MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ: Con sóng dài hay cú nước rút trước Thông tư 36?

Trong tháng đầu năm 2015, các cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng giá đáng kể. Con sóng ngân hàng bắt đầu từ VCB nhưng sau 1 tháng, đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng giá lại là BID (tăng gần 50%), đứng thứ 2 là CTG (tăng 35,5%).

Tóm tắt:

- Trong tháng 1/2015, cổ phiếu ngân hàng gây ấn tượng sâu sắc với sự tăng mạnh cả về khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu. Trong đó, BID tăng gần 50%, CTG tăng hơn 35%.

- Ngày 28/01 chứng kiến sự bùng nổ về khối lượng tại CTG, BID, MBB và SHB. Riêng CTG và BID tăng trần.

- Các chuyên gia cho rằng động lực tăng giá của cổ phiếu ngân hàng đến từ kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận cũng như chất lượng hoạt động của ngân hàng trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiến triển tích cực. Đi cùng đó là sự thúc đẩy quyết liệt của NHNN đối với việc sáp nhập ngân hàng, ban hành quy định lành mạnh hóa hệ thống. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ về dài hạn.

- Ngược lại, có ý kiến cho rằng cổ phiếu ngân hàng được đẩy lên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phiếu trong ngành này trước thời điểm thông tư 36 chính thức có hiệu lực. Và sự tăng vọt về khối lượng ngày 28/01 cho thấy dư địa tăng giá của cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều.


Trong tháng đầu tiên của năm 2015, cổ phiếu ngân hàng chính là nhóm cổ phiếu ghi dấu ấn sâu sắc nhất trên thị trường chứng khoán, đặc biệt trong phiên ngày 28/01/2015 với sự bùng nổ về khối lượng tại SHB (11,7 triệu đơn vị), CTG (5,7 triệu đơn vị), BID (7,7 triệu đơn vị) và MBB (8,6 triệu đơn vị).

Có thể thấy, từ cuối năm 2014, dòng tiền đã chảy vào các cổ phiếu ngân hàng, thể hiện qua việc thanh khoản trong tháng 1/2015 tăng vọt so với tháng 12/2014 (loại trừ phiên giao dịch ngày 19/12/2014 có sự đột biến tại cổ phiếu STB).

Tính từ ngày 01/01/2015 đến 28/01/2015, các cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng giá đáng kể. Con sóng ngân hàng bắt đầu từ VCB nhưng sau 1 tháng, đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng giá lại là BID (tăng gần 50%), đứng thứ 2 là CTG (tăng 35,5%).

Đi tìm nguyên nhân

Chúng tôi đã đề cập trong một bài viết trước, động lực cho sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trước hết đến từ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan khi thị trường bất động sản và chứng khoán đều đã tăng giá, tăng thanh khoản, tạo điều kiện cho các Ngân hàng giải quyết nợ xấu. Động lực thứ 2 là kỳ vọng vào việc tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm 2015 đối với ngành này, thể hiện qua chủ trương thúc đẩy việc sáp nhập giữa các ngân hàng của Ngân hàng nhà nước.

Như để khẳng định điều này, Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã: CTG), Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (mã: BID), Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank (mã: VCB) và Ngân hàng Quân đội (mã: MBB) – những ông lớn đang niêm yết đều lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2014 rất lạc quan với lợi nhuận tăng trưởng, tín dụng tăng trưởng và tỷ lệ nợ xấu giảm rất mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bạch An Viễn – trưởng phòng Phân tích của CTCP chứng khoán KIS cũng cho rằng kỳ vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế kéo theo sự tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng và khả năng giải quyết nợ xấu là yếu tố khiến giá cổ phiếu ngân hàng tăng lên. Đồng thời, năm 2015 là năm cuối cùng để thực hiện đề án “tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng”. Ngân hàng nhà nước đã rất quyết liệt trong việc thúc đẩy các ngân hàng sáp nhập và ban hành các quy định mới để lành mạnh hóa hệ thống.

Một yếu tố nữa có thể giúp giá cổ phiếu ngân hàng đi lên, theo ông Viễn, đó là sự tham gia của khối ngoại khi có động thái mua ròng tích cực với các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây.

Trong báo cáo triển vọng ngành của CTCP chứng khoán BIDV (BSC), các chuyên gia dự đoán lợi nhuận của các ngân hàng đã tiến hành trích lập dự phòng cũng như phân loại nợ theo tiêu chuẩn thông tư 02 và 09 trong năm 2014 sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2015. Đồng thời mục tiêu giảm nợ xấu toàn hệ thống dưới 3% là khả thi do VAMC được dự báo sẽ năng động hơn.

Đây có thể là những yếu tố làm nền tảng cho một sự tăng trưởng trong dài hạn của cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, một chuyên gia (không muốn nêu tên) nêu ý kiến rằng có khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng được “đẩy” giá lên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phiếu trong ngành này trước thời điểm thông tư 36 chính thức có hiệu lực.

Cảnh báo từ sự bùng nổ khối lượng trong ngày 28/01

Ngày 28/01/2015, NHNN ra 2 chỉ thị liên quan tới định hướng điều hành xử lý nợ xấu và giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Chỉ thị 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất trung và dài hạn thêm 1-1,5%/năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng 13 - 15%, tỷ giá điều chỉnh không quá 2%.

Chỉ thị 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có giải pháp về dự phòng rủi ro, xử lý tối thiểu 60% nợ xấu vào thời điểm 30/6/2015, bán tối thiểu 75% nợ xấu cho VAMC vào cuối năm 2015 nhằm đưa mức nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3% vào cuối năm 2015.

Có thể điều đó đã tiếp tục củng cố sự kỳ vọng nói trên của thị trường và đẩy các cổ phiếu ngân hàng bùng nổ. Trong ngày này, khối lượng khớp lệnh của các cổ phiếu CTG, BID, MBB, SHB bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây. CTG và BID đóng cửa ở mức giá trần. CTG thậm chí không có dư bán.

Nói riêng về những cổ phiếu này, ông Bạch An Viễn cho rằng, về mặt định giá, những ngân hàng như CTG, BID đang có thị giá thấp hơn so với VCB và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thấp nhưng một phiên chưa đủ nói lên điều gì. Theo dự báo của ông Viễn, thị trường năm nay có sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và việc cổ phiếu ngân hàng tăng giá về mặt tổng thể giúp cho thị trường không có diễn biến quá xấu. Tuy nhiên, thị trường gần đây dường như chỉ có cổ phiếu ngân hàng biểu diễn. Vì vậy không thể không e ngại rằng, nếu nhóm này nghỉ ngơi, thị trường sẽ phải điều chỉnh.

Chuyên gia giấu tên nói trên nhận định, khi ngày 01/02 đã đến rất gần thì sự tăng đột biến về khối lượng tại 2 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong dòng ngân hàng thể hiện sự chốt lời rất mạnh của những nhà đầu tư đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. Dư địa tăng giá của cổ phiếu ngân hàng có lẽ không còn nhiều.

>> Sóng cổ phiếu ngân hàng liệu có nổi?

Bảo Ngọc

Minh Trang

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên