MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 30/3: GAS, KDC, DLG “kéo chìm” thị trường

Trong phiên giao dịch, bên cạnh việc giảm mạnh, KDC cũng đã gây chú ý với việc có lệnh giao dịch thỏa thuận khá lớn, lên tới 7,2 triệu đơn vị tại mức giá sàn.

GAS: Giảm 1.500đ (2,3%) xuống 64.000đ

Thông tin giao dịch:

Tiếp tục lại có một phiên giảm điểm, GAS hiện đang là một trong những nguyên nhân chính khiến VnIndex giảm mạnh bởi sự ảnh hưởng của cổ phiếu này là rất lớn.

Đóng cửa phiên giao dịch, GAS rơi xuống ngưỡng 64.000đ và đây cũng là mức giá thấp nhất trong phiên của cổ phiếu này. Thanh khoản trong phiên của GAS đạt hơn 440 nghìn đơn vị, giảm nhẹ so với những phiên giao dịch gần đây.

Với phiên giảm điểm hôm nay, GAS đã tiệm cận vùng hỗ trợ khá mạnh đã được tạo ra từ đầu 2013 đến nay. Thanh khoản trong phiên giao dịch hôm nay suy giảm nhẹ cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy áp lực bán không còn quá lớn. Trong bối cảnh đã giảm khá mạnh và tiệm cận vùng hỗ trợ, GAS đang được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có nhịp hồi phục ngắn hạn.

 

Thông tin đáng chú ý:

PVGas đã công bố mua 10 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 25/03/2015  -  31/03/2015 với khoảng giá tối đa là 100.000 đồng theo Nghị quyết HĐQT số 01/NQ-KVN ngày 08/01/2015.

Mới đây, PVGas đã bán thành công toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu PCT mà công ty này nắm giữ (tương đương 19,57% vốn điều lệ PCT). Giao dịch được thực hiện từ 20/3 đến 23/3/2015. Việc thoái vốn khỏi PCT giúp PVGas thu về khoảng 40 tỷ đồng.

Năm 2015, GAS dự kiến kế hoạch doanh thu 69.539 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 14.164 tỷ đồng. Năm nay, GAS hoàn thành và đưa vào vận hành dự án: Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1; hệ thống thu gom và cấp khí tại Tiền Hải – Thái Bình; cấp bù khí ẩm NSC cho GPP Dinh Cố để bổ sung thêm cho nguồn khí Cửu Long và gia tăng giá trị khí.

 

KDC: Giảm 500đ (1,1%) xuống 44.500đ

Thông tin giao dịch:

Kể từ tháng 11/2014 tới nay, KDC liên tục có nhịp điều chỉnh khá mạnh và vẫn chưa có biểu hiện tích cực cho thấy sẽ thoát khỏi xu thế này.

Đóng cửa phiên giao dịch, KDC rơi xuống 44.500đ và đây cũng là mức giá thấp của cổ phiếu này trong phiên. Thanh khoản KDC đạt hơn 304 nghìn đơn vị, nhưng đáng chú ý khi có tới 7,2 triệu đơn vị giao dịch thỏa thuận tại mức giá sàn 41.900đ.

Sau phiên giảm mạnh hôm nay, KDC đã rơi về vùng hỗ trợ ngắn hạn được thiết lập từ đầu năm tới nay. Trong trường hợp tiếp tục tụt giảm thì vùng 42.500đ sẽ đóng vai trò hỗ trợ tiếp theo cho KDC.

 

Thông tin đáng chú ý:

Mới đây, công ty Kim Gia Hân đăng ký mua 7,2 triệu cổ phiếu; trong khi đó bà Vương Ngọc Xiềm là thành viên HĐQT đăng ký bán hơn 7 triệu cổ phiếu... có thể lượng cổ phiếu thỏa thuận trong phiên hôm nay xuất phát từ việc công ty Kim Gia Hân mua vào KDC.

Mới đây, CTCP Kinh Đô đã thông báo, công ty đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ KIDO, là Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu 100% của CTCP Kinh Đô.

ĐHCĐ Kinh Đô đã chính thức thông qua chính sách cổ tức đặc biệt cho cổ đông hiện hữu năm 2015 sau khi thực hiện việc bán cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương, tỷ lệ cổ tức đã từng gây "xôn xao" giới đầu tư với 200% bằng tiền mặt.

 

DLG: Giảm 600đ (Giảm sàn) xuống 9.200đ

Thông tin giao dịch:

Việc DLG giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay là một điều tương đối bất ngờ. Cổ phiếu này giao dịch khá ổn định trong phần lớn thời gian giao dịch buổi sáng và đầu giờ chiều. Tuy nhiên từ thời điểm 13h40 trở đi, áp lực bán đột ngột tăng mạnh lên DLG và mau chóng đẩy cổ phiếu này xuống mức giá sàn.

Giá giảm mạnh đã kích thích dòng tiền bắt đáy tham gia và đẩy thanh khoản DLG lên cao hơn khi đạt 4,2 triệu đơn vị, tăng mạnh so với mức giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất.

Chưa rõ nguyên nhân tại sao DLG bị bán mạnh trong phiên giao dịch hôm nay, nhưng có thể thấy áp lực bán khá chủ động, đây là điều khá đáng quan ngại trong ngắn hạn với DLG. Tuy nhiên, việc giảm mạnh đã khiến DLG tiệm cận kênh kháng cự, hy vọng kênh kháng cự này sẽ tiếp tục thể hiện tốt vai trò nâng đỡ giá cho DLG.

 

Thông tin đáng chú ý:

Lũy kế năm 2014, DLG lãi ròng 54 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 2,1 tỷ đồng LNST dành cho cổ đông công ty mẹ 2013. Mặc dù vậy, EPS của DLG cũng chỉ đạt 367 đồng/cổ phiếu năm 2014. Bên cạnh đó, DLG cũng đã thay thế MPC trong bộ chỉ số VNMidcap của HOSE.

Năm 2014, Đức Long Gia Lai chi tương đối "mạnh tay" cho hoạt động đầu tư. Chi ròng trong năm lên tới 1.533 tỷ đồng, được tài trợ phần lớn nhờ các khoản vay và phát hành thêm cổ phiếu. Vốn điều lệ trong năm 2014 của DLG đã được tăng hơn gấp đôi, từ 697 tỷ đồng lên 1.493 tỷ đồng sau nhiều đợt phát hành thêm.

Hoàng Anh

Hoàng Anh Tú

Tài chính Plus

Trở lên trên