài chính băn khoăn.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên cũng cho rằng để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì phải xác định được tư duy về vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động trong lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm. Ngay cả lĩnh vực này, Chính phủ có thể cân nhắc mua các dịch vụ tương tự từ các nhà cung ứng của khu vực tư nhân.

“Điểm quan trọng nhất là cổ phần hóa phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung,” phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cũng nêu rõ trong năm 2015 sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của Tập đoàn, Tổng công ty nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Đồng thời, Bộ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành theo Quyết định số 37 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2015; Báo cáo Chủ sở hữu các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết.

Mặt khác, để đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và nâng cao quản trị doanh nghiệp; tập trung cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

>>>Phải cổ phần hóa gần 300 doanh nghiệp trong năm 2015

Theo Thùy Dương

PV

TTXVN

Trở lên trên