MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa Vinamotor: Vẫn chưa tìm ra đối tác chiến lược

Chỉ còn 20 ngày nữa, Vinamotor sẽ chính thức bán đấu giá cổ phần lần đầu.

Sáng nay, 7/3/2014, tại trụ sở Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã diễn ra buổi họp báo Công bố thông tin bán cổ phần lần đầu (IPO).

Với vốn điều lệ dự kiến 1 nghìn tỷ đồng, Vinamotor sẽ chào bán công khai 51 triệu cổ phần (51% vốn điều lệ), còn lại 49 triệu cổ phần vẫn do Nhà nước và cán bộ công nhân viên Vinamotor nắm giữ (bán ưu đãi). Giá chào bán bằng mệnh giá: 10.000 đồng. 

Mục tiêu tái cơ cấu

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinamotor cho biết, mục đích của việc cổ phần hóa không có gì hơn là thực hiện tái cơ cấu, sử dụng hợp lý các nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị, công nghệ bằng việc hợp tác với các đối tác chiến lược tiềm năng.

Trong đợt IPO này, theo kế hoạch Vinamotor sẽ bán 51 triệu cổ phần, bao gồm cổ phần phát hành thêm và một phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty. Trong trường hợp chào mua không đủ 51 triệu cổ phần, Tổng công ty sẽ ưu tiên bán phần vốn Nhà nước tại Vinamotor. Mục tiêu dài hạn vẫn là cổ phần hóa bằng được, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty.

Ông Trung cho rằng sau IPO, tốc độ tăng trưởng của Tổng công ty sẽ tiếp tục được cải thiện hơn so với thời gian vừa qua. 

Đứng trước những lo ngại về khả năng bán đấu giá không thành công, tức số lượng đăng ký mua thấp hơn 51 triệu cổ phần, đại diện Vinamotor khẳng định sẽ kêu gọi các nhà đầu tư và hi vọng thương hiệu Vinamotor đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên, mặc dù thời điểm IPO đã đến gần 27/3/2014, Tổng công ty vẫn chưa kết thúc quá trình trao đổi với các đối tác để chọn ra đối tác chiến lược tiềm năng. Ông Nguyễn Hải Trung cho rằng, sau thời điểm IPO, Vinamotor vẫn không ngừng tìm kiếm đối tác chiến lược cho Tổng công ty.

Cổ phần hóa, người lao động có "mặn mà"?

Để "test" khả năng thành công của đợt bán đấu giá sắp tới, đại diện báo chí đặt câu hỏi về số lượng cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phần bán ưu đãi hiện tại là bao nhiêu (trên tổng số 400.100 cổ phần được chào bán), khi giá bán ưu đãi được xác định thấp hơn 40% giá trị chào bán thành công? Điều đó cho biết sức hấp dẫn của Vinamotor trong con mắt những người trong cuộc. Rất tiếc, câu trả lời được đưa ra chưa thực sự đầy đủ. Phải đến khi phiên đấu giá thành công, giá bán ưu đãi cho người lao động mới được xác định. Công ty từ chối đưa ra con số cụ thể của số lượng cổ phần được người lao động chào mua.

Chúng tôi cũng lưu ý, theo báo cáo tài chính của công ty mẹ Vinamotor, số lượng CBCNV Tổng công ty giảm dần từ năm 2010 đến nay. Từ 493 người năm 2010, đến nay còn 403 lao động. Tuy nhiên, thu nhập được cải thiện đáng kể, mặc dù chưa ở mức cao. Năm 2010, thu nhập bình quân người lao động Vinamotor ở mức 3,1 triệu đồng/người/tháng, 30/6/2013 đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Nguyên nhân doanh thu nửa đầu năm 2013 giảm sút

6 tháng đầu năm 2013, doanh thu thuần của công ty mẹ Vinamotor chỉ đạt 51 tỷ đồng. Nếu so với doanh thu thuần trên 300 tỷ đồng 3 năm trước đó, đây quả là một con số đáng lo ngại. Trả lời câu hỏi về nguyên nhân sụt giảm bất ngờ, đại diện Vinamotor cho biết đó là kết quả ảnh hưởng của những đợt đình công lớn của công nhân Hyundai tại Hàn Quốc trong suốt 10 tháng (từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2013) khiến sản lượng Vinamotor. Tuy nhiên, hiện tượng này đã được cải thiện vào nửa cuối năm 2013.

Chưa công bố con số cụ thể doanh thu thuần cả năm 2013, Vinamotor cho biết con số đạt khoảng 96% doanh thu thuần năm 2012, sụt giảm vì vậy là không đáng kể.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên