MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngành dược: Đói ăn rau, đau uống thuốc

Dược phẩm là một trong những lĩnh vực hiếm hoi kiếm bộn tiền trong năm qua, đi ngược với xu thế những ngành khác trong giai đoạn suy thoái kinh tế.

Chi phí đầu vào tăng nhưng cơ hội tăng giá đầu ra có khiến nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dược phấn khởi, và các nhà đầu tư (NĐT) đang nắm giữ cổ phiếu dược cũng hồ hởi không kém.

Nhìn chung, ngành dược vẫn được dự báo khả quan cùng với hoạt động kinh doanh của các công ty ổn định, doanh thu và lợi nhuận vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt ngay cả trong những năm kinh tế khó khăn. Cổ phiếu dược phẩm rất an toàn và gần như các công ty đều báo lãi.

Điểm sáng nổi lên trong ngành dược hiện nay là Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG). Từ đầu năm đến nay, DHG đã có mức tăng giá khá mạnh, khoảng 68%. Doanh thu sáu tháng đầu năm 2013 tăng 18% so với cùng kỳ, các nhóm sản phẩm chính của DHG đều có kết quả kinh doanh tốt. Cơ cấu doanh thu có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng kinh doanh hàng hóa và giảm hàng tự sản xuất.

Tháng 7/2013, DHG tiếp tục ghi nhận giá trị chuyển nhượng 6 triệu USD thương vụ Eugica. Theo đó, DHG sẽ tiếp tục phân phối nhãn hàng này trong năm 2013, song từ năm sau chỉ gia công. Nhà máy mới đang được triển khai, tiến độ nhiều khả năng chậm hơn dự kiến.

Nhà máy Non Betalactam dự kiến đi vào hoạt động vào cuối quý IV/2013 và nhà máy Betalactam là quý III/2014. Từ đây, năng lực sản xuất của DHG sẽ được nâng lên gấp đôi với 9 tỷ đơn vị sản phẩm.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, kết quả kinh doanh năm 2013 của DHG khả quan, khả năng hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đặt ra từ đầu năm. Doanh thu ước đạt 3.352 tỷ đồng và lợi nhuận vào khoảng 590 tỷ đồng. Giá trị ước tính DHG vào khoảng 126.000 đồng/ cổ phiếu, tương ứng với mức vốn hóa 8.236 tỷ đồng, cao hơn khoảng 9,6% so với giá tham chiếu ngày 21/8/2013.

Cùng với sự thăng hoa của DHG, tình hình Công ty CP Dược phẩm OPC (OPC) cũng khá tốt. Quý II/2012, OPC có doanh thu 97,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,8 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2012, hai chỉ tiêu này lần lượt là 203,7 tỷ đồng và 21,95 tỷ đồng, EPS 6 tháng là 1.787 tỷ đồng.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 tăng mạnh là do doanh thu tăng, trong khi chi phí tài chính giảm, tỷ trọng giá vốn hàng bán và chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu cũng giảm.

OPC hiện có vốn điều lệ 128,858 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 370,553 tỷ đồng, nhưng nợ dài hạn chỉ khoảng 7,5 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 60 tỷ đồng.

Các công ty dược phẩm còn lại niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức hoặc OTC cũng đang thể hiện được năng lực vượt trội của mình. Đó là Dược phẩm Traphaco (TRA), Dược phẩm Imexpharm, Cổ phần S.P.M...

Các công ty này đều đang thể hiện những con số lãi từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng trong báo cáo tài chính quý II. Như vậy, so với các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, hay DN sản xuất đang báo lỗ diễn ra trên diện rộng, rõ ràng các đơn vị dược phẩm y tế gần như báo lãi toàn bộ.

Nhận định cổ phiếu ngành dược phẩm, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) khẳng định, dược phẩm là một trong những lĩnh vực hiếm hoi kiếm bộn tiền trong năm qua, đi ngược với xu thế những ngành khác trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Nói như thế vì ở giai đoạn nền kinh tế nào, nhu cầu sử dụng thuốc đều gia tăng.

"Hiện có những công ty báo lãi ít nhưng điều này không có nghĩa là các công ty đó gặp khó khăn. Có thể, nhiều khoản lợi nhuận các công ty dược chưa hạch toán xong nên sẽ chuyển bớt sang năm sau, nhằm tránh những phiền phức liên quan đến thuế hay thắc mắc từ cổ đông. Do vậy, tôi cho rằng lãi của các doanh nghiệp dược trong năm 2013 sẽ không thua kém gì những năm trước", vị này phân tích.

Ngành dược là ngành ít chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế đi xuống, đồng thời lại có cơ hội tăng trưởng mạnh khi kinh tế đi lên. Hiện tại, thị trường dược Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng khi mức chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người hằng năm vẫn còn ở mức rất thấp.

Trong giai đoạn từ 2004 - 2008, tổng giá trị sử dụng thuốc ở Việt Nam đã tăng từ 0,71 tỷ USD lên 1,34 tỷ USD và tiền thuốc bình quân đầu người hàng năm tăng từ 8,6 USD lên 16,3 USD. Do đặc tính hấp dẫn của ngành, các cổ phiếu dược phẩm luôn có giá và P/E tương đối cao. Trên sàn chứng khoán, hiện cổ phiếu ngành dược cũng được giới đầu tư đánh giá là mã chất lượng tốt, an toàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên là bản chất dòng tiền vào ngành này không đủ mạnh để lướt sóng. Do vậy, NĐT khi đầu tư cổ phiếu này chỉ hợp với nhà đầu tư ưa thích chiến lược dài hạn. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn, các ngành khác chưa xuất hiện tín hiệu khởi sắc, lĩnh vực dược vẫn ảnh hưởng nhưng không lại nhiều.

Theo Hà Linh

phuongmai

Doanh nhân Sài Gòn

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên