MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 17/7: SKG, DPM vượt kháng cự, Bảo Minh khép lại tuần bứt phá

Trong phiên hôm nay, sắc xanh xuất hiện trên diện rộng tại 2 sàn và ở phần đông các mã. Xét riêng trong nhóm bảo hiểm, BMI đã trở thành điểm sáng nhất trong phiên.

SKG: Tăng 3.500đ (7%) lên 53.500đ

Thông tin giao dịch:

Một tuần giao dịch đầy biến động đã khép lại bằng một cái kết đẹp với diễn biến tích cực hiện diện tại phần đông các mã chứng khoán. SKG, một cổ phiếu có thanh khoản tương đối thấp, song cũng có diễn biến tích cực trong phiên hôm nay.

Ngay từ khi bắt đầu nhập cuộc, SKG đã được giao dịch trên mức giá tham chiếu. Lực mua liên tiếp với khối lượng cao đã nhanh chóng đưa cổ phiếu này lên kịch trần chỉ sau ít phút. SKG được khớp tại giá trần trong gần như toàn bộ thời gian giao dịch.

SKG đóng cửa tại mức giá 53.500đ, xác lập phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp với biên độ rộng, trái ngược hoàn toàn với thời gian trước đó cổ phiếu này được giao dịch với biên độ rất hẹp. Trong phiên giao dịch hôm nay, SKG cũng đã chính thức bứt phá khỏi vùng kháng cự 51.500đ và vươn tới mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Đây là ngưỡng kháng cự rất mạnh mà mặc dù rất cố gắng nhưng SKG đã không thể vượt qua trong 2 tháng trước đây.

Kết thúc phiên giao dịch, thanh khoản của SKG đạt hơn 71 nghìn đơn vị, đây là một trong những phiên SKG có thanh khoản ấn tượng nhất kể từ đầu năm 2015 tới nay.

Thông tin đáng chú ý:

Mới đây, CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang đã thông qua việc chi trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% theo Nghị quyết của ĐHCĐ năm 2015. Theo đó, SKG đã phát hành gần 4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 20%. Sau đợt phát hành này, SKG sẽ thực hiện chương trình phát hành ESOP 2015 với tỷ lệ 2%, gồm 2 đợt.

Trong quý 1/2015, SKG đạt doanh thu 64 tỷ - tăng 26% và 35 tỷ lợi nhuận sau thuế – tăng 54% so với cùng kỳ. Trong quý này, tàu Superdong VII chạy tăng cường tuyến Hà Tiên – Phú Quốc cùng với 3 tàu Superdong I, II và VI trong khi quý 1/2014 chỉ có 2 tàu Superdong I và II chạy tuyến này. Việc tăng cường tàu đã làm doanh thu tuyến Hà Tiên – Phú Quốc tăng 91% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tàu Superdong VIII bắt đầu hoạt động tuyến Rạch Giá – Phú Quốc từ tháng 2/2015 cũng đã làm cho doanh thu tuyến này tăng 8% so với quý 1/2014.

 

BMI: Tăng 1.600đ (6,5%) lên 26.100đ

Thông tin giao dịch:

N Nhóm ngành bảo hiểm thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây nhưng đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh trong phiên hôm nay, ngoại trừ BVH và BMI. Trong tuần vừa qua, BMI là cp có diễn biến tích cực hơn cả.

Nhanh chóng được đưa lên mức giá rất cao ngay trong ít phút đầu của phiên giao dịch nhưng cũng rất nhanh sau đó lực cung tăng đã dìm BMI về sát ngưỡng tham chiếu. Tuy nhiên, từ cuối phiên sáng, đầu phiên chiều, dòng tiền của bên mua liên tiếp đổ vào thị trường đã giúp BMI dần dần lấy lại phong độ.

Với lực mua càng trở nên mạnh mẽ vào cuối phiên, BMI đóng cửa tại mức giá 26.100đ, chỉ cách trần một bước giá. Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 464 nghìn cổ, suy giảm khoảng 34% so với phiên hôm qua.

5 phiên vừa qua đã đánh dấu một tuần giao dịch bứt phá của BMI sau quãng thời gian dài sideway từ cuối năm 2014. Chỉ trong 5 phiên của tuần này, BMI đã tăng giá tới 37%, thanh khoản cũng đặc biệt cao so với tuần trước.

Thông tin đáng chú ý:

Theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, BMI dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 75,5 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phiếu. Theo lộ trình tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết, đến năm 2010, VĐL của công ty đã phải là 1.100 tỷ. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện vì trong giai đoạn lợi nhuận của công ty tăng trưởng chậm thì việc tăng vốn có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông của BMI. Quyết định tăng vốn điều lệ lên 830,5 tỷ đồng lần này được đưa ra khi điều kiện thị trường cũng như hoạt động công ty đã có sự chuyển biến tích cực. Việc tăng vốn có thể tăng khả năng tham gia đấu thầu của BMI vào các hợp đồng bảo hiểm lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Hướng dẫn của Nghị định 60 sẽ rất nhanh, chúng tôi sẽ làm trong vòng tháng 7. Không những các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%”. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu bảo hiểm nói chung và BMI nói riêng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

 

DPM: Tăng 700đ (2,2%) lên 32.500đ

Thông tin giao dịch:

Không tăng giá với biên độ gây “sốc” hay thanh khoản “khủng”, nhưng nếu ai đã theo dõi DPM trong thời gian gần đây thì hôm nay đúng là một phiên giao dịch rất đáng chú ý của cổ phiếu này.

Trong toàn bộ phiên giao dịch, DPM luôn được khớp lệnh tại các mức giá trên tham chiếu. Tuy có đôi lúc chịu ảnh hưởng từ sự rung lắc của thị trường chung nhưng cổ phiếu này vẫn luôn trong trạng thái tăng giá. Thanh khoản tăng dần vào phiên chiều đã giúp củng cố sức mạnh của bên mua và đưa DPM đóng cửa tại mức giá 32.500đ/cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch toàn phiên của DPM đạt 775 nghìn đơn vị, không biến động nhiều so với phiên hôm qua. Có thể thấy trong phiên hôm nay, khối ngoại đã góp một tay vào đà tăng của DPM khi mua vào 415 nghìn cổ, chiếm 54% tổng khối lượng khớp lệnh.

Với phiên tăng điểm hôm nay, DPM đã vượt qua ngưỡng kháng cự tại mức giá 32.000đ, từng là vùng đỉnh được xác lập vào đầu năm nay.

Thông tin đáng chú ý:

Ngày 23/7 tới đây, PVFCCo Central-đơn vị thành viên của Đạm Phú Mỹ được giao dịch lần đầu tại sàn HNX. Hiện, PVFCCo Central chỉ có 2 cổ đông lớn nắm trên 5% vốn điều lệ là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM) nắm giữ 75% và ông Nguyễn Hữu Luận - ủy viên HĐQT công ty - chiếm 5,5% cổ phần, còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ khác.

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong 6 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã đạt gần 5.000 tỷ đồng tổng doanh thu, tức 53% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế đạt 810 tỉ đồng, bằng 63% kế hoạch. Công ty đã sản xuất 370.762 tấn Đạm Phú Mỹ, đạt 48% kế hoạch năm (780.000 tấn); tiêu thụ 430.000 tấn Đạm Phú Mỹ, đạt 54% kế hoạch (800.000 tấn).

Theo chính sách thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, phân bón là mặt hàng không thuộc diện chịu thuế VAT. Do đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào khiến chi phí đầu vào tăng lên đáng kể. Với Đạm Phú Mỹ, chi phí này trong năm 2015 là khoảng 300 tỉ đồng.

Thu Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên